Hà Nội trình dự án nghiên cứu sửa chữa ‘tháp Eiffel nằm ngang’ hơn 100 năm tuổi
Dự án sẽ được thực hiện bằng nguồn kinh phí 700.000 Euro do Chính phủ Pháp hỗ trợ không hoàn lại.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) đã trình UBND thành phố xem xét và phê duyệt dự án nghiên cứu sửa chữa cầu Long Biên trong giai đoạn ngắn hạn.
Theo đó, dự án sẽ được thực hiện với nguồn kinh phí 700.000 Euro (tương đương gần 20 tỷ đồng) do Chính phủ Pháp hỗ trợ không hoàn lại, nhằm bảo tồn một trong những biểu tượng văn hóa quan trọng của Thủ đô.
>> Chủ tịch VARS: Thị trường khan hiếm phân khúc chung cư bình dân là điều bất thường
Dự kiến, dự án này được chia thành 3 phần chính: Khảo sát và đánh giá hiện trạng cầu Long Biên; khuyến cáo các chi tiết và hạng mục cần sửa chữa trong giai đoạn ngắn hạn; quản lý, khai thác sau khi không còn phục vụ đường sắt quốc gia và bàn giao cầu lại cho TP. Hà Nội.
Khi dự án được phê duyệt, khoản hỗ trợ trên sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, đây chỉ là hỗ trợ về mặt kỹ thuật còn kết quả nghiên cứu sẽ được gửi đến Bộ GTVT, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và vận hành cầu Long Biên.
Hiện tại, cầu Long Biên vẫn đang trong quá trình phục vụ giao thông cho cả đường sắt và đường bộ, đặc biệt là tuyến đường sắt quốc gia đang chạy qua cầu. Trong tương lai, khi mạng lưới đường sắt thay thế hoàn thiện, Bộ GTVT sẽ bàn giao cầu lại cho TP. Hà Nội. Lúc đó, việc quản lý và khai thác cầu sẽ không chỉ bảo tồn mà còn phát huy các giá trị văn hóa và lịch sử quý báu của công trình này.
Cầu Long Biên là một trong những biểu tượng của Hà Nội, được chính quyền Pháp khởi công xây dựng vào ngày 12/9/1898 với mục đích kết nối giao thông và thuận lợi cho việc khai thác thuộc địa. Sau hơn 3 năm thi công, cầu được hoàn thành vào ngày 3/2/1902 và lễ khánh thành đã diễn ra vào ngày 28/2/1902.
Cầu nổi bật với nét kiến trúc độc đáo, dài 2.290m qua sông, 896m cầu dẫn với 19 nhịp dầm thép cùng 20 trụ cao vững chắc. Thậm chí, cây cầu hơn 100 năm tuổi này còn được ví như “Tháp Eiffel nằm ngang” nhờ vào thiết kế độc đáo.
>> Chuyên gia: Tái cơ cấu nợ có thể cứu nguy hay đẩy bất động sản vào 'cơn sóng gió'?