Tuyến cao tốc hơn 13.000 tỷ, kết nối hai tỉnh Đông Bắc Việt Nam sẽ sớm được triển khai?
Địa phương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải đưa dự án này vào danh mục các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn vừa gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, đề xuất việc đầu tư vào dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng.
Theo đề xuất, UBND tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải đưa dự án này vào danh mục các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030, đồng thời đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản trong việc triển khai dự án.
"Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn cam kết sẽ chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để cung cấp đầy đủ hồ sơ và các tài liệu liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư mà tỉnh đã thực hiện", đại diện UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định.
Dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng được xác định là một dự án hạ tầng giao thông đường bộ quan trọng, tạo sự kết nối giữa cửa khẩu tỉnh Cao Bằng và Thủ đô Hà Nội.
Tuyến đường này sẽ giúp rút ngắn khoảng 50km quãng đường so với tuyến hiện tại qua Cao Bằng - Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội, đồng thời giảm thiểu thời gian và chi phí di chuyển đến các cửa khẩu khu vực Đông Bắc như Trà Lĩnh, Tà Lùng.
>> Hé lộ vị trí xây dựng tòa nhà cao thứ ba Hà Nội, quy mô gần 24.000m2
Khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ kết nối với các tuyến đã và đang đầu tư như CT.05, CT.09, CT.10 và CT.15, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông cao tốc khu vực miền Bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đặc biệt là của tỉnh Bắc Kạn.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, trục cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT07) được xác định là trục giao thông hướng tâm quan trọng, kết nối TP. Bắc Kạn và TP. Cao Bằng với Hà Nội.
Đây cũng là trục cao tốc duy nhất đi qua địa phận tỉnh Bắc Kạn, mở ra kết nối về phía Nam với Thủ đô Hà Nội và về phía Bắc với tỉnh Cao Bằng, qua các cửa khẩu quốc tế để giao thương với Trung Quốc.
Hiện nay, đoạn tuyến cao tốc CT07 từ Hà Nội đến huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) đã được đưa vào sử dụng, trong khi Bộ Giao thông vận tải đang hoàn tất các thủ tục đầu tư đoạn từ Chợ Mới đến TP. Bắc Kạn, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024 - 2026.
Đoạn cao tốc từ TP. Bắc Kạn đến Cao Bằng hiện đang được UBND tỉnh Bắc Kạn và UBND tỉnh Cao Bằng hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, UBND tỉnh Bắc Kạn đang xây dựng kế hoạch đầu tư, nhưng nguồn lực ngân sách trung ương dự kiến phân bổ cho tỉnh còn rất hạn chế.
"Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn thừa nhận rằng việc huy động nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng sẽ gặp nhiều khó khăn", đại diện tỉnh cho biết.
Được biết, tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng có chiều dài khoảng 90km, được chia thành hai dự án thành phần, với điểm đầu tại TP. Bắc Kạn và điểm cuối tại TP. Cao Bằng.
Đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Kạn dài 60 km sẽ do UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức thực hiện; trong khi đó, đoạn qua địa phận tỉnh Cao Bằng, dài 29,2km, đi qua ba huyện Hòa An, Thạch An và TP. Cao Bằng sẽ do UBND tỉnh Cao Bằng phụ trách. Điểm cuối của tuyến cao tốc này sẽ kết nối với đường Võ Nguyên Giáp tại phường Đề Thám, TP. Cao Bằng.
Dự án được thiết kế với quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 80km/h đối với các đoạn đường đèo dốc hiểm trở và 100km/h cho những đoạn địa hình thuận lợi. Tổng mức đầu tư cho phần dự án qua địa phận tỉnh Cao Bằng ước tính hơn 13.300 tỷ đồng.
Bắc Kạn là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ của Việt Nam với diện tích 4.860km2 và dân số khoảng 326.719 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 88%, chủ yếu là người Tày, người Dao, người Nùng và người Mông….
Cao Bằng là tỉnh sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được ví như “viên ngọc xanh” của vùng Đông Bắc Việt Nam, với những yếu tố đặc trưng và lợi thế lớn để phát triển du lịch bền vững.
>> Thành phố đáng sống nhất thế giới tại Việt Nam bất ngờ tạm đình chỉ hoạt động một khách sạn