Hà Nội: trồng mít đặc sản thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm
Mít là cây trồng truyền thống ở những miền quê Bắc Bộ nói chung, Hà Nội nói riêng. Hiệu quả kinh tế từ các loại mít hiện nay rất ấn tượng, nhưng để khai thác hết tiềm năng thì vẫn còn nhiều việc cần làm.
Giá trị kinh tế hơn 280 tỷ đồng/năm
Thị xã Sơn Tây có địa hình bán sơn địa, rất thích hợp để phát triển một số loại cây ăn quả lâu năm, đặc biệt là cây mít. Hiện, trên địa bàn thị xã này có hơn 100ha trồng mít, phân bố tại 9/15 xã, phường, trong đó tập trung chủ yếu tại các xã vùng đồi gò như: Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ…
Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Đào Xuân Hồng Hải cho biết, cây mít hiện đang cho thu nhập kinh tế khá cao, với bình quân từ 2 - 5 triệu đồng/cây/năm; cá biệt có những cây cổ thụ lâu năm, chất lượng ngon có thể mang lại 10 - 15 triệu đồng/năm. Ngoài quả, cây mít còn cho thêm nguồn thu từ gỗ đối với các cây trồng từ vài chục năm tuổi trở lên.
Cùng với thị xã Sơn Tây, cây mít cũng đang được trồng khá phổ biến tại một số huyện khác như: Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thanh Oai… Các giống mít được trồng trên địa bàn Hà Nội hiện nay khá đa dạng và phong phú về chủng loại.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tổng diện tích mít trên địa bàn TP hiện nay vào khoảng 1.135ha. Năng suất bình quân đối với những diện tích trồng mít đạt gần 148 tạ/ha; tổng sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 14.100 tấn. Giá trị kinh tế mang lại từ cây mít là hơn 280 tỷ đồng.
Bên cạnh những giống mít truyền thống (mít dai, mít na, mít mật), còn có một số giống nhập nội với đặc điểm ra quả sớm, quả sai như: mít Thái da xanh, mít nghệ siêu sớm, mít ruột đỏ Malaysia/ Indonesia… Dù vậy, chất lượng về độ giòn, độ ngọt, mùi thơm của các giống mít đặc sản truyền thống thì vẫn có sự vượt trội, ổn định và được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn.
Tìm đầu ra ổn định cho cây mít
Theo bà Nguyễn Thị Loan, một hộ trồng mít lâu năm tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), việc tiêu thụ mít hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tư thương. Vào thời điểm chính vụ, mít chín nhiều, thương lái thu mua với giá thấp, nhiều thời điểm nông dân bị chèn ép, phải bán với giá chỉ từ 7.000 - 1.000 đồng/kg.
Hiện tại, Hà Nội đã được công nhận 1 cây mít di sản tại xã Cổ Loa (huyện Đông Anh), 28 cây mít đầu dòng tại các huyện Ba Vì, Đông Anh và thị xã Sơn Tây. Đây là nguồn cung cấp giống chất lượng cao để mở rộng diện tích trồng mít đặc sản trên địa bàn Hà Nội.
Việc tiêu thụ sản phẩm mít với giá cả không ổn định đang là vấn đề nan giải hiện nay không chỉ tại thị xã Sơn Tây mà trên bình diện toàn TP Hà Nội. Điều này có nguyên nhân từ liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm mít giữa tư thương và người nông dân hiện nay chưa chặt chẽ, thiếu bền vững.
Việc tiêu thụ hiện nay chủ yếu dưới dạng mít tươi nguyên quả; chưa tạo ra được những sản phẩm mít đa dạng, đã qua sơ chế, chế biến sâu. Bên cạnh đó, quy mô trồng mít trên địa bàn Hà Nội nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, TP rất quan tâm phát triển lĩnh vực cây ăn quả nói chung, trong đó có cây mít. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghê) đã cấp nhãn hiệu tập thể cho “Mít Sơn Tây”, tạo điều kiện trước mắt cho việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm mít.
Để thúc đẩy bền vững ngành hàng mít của Hà Nội, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương rà soát lại những diện tích trồng mít hiện có, làm cơ sở định hướng phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến. Từ đó, nghiên cứu, tham mưu UBND TP có chính sách hỗ trợ.
Ông Nguyễn Mạnh Phương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bình tuyển và quản lý khai thác cây đầu dòng, nhằm bảo đảm cho các nhà vườn có thể tiếp cận được cây giống mít chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, sản xuất mít theo hướng hàng hoá cũng đòi hỏi phải tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch và hướng đến đa dạng hoá sản phẩm chế biến từ mít.
“Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây mít, kiến nghị Sở NN&PTNT cụ thê hoá cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt là đầu tư cho công đoạn chế biến sâu. Đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mít nói chung…” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh.
>> Cây mít xuyên qua quán ở Tuyên Quang, quả trĩu trịt, 'chạy' từ gốc đến ngọn
Hỏa hoạn làm 3 người chết ở Bắc Giang: Do đường điện điều hoà quá tải
Cây mít xuyên qua quán ở Tuyên Quang, quả trĩu trịt, 'chạy' từ gốc đến ngọn