Hạ tầng CII bị cắt margin quý III, cổ đông đu đỉnh đứng trước nguy cơ bán giải chấp cổ phiếu

06-07-2022 05:38|Ba Lỗ

Với các nhà đầu tư lỡ tay đu đỉnh CII tại các vùng giá 5x, 4x hay 3x trong quý I/2022, cơ hội để có thể "về bờ" vẫn đang là rất mù mịt, nhất là khi thị trường chung được dự báo khó có thể hồi mạnh mẽ trong giai đoạn hiện tại.

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 4/7/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã công bố danh sách chứng khoán không đủ điện kiện giao dịch ký quỹ quý III/2022.

Danh sách này bao gồm 55 mã trong đó đáng chú ý trong danh sách này có nhiều gương mặt doanh nghiệp lớn hoặc có thanh khoản cổ phiếu cao như VIC của Tập đoàn Vingroup do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 là số âm, cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải Biển Việt Nam - Vosco, TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, FLC, HAI, HAG, HNG, HHV, HVN,...

55 mã cổ phiếu bị cắt margin quý III/2022

Cùng với các đại diện trên, cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM cũng nằm trong danh sách chứng khoán bị cắt margin với lý do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2021 là số âm.

Được biết quý IV/2021, CII bất ngờ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của CII đạt âm 372 tỷ đồng qua đó khiến lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 âm 247 tỷ đồng - đảo chiều hoàn toàn so với mức 472 tỷ đồng trong năm 2020.

Một trong những lý do khiến cho công ty bị thua lỗ trong quý IV/2021 dẫn đến thua lỗ trong cả năm 2021 là sự gia tăng của chi phí lãi vay trong giai đoạn này.

Cụ thể, chi phí lãi vay đã tăng từ 203 tỷ đồng quý IV/2020 lên mức 391 tỷ đồng trong quý IV/2021 (tăng 93%). Chi phí lãi vay cả năm cũng đã tăng từ 901 tỷ đồng năm 2020 lên mức 1.279 tỷ đồng năm 2021 (tăng 42%).

Trong cơ cấu tài chính, quy mô nợ của CII cũng vẫn ở mức khá cao với tổng giá trị nợ phải trả cuối năm 2021 là 22.503 tỷ đồng - gấp 2,7 lần so với vốn chủ sở hữu trong đó riêng các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ghi nhận giá trị là 3.861 tỷ đồng và các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 13.181 tỷ đồng.

Ngoài vấn đề liên quan đến chi phí lãi vay, nguyên nhân thua lỗ của CII trong năm 2021 cũng có do công ty bị sụt giảm doanh thu khá mạnh trong giai đoạn này.

Về diễn biến dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CII ghi nhận mức âm 889 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 743 tỷ đồng, chủ yếu do công ty có thêm dòng tiền nhờ thu hồi các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Mới đây, CII đã có thông báo ước lãi sau thuế nửa đầu năm 2022 của cổ đông công ty mẹ đạt khoảng 700 tỷ đồng - tương ứng thực hiện 93% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Trước đó trong quý I/2022, CII mang về 647 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo đó, quý II lợi nhuận ước đạt 53 tỷ đồng - gấp 4 lần cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường, cổ phiếu CII kết phiên 5/7/2022 tại mức 16.600 đồng - tăng nhẹ 1,2% song đã giảm rất mạnh so với vùng giá đỉnh 58.x đồng hồi đầu năm - tương ứng giảm hơn 70% thị giá.

lhi.png
Diễn biến giá cổ phiếu CII sau ngày lập đỉnh đầu năm 2022

Theo quan sát, CII cũng là một cổ phiếu "đắt khách" với khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 3,1 triệu đơn vị. Thậm chí trong giai đoạn từ cuối quý IV/2021 đến hết tháng 2/2022, thanh khoản của mã luôn duy trì ở mức trên 10 triệu đơn vị/phiên, có phiên vượt mức 30 triệu đơn vịu; đây cũng là giai đoạn cổ phiếu này leo đỉnh và thoái trào.

1 tháng gần nhất, cổ phiếu CII ghi nhận trung bình hơn 2.000 lệnh mua và gần 2.000 lệnh bán/phiên với khối lượng mua/bán trung bình đạt hơn 3.000 cổ phiếu/lệnh. Cá biệt trong giai đoạn cổ phiếu này tạo mô hình cây thông, số lượng lệnh mua/bán trung bình phiên thậm chí đạt hàng chục triệu lệnh.

Có thể thấy sự lao dốc của cổ phiếu CII ở cả diễn biến giá và thanh khoản là điều dễ hiểu trong bối cảnh thị trường chung liên tục gặp khó kể từ đầu năm 2022 sau "phát súng lệnh" mang tên Tân Hoàng Minh bỏ cọc và cựu Chủ tịch FLC bán chui cổ phiếu. 

Đáng nói hơn, sau các sự kiện này, dòng tiền chứng khoán bắt đầu rút khỏi nhóm cổ phiếu bất động sản trước lo ngại nhóm này bị siết tín dụng và kiểm soát các hoạt động huy động vốn cho đầu tư.

ciiii.png

Theo quan sát, đồ thị giá cổ phiếu CII hiện vẫn ngụp lặn dưới các đường MA trong đó đường MA100 vừa cắt xuống dưới đường MA200 qua đó xác nhận xu hướng giảm giá trung - dài hạn.

Như vậy ở thời điểm hiện tại, cơ hội để nhà đầu tư tìm kiếm các mức lợi nhuận cao tại mã này gần như rất khó có thể xảy ra mặc dù P/E của cổ phiếu CII đã được kéo về vùng tương đối hấp dẫn - 13.8.

Với các nhà đầu tư lỡ tay đu đỉnh CII tại các vùng giá 5x, 4x hay 3x trong quý I/2022, cơ hội để có thể "về bờ" vẫn đang là rất mù mịt, nhất là khi thị trường chung được dự báo khó có thể hồi mạnh mẽ trong giai đoạn hiện tại. Việc trung bình giá xuống lúc này vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Với việc CII vừa có tên trong danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý III/2022, áp lực call margin và nguy cơ bị bán giải chấp cổ phiếu đối với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tới đây sẽ là rất lớn và trở thành một bài toán đau đầu đối với cả nghìn chứng sĩ.





Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại Tập đoàn Hoa Sen

Lộ diện cổ đông lớn thứ ba của Ocean Group

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ha-tang-cii-bi-cat-margin-quy-iii-co-dong-du-dinh-dung-truoc-nguy-co-ban-giai-chap-co-phieu-138921.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hạ tầng CII bị cắt margin quý III, cổ đông đu đỉnh đứng trước nguy cơ bán giải chấp cổ phiếu
    POWERED BY ONECMS & INTECH