HAGL đã và đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện, cộng với lợi thế kinh doanh tuyệt đối, nhà đầu tư có thể chờ đợi một HAGL phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong 3-5 năm tới.
Nhắc tới Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL-mã chứng khoán: HAG) nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nợ nần chồng chất. Từ một bluechips một thời, HAGL rơi xuống vực thẳm khi chạy theo đa ngành-đa nghề. Vì muốn lớn nhanh, HAGL đã ngập trong đống nợ. Có những lúc, con số nợ của HAGL lên đến hơn 30 nghìn tỷ đồng. Giới đầu tư chuyên nghiệp, vì thế, đã chục năm nay không quan tâm đến HAGL.
Trong báo cáo tài chính quý 2/2022 vừa được HAGL công bố, Đơn vị kiểm toán E&Y đã phải nhấn mạnh khoản lỗ lũy kế 3.938 tỷ đồng của HAG. Đồng thời, HAG cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Nhưng bức tranh tối đó có lẽ đã là quá khứ, sau kỳ báo cáo tài chính quý 2, HAGL liên tục cho thấy những bước chuyển mình mạnh mẽ trong khâu xử lý nợ để rồi, hòa hợp cùng nỗ lực tái cấu trúc kinh doanh đã thực hiện lâu nay mang lại cho nhà đầu tư cảm giác: HAGL đang hồi sinh từ vực thẳm.
Tái cấu trúc tài chính: Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022, tổng lỗ lũy kế của HAGL là 3,8 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng khoản cho vay đối với các công ty con. Nguồn hoàn nhập dự phòng 2 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế năm 2023 dự kiến 3 nghìn tỷ đồng đủ để HAGL xóa lỗ lũy kế. Với lợi nhuận sau thuế năm 2024 dự kiến 5 nghìn tỷ đồng, HAGL có thể giảm nợ về dưới 3 nghìn tỷ đồng.
Mới đây HAGL, HNG và BIDV đã đạt được cam kết về việc HNG trả 2,1 nghìn tỷ đồng cho HAGL và HAGL sẽ dùng số tiền này trả nợ trái phiếu BIDV. Đây là thông tin rất tích cực đối với việc xử lý nợ của HAGL.
Phát hành riêng lẻ trong năm 2022 sẽ giúp HAGL triển khai các kế hoạch đầu tư, từ năm 2023 hoặc năm 2024 trở đi có thể chia cổ tức bằng tiền mặt. Bầu Đức cam kết, sau đợt phát hành riêng lẻ năm 2022, HAGL không phát hành thêm cổ phiếu hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu và lượng lưu hành ổn định sẽ đảm bảo lợi ích cho cổ đông. Như vậy, từ năm 2023 chúng ta sẽ thấy được tài chính của HAGL sạch sẽ hoàn toàn.
Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh cốt lõi: HAGL đã từng có một cấu trúc kinh doanh rất cồng kềnh với gần 20 công ty con trong nhiều lĩnh vực. Từ năm 2016, HAGL chuyển đổi chiến lược kinh doanh tập trung vào cốt lõi là ngành trồng trọt để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đến đầu năm 2022, sau khi thành công với công thức heo ăn chuối, bầu Đức tuyên bố hành trình mới “1 cây - 1 con”, tức chủ lực là trồng chuối và tận dụng chuối để nuôi heo. Về lâu dài, hoạt động kinh doanh cốt lõi của HAGL tập trung vào bốn mảng:
Mảng chuối: Chuối là cây ăn trái có giá trị, biên lợi nhuận tốt, giá chuối thế giới qua các năm tương đối ổn định và tăng đều đặn, ít có tình trạng đột biến gây rủi ro lớn như cây cao su trước đây của HAGL. Với 7 nghìn ha chuối đang thu hoạch, dự kiến mở rộng lên 21 nghìn ha vào năm 2025, chuối của HAGL được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường lớn với nhu cầu tiêu thụ khoảng 20 triệu tấn mỗi năm, sản lượng của HAGL tới 2025 chỉ chiếm 5% nhu cầu của thị trường.
Mảng heo: Năm 2022, HAGL đầu tư thêm 9 cụm chuồng trại nâng tổng số cụm chuồng trại lên 16 cụm với công suất 1 triệu con heo, kế hoạch tới 2025 sẽ mở rộng quy mô lên 3 triệu con heo.
Chất lượng nổi bật, heo ăn chuối thương hiệu Bapi của HAGL đã được thị trường đón nhận tích cực. HAGL cho biết đến nay đã cơ bản hoàn tất ba kênh phân phối thịt heo: (1) bán tại đại lý cửa hàng, (2) bán qua app người tiêu dùng và (3) bán qua app cộng tác viên bán hàng của Công ty. Để làm được điều này HAGL đã xây hệ thống công nghệ, song song giải quyết vấn đề logistics có thể lên đến hàng ngàn đơn hàng mỗi ngày.
Ngoài heo ăn chuối, HAGL đang nuôi thí điểm 100 nghìn con gà trên diện tích 2 ha tại vùng Mang Yang, Gia Lai. Ban lãnh đạo HAGL thống nhất không nuôi gà công nghiệp, mà hướng đến dòng gà đi bộ.
Mảng thực phẩm: HAGL sẽ xây dựng công ty thực phẩm theo mô hình của CP với tỷ lệ góp vốn 55% nhằm khép kín quy trình từ đầu vào tới đầu ra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giúp tăng đáng kể biên lợi nhuận.
Mảng sầu riêng: HAGL đã trồng 1 nghìn ha sầu riêng 3-5 năm tuổi tại Lào và Việt Nam. Riêng tại Việt Nam là 200 ha, được xem là vùng trồng sầu riêng tập trung lớn nhất nước ta. Giống sầu riêng HAGL trồng tại Việt Nam là Monthong, còn tại Lào Musang-king, giống sầu riêng có giá rất cao.
HAGL có kế hoạch nâng diện tích trồng sầu riêng lên 2 nghìn ha theo kỹ thuật canh tác xen canh giữa sầu riêng và chuối, sau 5 năm khi sầu riêng đủ lớn sẽ phá bỏ chuối đi, như vậy trong các năm đầu HAGL vẫn thu hoạch được 50% chuối trên diện tích trồng sầu riêng.
Ngoài ra, HAGL xin thêm chính phủ Lào 6 nghìn ha đất trong đó có 1,5 nghìn ha đất đỏ bazan ở cao nguyên Bolaven, nâng tổng diện tích đất tại Lào lên 30 nghìn ha. Diện tích đất này sẽ giúp HAGL phát triển trồng cây ăn trái và trồng rừng trong lâu dài.
Tái cấu trúc quản trị: Từng thất bại với mô hình bao cấp từ trên xuống dưới nông trường, HAGL chuyển đổi sang quản lý theo mô hình module, tức là khoán sản lượng theo định mức tới từng nông trường. Đây là mô hình tiên tiến, đang được áp dụng bởi các tập đoàn nông nghiệp lớn trên thế giới. Với mô hình này, chi phí được quản lý triệt để, hiệu quả hoạt động được nâng cao và việc nhân rộng quy mô rất dễ dàng. Điều này tạo cơ sở vững chắc để HAGL thực hiện chiến lược phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Một công ty có chi phí đầu vào thấp, hàm sản lượng đầu ra rộng mở, bền vững sẽ có lợi thế kinh doanh tuyệt đối. HAGL đang thể hiện lợi thế vượt trội của mình so với các doanh nghiệp trong ngành nhờ quỹ đất lớn và tận dụng lượng chuối không đạt chất lượng xuất khẩu để chủ động sản xuất thức ăn chăn nuôi cho heo.
Mảng chuối: Lợi thế về đất đai giúp HAGL có giá vốn chuối thấp, với giá xuất khẩu bình quân 8.5-10.5 USD/thùng 13kg và vòng quay của chuối là 1,7 thì tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt tối thiểu 85%/năm. Thị trường chuối Trung Quốc rất rộng lớn và không có nhiều đối thủ cạnh tranh trong nước nên việc duy trì và tăng trưởng cho sản phẩm này được dự báo khả quan, đặc biệt HAGL đã có kinh nghiệm trồng chuối từ 2017 và duy trì biên lợi nhuận tốt từ nhiều năm trước. Chuối của HAGL được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP (hoặc tương đương), xuất khẩu theo đường chính ngạch, chốt giá hàng tuần trên sàn giao dịch Trung Quốc nên không bị ùn ứ cửa khẩu và giá bán cao hơn nhiều so với nông dân.
Mảng heo: Tận dụng chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để sản xuất thức ăn cho heo, ngoài việc giúp thịt heo có chất lượng thơm ngon vượt trội, HAGL giảm được 20% giá thành heo so với các doanh nghiệp khác, giảm 30% giá thành so với nông dân, tức là nếu bán heo bằng giá vốn HAGL vẫn có lãi 800 tỷ đồng/1 triệu con heo, hiện không công ty nào trong ngành có được lợi thế về giá thành như vậy.
Theo khảo sát của HAGL, thị trường thịt heo trong nước tiêu thụ khoảng 35 triệu con heo mỗi năm, nhưng sản phẩm rất đa dạng và khó kiểm soát chất lượng. HAGL đi vào khai phá thị trường chuyên biệt là heo sạch với đầu ra rộng mở. Sản lượng heo của HAGL hiện rất nhỏ so với nhu cầu thị trường, lượng heo sạch sẽ tăng dần lên thay thế cho heo hỗn loạn hiện tại, với mục tiêu 3 triệu con heo sạch vào năm 2025, sản lượng của HAGL mới tương đương gần 10% nhu cầu thị trường.
Mảng thực phẩm: Mấu chốt cạnh tranh mảng thực phẩm của HAGL là bán heo sạch bằng giá heo thường, mức lợi nhuận trong trường hợp này khoảng 10 nghìn đồng/kg thịt heo bán ra (chưa thuế), với 1 triệu con heo bán ra HAGL sẽ thu về khoản lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng. Bầu Đức cho biết, HAGL sẽ phải làm bằng được việc này để khép kín chuỗi cung ứng và nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Mảng sầu riêng: Chi phí 1 ha sầu riêng của HAGL khoảng 120 triệu đồng cho sản lượng 30-40 tấn, tính mức giá an toàn thì doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng/1 nghìn ha. Với diện tích sầu riêng hiện tại, năm 2023 sẽ cho thu hoạch 300 ha, năm 2024 sẽ cho thu hoạch 800 ha, tới năm 2025 cho thu hoạch 1 nghìn ha. HAGL đã có giấy phép xuất khẩu sầu riêng cho 1 nghìn ha và tương lai cho 2 nghìn ha.
Ngoài ra, các mảng chuối, heo và sầu riêng của HAGL được hưởng ưu đãi thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp 0%.
Với kết quả đạt được từ việc tái cấu trúc toàn diện và lợi thế kinh doanh tuyệt đối, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng nhìn thấy HAGL phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong 3-5 năm tới.
Nội dung: TM
Thiết kế: Lộc Nguyễn