Hai chàng trai 'hành quân' xuyên Việt, dự kiến đến dinh Độc Lập trong ngày kỷ niệm Thống nhất đất nước
Tròn một tháng khởi hành từ Mũi Cà Mau, Bùi Đình Thức và Phạm Đức Hiệp đã đi qua 5 tỉnh và theo kế hoạch, cả hai sẽ đến Dinh Độc Lập vào đúng ngày 30/4.
Bùi Đình Thức vốn là lính công binh nghĩa vụ đóng quân ở Thường Tín, Hà Nội. Trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt, chàng trai trẻ cảm thấy vô cùng hứng thú, tò mò về những khó khăn trong quá trình hành quân của bộ đội thời chiến như trèo đèo, lội suối, băng qua mưa bom, bão đạn. Cũng chính vì lý do đó, anh ấp ủ ý định tái hiện lại cuộc hành quân mà biết bao thế hệ cha ông từng trải qua, đồng thời ghé thăm những di tích lịch sử hay nghĩa trang liệt sĩ trên quãng đường đó.
Ý tưởng này được đồng đội Phạm Đức Hiệp, chàng trai cùng tuổi, cùng quê và cũng từng là lính công binh hưởng ứng, ngỏ ý cùng tham gia. Gia đình của hai chàng trai trẻ cũng hết mực ủng hộ chuyến đi ý nghĩa này
"Thay vì đi bộ từ Bắc vào Nam như thế hệ trước, tôi chọn đi từ Nam ra Bắc bởi muốn đến được Dinh Độc Lập vào đúng ngày 30/4. Đây cũng là cách trải nghiệm cảm giác hạnh phúc của người lính trong khoảnh khắc kết thúc chiến tranh, được về quê khi Bắc Nam đã chung một nhà", Thức chia sẻ.
Được biết, ban đầu cả hai định thực hiện chuyến hành quân ngay khi vừa xuất ngũ vào năm 2022. Thế nhưng, phải đến năm 2024 thì hai chàng trai mới thực hiện chuyến đi bởi một số lý do gia đình. Quãng thời gian chuẩn bị cho chuyến đi, Thức tăng cường chạy bộ nhằm tăng sức bền còn Hiệp chọn tập thể hình kết hợp ăn uống khoa học, chuẩn bị sức khỏe cho chuyến đi.
Khi lên đường, cả hai cũng đã thỏa thuận sẽ sử dụng số quân trang còn giữ lại sau khi đi nghĩa vụ như mũ cối, chăn màn, võng, giày, dép nhựa, áo mưa. Những gì còn thiếu họ đặt mua tại Công ty cổ phần 22, hoặc 26 của Bộ Quốc phòng. Thức và Hiệp bàn tính dọc đường nếu gặp nghĩa trang liệt sĩ là phải vào thắp hương, gặp bà con đang lao động phải dừng lại làm giúp, xin việc làm dọc đường để lấy kinh phí. Tuy nhiên, trong balo của họ luôn chuẩn bị sẵn lương khô, nước uống dự phòng.
Hai chàng trai bắt đầu chuyến đi vào đầu tháng 3. Sau khi di chuyển từ Hải Dương vào Cà Mau, cả hai bắt đầu di chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh, giống với các cuộc hành quân của thế hệ cha ông đi trước. Mỗi ngày, hai người đeo balo nặng 10kg chứa đồ cá nhân và di chuyển quãng đường 20-30 km. Tối đến họ thuê phòng hoặc mắc võng ngủ tạm ngoài trời trong trường hợp đi qua nơi vắng người, không có nhà nghỉ.
Hiệp cũng chia sẻ rằng cơ thể hai người đau nhức, chân phồng rộp trong tuần đầu của chuyến đi. Anh cảm thấy nể phục ông cha khi phải thừa nhận đường hành quân của bộ đội thời chiến ngày xưa vất vả hơn rất nhiều khi phải đeo trên lưng quân trang, vũ khí, lương thực tiếp tế cho chiến trường, còn nay chỉ đi đường bằng cũng cảm thấy vô cùng mệt. Cả hai cố gắng động viên nhau chỉ nghỉ khi đến đích.
Trong 15 ngày đầu của cuộc hành trình, Hiệp và Thức đã đi hết địa phận tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Cả hai đi qua đi qua ba tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Bến Tre trong hai tuần tiếp theo.
Chia sẻ về quãng đường mình đã đi qua trong chuyến đi, Thức nói mới trải qua một tháng nhưng hai người đã không nhớ nổi mình đã ghé qua bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ. Ấn tượng mạnh nhất với họ là nghĩa trang tỉnh Bạc Liêu với hơn 4.000 ngôi mộ. Khi nghe họ trình bày nguyện vọng muốn vào thắp hương, người quản trang đã rất lo ngại hai thanh niên không thể làm xuể. Nhưng sau ba tiếng kiên trì, họ đã hoàn thành nhiệm vụ.
"Bác tôi là liệt sĩ, phần mộ nằm ở Tây Ninh, nên mong muốn lớn nhất của gia đình là có ngày được thắp hương trực tiếp nhưng chưa thể thực hiện. Hiểu mong muốn đó, tôi muốn thay các gia đình ở xa gửi tấm lòng đến các liệt sĩ", Thức kể.
Trong một tháng hành quân đầu tiên, Thức và Hiệp cũng nhiều lần dừng lại hỗ trợ người dân làm ruộng, phát hoang cây dại hay chở đồ nặng. Mỗi khi vào các gia đình xin đi tắm nhờ, thấy chủ nhà chưa giặt quần áo, rửa bát cả hai cũng chủ động làm giúp. Dọc đường gặp những người làm việc dưới thời tiết nắng gắt, hai chàng trai trẻ đều dừng lại tặng nước, đồ ăn rồi mới tiếp tục hành trình.
Trên đường đi, họ gặp ông Son, 70 tuổi ở Cà Mau. Ông mời hai thanh niên mặc quần áo bộ đội vào nhà nghỉ ngơi, ăn uống khi nghe về hành trình xuyên Việt của họ. "Biết hai cháu từng đi nghĩa vụ, hiểu được mục đích của hành trình nên tôi thấy thương, muốn giúp đỡ. Mình không có tiền nhưng có đồ ăn, chỗ ngủ", ông Son chia sẻ.
Cả hai cũng đã quay lại chuyến đi ý nghĩa của mình và chia sẻ lên mạng xã hội. Các video hành quân thu hút hàng triệu lượt yêu thích cũng như bình luận. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ về hành trình dám nghĩ dám làm. Họ cũng chờ đón Thức và Hiệp trên đường để tặng nước, đồ ăn.
Anh Lê Thanh Sang, 41 tuổi, ở xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, bắt đầu theo dõi hành trình xuyên Việt của hai chàng trai mặc đồ bộ đội từ giữa tháng 3. Từng đi nghĩa vụ, hiểu khó khăn trong quá trình hành quân nên biết tin Thức và Hiệp làm thêm tại một quán cà phê ở Bạc Liêu, anh liền tìm gặp.
"Hai bạn còn trẻ nhưng lại có ý chí, nghị lực kiên cường, sống không phụ thuộc, dựa dẫm nên tôi thấy khâm phục, muốn được nghe thêm về hành trình bên ngoài các clip. Bản thân tôi cũng muốn chia sẻ đôi điều với tư cách là thế hệ đi trước, giúp hành trình của hai bạn ấy trở nên trọn vẹn", anh Sang nói.
Có lần đang trên đường từ Cà Mau đi Bạc Liêu, hai anh gặp một vị chỉ huy quân đội đang đi công tác. Khi thấy hai chàng trai mang quần áo bộ đội, người này bèn dừng xe hỏi chuyện, ngỏ ý cho đi nhờ. Hai anh cảm ơn và từ chối vì quyết tâm thực hiện chuyến đi bằng đôi chân của mình. Nghe chia sẻ về hành trình, người này động viên hai cấp dưới dù đã xuất ngũ cố gắng hoàn thành mục tiêu.
Một tháng đi bộ, Thức và Hiệp nói đã quen với cường độ di chuyển, cơ thể không còn đau nhức. Càng đi họ càng thấm thía "chỉ cần quyết tâm, kiên trì, bền bỉ ắt đạt được mục tiêu". Sau khi rời Bến Tre, hai chàng trai tiếp tục qua Long An, Tiền Giang và đặt mục tiêu di chuyển quãng đường theo đúng kế hoạch đặt ra.
"Còn gì tự hào hơn khi khoác trên mình màu xanh áo lính đến Dinh Độc Lập, đứng nghiêm trang dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong ngày Thống nhất đất nước. Nhưng điểm đến cuối cùng trong hành trình đi bộ dọc đất nước của chúng tôi là cột cờ Lũng Cú, Hà Giang vào đầu năm 2025", Thức chia sẻ thêm.