Bác sĩ quân y huyền thoại của Việt Nam được mệnh danh là 'phù thủy chữa bỏng': Người thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam, gia đình có 3 cha con cùng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh

05-04-2024 09:00|Nam Trần

Với 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Ðảng, ông có nhiều đóng góp cho sự nghiệp y tế nước nhà, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và người dân.

Người thầy thuốc của chiến trường

GS-TSKH Lê Thế Trung sinh năm 1928 tại xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì (nay là phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), thành phố Hà Nội. Ông được biết đến như là nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về y học điều trị bỏng, ghép tạng và y học thảm họa.

Ông vốn xuất thân từ công nhân ngành in. Trước hoàn cảnh đất nước chiến tranh, cậu học trò yêu nước Lê Thế Trung đã gia nhập Vệ quốc đoàn, theo học khóa 1 y tá Vệ quốc đoàn, sau đó theo học lớp y sĩ khóa 1 của Trường Quân y sĩ Việt Nam, Liên khu Việt Bắc.

GS-TSKH Lê Thế Trung lúc sinh thời

GS-TSKH Lê Thế Trung lúc sinh thời

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn, trưởng thành qua nhiều cương vị khác nhau. Ở mặt trận Ðiện Biên Phủ thiếu thốn đủ bề, ông cùng đồng đội sử dụng các thanh tre, gáo dừa, mảnh bầu khô để làm dụng cụ cầm máu. Nước đun sôi, tự pha chế làm dịch truyền. Ánh sáng phục vụ các ca phẫu thuật thương binh là những chiếc đèn pin, đèn dầu.

Bác sĩ Lê Thế Trung đi sâu nghiên cứu những vấn đề lớn về ngoại khoa dã chiến, đem lại nhiều thành công trong xử trí vết thương chiến tranh, nhất là vết thương do bỏng. Với "biệt tài" chữa vết thương do bỏng, ông còn được mệnh danh là "phù thủy chữa bỏng”.

Năm 1968, ông trực tiếp vào chiến trường Khe Sanh nghiên cứu về ngoại khoa trong chiến tranh và hoàn thành công trình “Nghiên cứu về tổn thương do sóng nổ, xử trí ngoại khoa và bỏng chấn thương, ghép da tự thân tại chiến trường”. Đến năm 1972, khi được cử làm luận án tại Liên Bang Nga (Liên Xô cũ), GS-TSKH Lê Thế Trung đã chọn nghiên cứu đề tài “Nhiễm khuẩn mủ xanh trong bỏng”.

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về nước cùng các đồng nghiệp xây dựng Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) và Viện Quân y 103, đặc biệt là chuyên ngành bỏng mà ông đã gắn bó suốt cả cuộc đời.

Ông được phong hàm Phó Giáo sư vào năm 1981. Đến năm 1982, ông được phong hàm Giáo sư. Sau đó bốn năm, GS Lê Thế Trung bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ khoa học tại Học viện Quân y Kyrov (Liên bang Nga). Ông được phong quân hàm Thiếu tướng trên cương vị Giám đốc Học viện Quân y năm 1988.

Người khởi xướng việc ghép tạng

Bên cạnh nghiên cứu và điều trị bỏng, Thiếu tướng, GS-TSKH Lê Thế Trung cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về ghép tạng ở Việt Nam. Trên cương vị Giám đốc Học viên Quân y, ông sớm nghiên cứu, khởi xướng việc ghép thận. Học viện Quân y được xem là “cái nôi” ghép tạng của Việt Nam vì ba kỹ thuật ghép: thận, gan và tim đều được thực hiện ở Viện Quân y 103, đơn vị trực thuộc Học viện Quân y. GS Lê Thế Trung là người chỉ huy điều hành hoặc trực tiếp tham dự vào cả ba kỹ thuật tiên tiến này.

Bác sĩ Lê Thế Trung cùng ê kíp sau khi thực hiện thành công một ca ghép tạng

Bác sĩ Lê Thế Trung cùng ê kíp sau khi thực hiện thành công một ca ghép tạng

Năm 1992, Học viên Quân y tổ chức thành công ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam. Ca mổ được thực hiện trong gần 10 giờ, gồm các bước lấy và chuẩn bị tạng ghép, ghép thận cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.

Ðến tận bây giờ, kỹ thuật ghép thận được thực hiện tại nhiều cơ sở y tế toàn quốc và hàng nghìn ca ghép thận đã thành công. Ðồng nghiệp và người bệnh đều ghi nhớ GS Lê Thế Trung như là một nhà khoa học tiên phong trong kỹ thuật ghép thận của Việt Nam.

Năm 2004, khi đang là đồng Chủ tịch Hội đồng chuyên môn ghép tạng Việt Nam, GS-TSKH Lê Thế Trung cùng các đồng nghiệp tiếp tục tổ chức thành công ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam. Có một điều thú vị là ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam cho cháu Nguyễn Thị Diệp (bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa do xơ gan, lá lách quá to, tính mạng bị đe dọa) được GS Lê Thế Trung và người con trai của ông là GS Lê Trung Hải cùng tham gia thực hiện.

Sau 16 tiếng đồng hồ căng thẳng, hồi hộp, ca ghép gan đã thành công. Bé Diệp của 20 năm trước được nhận về làm việc ở chính nơi ngày trước cứu sống mình. Diệp nhận GS Lê Thế Trung là ông. Những ngày nằm viện cuối cùng, dù mệt mỏi, ông vẫn nhận ra người bệnh mình cứu năm xưa, ông gắng gượng trò chuyện với đứa cháu mà ông và đồng nghiệp đã đưa từ cõi chết trở về.

Hiện nay, việc ghép tạng đã được nhân rộng ra ở nhiều bệnh viện trong cả nước, với những thể loại phức tạp hơn, như: ghép tim, ghép phổi, ghép đa tạng…

“Phù thủy chữa bỏng”

GS Lê Thế Trung là người có công đầu trong việc xây dựng chuyên khoa điều trị bỏng của Quân y Viện 103. Trước đó, ông đã nghiên cứu tìm ra nhiều cây thuốc để chữa bỏng thành công. Ðiển hình nhất là thuốc bỏng Maduxin chiết xuất từ cây sến mật, hoặc thuốc bỏng B76 được điều chế từ vỏ cây sơn trà, kỹ thuật dùng da ếch tiệt trùng để phủ vết thương bỏng. Khoa Bỏng của Viện Quân y 103 đã trở thành tuyến cuối chuyên ngành bỏng của toàn quân, toàn quốc.

GS-TSKH Lê Thế Trung chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

GS-TSKH Lê Thế Trung chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Không vừa lòng với những gì đã có, ông cùng các cộng sự viết dự án xin phép Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế nâng cấp Khoa Bỏng thành Viện Bỏng Quốc gia. Đơn vị đã 2 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. GS Lê Thế Trung và các cộng sự tâm huyết của mình đã gây dựng được một trung tâm nghiên cứu và chữa trị bỏng hàng đầu của đất nước.

GS Lê Thế Trung từng giữ chức Chủ tịch Hội Bỏng Việt Nam. Ông luôn tự hào và yên tâm khi hiện tại ngành Bỏng đã có một đội ngũ cán bộ được đào tạo đang hoạt động rất bài bản và khoa học. Cho đến nay, ông cũng là tác giả hàng chục đầu sách xuất bản về những kiến thức chuyên ngành Bỏng, quy trình ghép thận…

Tiếp bước người cha

Tiếp nối truyền thống gia đình, Thiếu tướng, GS-TS Lê Trung Hải, con trai cả của GS-TSKH Lê Thế Trung cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về ghép tạng ở nước ta hiện nay.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Quân y, bác sĩ trẻ Lê Trung Hải đã có mặt ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau này, GS-TSKH Lê Thế Trung và GS-TS Lê Trung Hải còn thực hiện thành công rất nhiều ca ghép tạng khác, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc ấy, năm 2005, lần đầu tiên trong danh sách đồng tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về khoa học công nghệ dành cho Cụm công trình ghép tạng có tên hai cha con: GS-TSKH Lê Thế Trung và con trai, GS-TS Lê Trung Hải.

Đại gia đình GS-TSKH Lê Thế Trung đều công tác trong ngành y. GS-TS Lê Trung Hải đứng thứ hai (từ trái sang)

Đại gia đình GS-TSKH Lê Thế Trung đều công tác trong ngành y. GS-TS Lê Trung Hải đứng thứ hai (từ trái sang)

Năm 2010, người con trai út của GS-TSKH Lê Thế Trung là Đại tá, Thạc sĩ Lê Trung Thắng, Phó trưởng phòng Khoa học Quân sự kiêm Trưởng ban Công nghệ thông tin Học viện Quân y cũng vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về khoa học công nghệ, với vai trò đồng tác giả Cụm công trình Kết hợp Quân dân y. Đây là điều hy hữu và đặc biệt khi có 3 cha con trong một gia đình cùng nhận được giải thưởng cao quý này.

Ông đã và đang tiếp bước theo chân người cha đáng kính của mình, đóng góp và cống hiến cho ngành y. Nhiều báo cáo khoa học của ông về ghép tạng, phẫu thuật nội soi, bệnh lý gan mật tuỵ được đánh giá cao tại các hội nghị quốc tế ở Anh, Đức, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, đồng thời ông cũng chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và Nhà nước.

Trong tâm trí của hàng trăm bệnh nhân, học trò và đồng nghiệp, GS-TSKH Lê Thế Trung gắn liền với hình ảnh về một người thầy thuốc, thầy giáo, một nhà khoa học tâm huyết, tận tụy, hết lòng phục vụ bộ đội và nhân dân, với tinh thần “lương y như từ mẫu”.

Ông qua đời vào ngày 10/6/2018 tại Bệnh viện Quân y 103, hưởng thọ 90 tuổi.

>> Vị bác sĩ sử dụng ngô, sắn để sản xuất ra ‘nước lọc Penicillin’ cho bộ đội trong kháng chiến chống Pháp, là một trong 45 vị Giáo sư đầu tiên của Việt Nam được Bác Hồ ký quyết định phong tặng

Nhà báo Trần Mai Hạnh vừa đột ngột qua đời: Từng là phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam, chứng kiến thời khắc lịch sử ở Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975

Phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam bắn rơi nhiều máy bay địch nhất trong lịch sử, được Bác Hồ khen ngợi

Bệnh viện ghép thận, gan, tim đầu tiên tại Việt Nam và hành trình đưa nền y học Việt lên bản đồ ghép tạng thế giới

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bac-si-quan-y-huyen-thoai-cua-viet-nam-duoc-menh-danh-la-phu-thuy-chua-bong-nguoi-thuc-hien-ca-ghep-than-dau-tien-tai-viet-nam-gia-dinh-co-3-cha-con-cung-nhan-giai-thuong-ho-chi-minh-d119560.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bác sĩ quân y huyền thoại của Việt Nam được mệnh danh là 'phù thủy chữa bỏng': Người thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam, gia đình có 3 cha con cùng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS & INTECH