Hai đô thị giàu có nhất của Việt Nam trở thành 'Đô thị mới nổi' khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Các thành phố của Việt Nam đang dần bắt kịp các nước trong khu vực với những cải thiện về mặt xã hội và kinh tế trong thời gian gần đây.
Ngày 29/6, Cushman & Wakefield, công ty dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới, vừa công bố danh sách các thành phố hòa nhập dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý, hai thành phố lớn của Việt Nam là TP. HCM và Hà Nội đã lọt vào nhóm "Đô thị mới nổi" trong bảng xếp hạng này.
Báo cáo của Cushman & Wakefield đánh giá cao tiềm năng phát triển của TP. HCM, với mật độ dân số đông đúc và trẻ trung, cùng khả năng tiếp cận dễ dàng các dịch vụ y tế, tài chính và nhà ở. Thành phố đang nỗ lực cải thiện hạ tầng và dịch vụ, dần bắt kịp các nước trong khu vực về mặt kinh tế - xã hội.
Hà Nội cũng ghi điểm với tỷ lệ giới tính cân bằng, chi phí thuê nhà và di chuyển phải chăng. Gần đây, thành phố còn đạt được thêm một số cải thiện về giáo dục, giảm khí thải và nắm bắt được nhiều cơ hội đầu tư vào các sáng kiến giúp tăng tính hòa nhập đô thị.
Tiến sĩ Dominic Brown, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của Cushman & Wakefield, cho biết để lập bảng xếp hạng, Cushman & Wakefield đã phân tích gần 4.000 điểm dữ liệu bao gồm 110 biến số, tạo nên bộ dữ liệu toàn diện nhất về các thành phố hòa nhập. 35 thành phố trong báo cáo đại diện cho những giai đoạn khác nhau trong hành trình phát triển thành môi trường đô thị sôi động và toàn diện hơn.
Theo Cushman & Wakefield, các thành phố ghi nhận trong báo cáo đã được lựa chọn vì các thành phố này đang sở hữu đến 80% nguồn cung văn phòng hạng A trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những thành phố này được phân loại thành bốn nhóm, gồm đô thị trưởng thành, đô thị tăng trưởng, đô thị đang lên và đô thị mới nổi.
Các thành phố được xem xét kỹ lưỡng ở bốn khía cạnh toàn diện gồm kinh tế, xã hội, không gian và môi trường. Báo cáo này nhằm mục đích thúc đẩy cuộc đối thoại về ảnh hưởng của hoạt động bất động sản đối với sự hòa nhập của một đô thị và cơ cấu xã hội của các thành phố.
Được biết, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt ở nước ta và cũng nằm trong top 10 tỉnh thành giàu nhất cả nước. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2021, thủ đô Hà Nội rộng hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người; TP. HCM rộng 2.095km2, dân số gần 10 triệu người.
Thời gian qua, Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng mô hình thành phố thông minh. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Với TP. HCM, tháng 8/2022, Thành ủy ban hành Chỉ thị 17-CT/TU về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Xác định đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và ươm mầm hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ là hai mũi nhọn để thực hiện chỉ thị này; TP. HCM đang liên tiếp đẩy mạnh các hoạt động giao lưu công nghệ, từng bước áp dụng trong vận hành đô thị thông minh.
Thông tin mới nhất về đề xuất xây dựng hai khu đô thị của Tập đoàn Hưng Thịnh tại Nha Trang
Hà Nội sắp có 'cú hích' cho mạng lưới giao thông với dự án đường sắt đô thị hơn 35.000 tỷ đồng