Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố những vi phạm của Bộ Công thương trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện, thực hiện quy hoạch điện 7.
Tại kỳ họp thứ 34 diễn ra từ 18-20/12, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận những vi phạm cùa Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, tổ chức Đảng, đảng viên.
Các vi phạm xảy ra trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; thực hiện Quy hoạch điện 7 điều chỉnh; tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự.
>> Loạt dự án điện chậm tiến độ, EVN, KTV, PVN... bị nhắc tên
Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Đảng ủy các Cục, Vụ liên quan và nhiều lãnh đạo khác.
Trong số các lãnh đạo vi phạm có ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương...
>> Nhiều cán bộ cấp cao liên quan đến sai phạm ở Bộ Công Thương và EVN
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương |
Ông Trần Tuấn Anh, sinh năm 1964, quê quán tại thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, là con trai nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ông tốt nghiệp Học viện ngoại giao, học vị Tiến sĩ kinh tế, Cao cấp lý luận chính trị.
Quá trình công tác, ông Trần Tuấn Anh kinh qua nhiều vị trí, trong đó có thời gian làm trong ngành giáo dục. Năm 1988, ông trở thành chuyên viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp, Bộ Công nghiệp.
Năm 1994, ông chuyển công tác sang vị trí chuyên viên Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Năm 2000, ông được điều chuyển sang Bộ Ngoại giao, giữ chức Phó Vụ trưởng rồi đến Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế. Ông cũng từng có thời gian làm Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Hoa Kỳ.
Sau khi trở về, ông Trần Tuấn Anh được điều động giữ chức Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ (5/2008-8/2010).
Tháng 8/2010, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Đến tháng 5/2015, ông kiêm nhiệm thêm ví trí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Sau đó, ông được bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Thương đến tháng 4/2021.
Ông Trần Tuấn Anh là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Tháng 2/2021, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương |
Trước đó, tháng 9/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp lần thứ 7 đã kết luận Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021 Trần Tuấn Anh đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu thực hiện bổ sung quy hoạch phát triển quản lý điện, nhất là các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện, cơ chế chính sách về giá điện, giá xăng dầu…
Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhiều vi phạm về quản lý, đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong đó bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch.
Kết luận thanh tra xác định Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung 114 dự án với công suất 4.186MW vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh. Bộ này cũng trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII 54 dự án với tổng công suất 10.521MW.
Theo quy định, việc đầu tư phải dựa trên quy hoạch điện mặt trời cấp tỉnh, quốc gia, song Bộ Công Thương đã không thực hiện đúng.
Hàng trăm dự án được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung hoặc tham mưu Thủ tướng bổ sung không có căn cứ pháp lý về quy hoạch, không có cơ sở để quản lý, kiểm soát và đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nguy cơ phát sinh "cơ chế xin - cho".
Cũng theo kết luận điều tra, Bộ Công Thương có khuyết điểm, vi phạm khi tham mưu cơ chế khuyến khích dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận sau khi quyết định 11/2017 hết hiệu lực, dẫn tới 14 dự án được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm không đúng quy định.
Số tiền điện EVN phải thanh toán cho các chủ đầu tư này trong 2,5 năm (từ 2020 đến tháng 6/2022) tăng thêm hơn 1.480 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, một số khuyến nghị "không nên đầu tư điện mặt trời bằng mọi giá, cần đồng bộ với lưới truyền tải, phân phối và khả năng chi trả của người tiêu dùng cuối cùng" được đưa ra, song Bộ Công Thương không tiếp thu đầy đủ.