Xã hội

Hạn chế công khai sai phạm giáo viên: Có nên không?

Đỗ Hợp 23/10/2024 14:08

Đề xuất không công khai sai phạm giáo viên khi chưa có kết luận của Bộ GD&ĐT giúp giảm áp lực xong về lâu dài có thể ảnh hưởng đến các giáo viên.

Mới đây, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Trả lời báo chí, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, giải thích việc này nhằm bảo vệ giáo viên trong hoạt động nghề nghiệp. Theo ông, nhà giáo ngoài truyền đạt chuyên môn còn phải làm gương cho học sinh. Trong khi đó, mạng xã hội đưa nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, chưa biết có sai phạm hay không.

"Điều này tạo ra áp lực rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà giáo, đặc biệt với học sinh và phụ huynh", ông Đức nói.

Cô Nguyễn Thùy Linh, giáo viên dạy môn Hóa – Sinh ở bậc THCS ở Hà Nội cho rằng đề xuất này với giáo viên là nhân văn. Thực tế, giáo viên hiện nay đối diện với rất nhiều rủi ro cũng như áp lực.

"Đôi khi giáo viên không có ý như vậy nhưng khi sự việc chưa có kết luận chính thức đã bị đưa lên mạng khiến giáo viên đôi khi bị kết án sớm và sự việc bị đẩy ra xa", cô nói.

Cô Thoa, phó hiệu trưởng một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội nhận định, đề xuất của Bộ là phù hợp. Trong thời đại kỹ thuật số, những thông tin được đưa lên mạng có thể truy cập vĩnh viễn.

“Tôi nghĩ, đề xuất là nhân văn nhưng nếu không quy định rõ sẽ dễ xảy ra sự bưng bít thông tin. Vì thế, nên linh hoạt, vấn đề nào không gây hậu quả nghiêm trọng, có thể giải quyết nội bộ được thì nên tạo cơ hội cho giáo viên. Vì ai cũng có thể bị sai lầm mà nếu vì quá khứ mà bị ám ảnh mãi thì cũng khổ cho giáo viên”- cô Thoa chia sẻ.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc Gia Hà Nội), nhìn nhận đề xuất của Bộ là phù hợp.

Cũng theo ông Nam, đề xuất này cần xét trong bối cảnh thực tế. Nhiều vụ việc có thể giải quyết nhưng phụ huynh ngại trao đổi trực tiếp, than thở trên mạng chỉ dựa trên những thông tin một chiều, thêm mắm thêm muối.

“Việc này ảnh hưởng xấu đến ngành và hình ảnh người thầy. Đề xuất này thể hiện một tiếp cận nhân văn rằng ai cũng có quyền phạm sai lầm mà không bị ám ảnh bởi quá khứ nếu họ đã sửa chữa và tiến bộ”- ông Nam nhìn nhận.
Có nên miễn trừ?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương nhìn nhận, nhà giáo cũng là công dân và hơn nữa lại là viên chức công chức (trường công) hoặc là người làm công tác giáo dục ở nhà trường, cơ sở giáo dục (tư nhân) nên việc phải chịu sự giám sát của xã hội, công luận, báo chí là đương nhiên không có miễn trừ.

Theo ông Vương, công luận bao gồm báo chí, người dân, công dân có quyền giám sát, phê bình và thực hiện các phương pháp khác được pháp luật coi là hợp pháp khi phát hiện sai phạm của giáo viên.

“Nếu đặt ra một quy định như trên nó tạo cho người dân có cảm giác giáo viên là tầng lớp được miễn trừ và các cơ sở giáo dục có cớ để che giấu thông tin, có hại cho sự phát triển của giáo dục và xâm phạm quyền lợi của học sinh, người dân”- ông Vương nêu quan điểm

Cũng theo ông Vương, đề xuất này cũng đi ngược lại tinh thần công khai, minh bạch, dân chủ mà xã hội hướng tới

“Công khai sai phạm ban đầu có thể gây xôn xao và có thể ít nhiều ảnh hưởng các giáo viên, cơ sở làm tốt nhưng về lâu dài nó điều chỉnh làm cho giáo dục tốt hơn. Ngược lại nếu che giấu thì lâu dần người dân bất tín và giáo dục sẽ gặp nguy cơ lớn”- ông Vương nói.

>> Hiệu trưởng yêu cầu giáo viên trả lại 'tiền tài trợ' cho phụ huynh

Xử phạt 2 người phụ nữ bịa đặt chuyện giáo viên quan hệ bất chính

Hiệu trưởng yêu cầu giáo viên trả lại 'tiền tài trợ' cho phụ huynh

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/han-che-cong-khai-sai-pham-giao-vien-co-nen-khong-post1684820.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hạn chế công khai sai phạm giáo viên: Có nên không?
    POWERED BY ONECMS & INTECH