Hàng chục hộ dân suốt 15 năm có sổ đỏ nhưng không có đất
46 hộ dân ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) nộp các khoản phí theo quy định, có sổ đỏ nhưng không có đất, phải đi ở nhờ. Câu chuyện kỳ lạ này kéo dài suốt 15 năm nay ở huyện Phù Cát.
15 năm mòn mỏi “đòi” đất
Năm 2007, gia đình chị Nguyễn Thị Tình (thôn Bình Đức, xã Cát Tân) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa (sổ đỏ) có diện tích 220m2 ở xã Cát Tân để giải quyết nhu cầu nhà ở. Gia đình chị Tình đã nộp đủ tiền sử dụng đất và các khoản phí theo quy định.
Tuy nhiên, 15 năm trôi qua, gia đình chị Tình vẫn phải ôm sổ đỏ mòn mỏi đi “đòi” đất. Bởi thửa đất gia đình chị được cấp cũng chỉ ở trên giấy tờ mà không được cấp đất thực địa.
Chừng đó năm chờ đợi, gia đình chị Tình phải chấp nhận ở nhờ trên thửa đất của cha mẹ. “Họ cấp sổ đỏ nhưng đất thì không có. Bao nhiêu năm nay chúng tôi ở nhờ đất cha mẹ, chứ đi thuê mất thêm khoản chi phí rất tốn kém. Trong khi đó các khoản chi phí tiền đất thì mình đã đóng đủ”, chị Tình cho hay.
Không chỉ gia đình chị Tình mà 45 hộ dân ở các thôn Hòa Dõng, Bình Đức (xã Cát Tân, huyện Phù Cát) đều gặp phải tình trạng tương tự.
Trong thời gian các năm 2005, 2007, 2008 và năm 2013, xã Cát Tân đã quy hoạch đất ở dân cư, được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt ở 2 vị trí: trại Ba An (thôn Bình Đức, xã Cát Tân) và núi ông Đậu (thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân).
Tại vị trí trại Ba An, thôn Bình Đức giao 19 lô cho hộ gia đình với tổng diện tích 3.980 m2; tại núi ông Đậu, thôn Hòa Dõng, giao 27 lô cho hộ gia đình, với tổng diện tích 3.141m2.
Các trường hợp người dân được giao đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính (đã nộp đủ tiền sử dụng đất và các khoản phí theo qui định). Nhà nước đã ra quyết định giao đất ở cho từng hộ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, các trường hợp này đều chưa cắm mốc giao tại thực địa.
Lý do chưa cắm mốc giao đất cho các trường hợp này được chính quyền địa phương đưa ra là do vướng giải phóng mặt bằng nên chưa có đất “sạch” để giao. Vụ việc này kéo dài hơn chục năm nay gây bức xúc cho người dân.
Thu lại sổ cũ, cấp đất mới cho dân
Ông Trần Công Tòng, Chủ tịch UBND xã Cát Tân cho rằng thời điểm xảy ra vụ việc này chính sách chưa rõ ràng. Thời điểm đó chỉ có chủ trương hỗ trợ khai khoáng trên đất chứ không có bồi thường đất. Công tác giải phóng mặt bằng vướng nên không thể giao đất cho người dân.
“Thời điểm đó chưa có đất nhưng bà con nộp tiền cấp sổ. Cũng có giai đoạn cấp sổ trước rồi mới làm sau, khi bà con nộp tiền, có sổ nhưng không có đất để giao. Chúng tôi đã nhiều lần quy hoạch ở những vị trí khác nhau nhưng không được”, ông Tòng lý giải.
Để giải quyết tồn tại trên, UBND xã Cát Tân đã xin chủ trương hoán đổi đất qua một khu đất mới. UBND huyện Phù Cát thống nhất trên cơ sở thu các sổ cũ cấp lại sổ mới cho dân.
Địa điểm được chính quyền huyện này chọn để hoán đổi là khu quy hoạch dân cư Vườn Bồ (thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân). Hồ sơ quy hoạch dân cư Vườn Bồ được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại quyết định số 4260/QĐ-UBND, ngày 22/10/2021. UBND xã Cát Tân đã lập quy hoạch chi tiết khu dân cư, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Ngày 27/10, UBND huyện Phù Cát đã ban hành quyết định thu hồi 46 lô đất đã giao trước đây; gồm 19 lô đất tại khu trại Ba An, thôn Bình Đức, xã Cát Tân; và 27 lô đất tại khu núi ông Đậu, thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân.
Ngày 31/10, Phòng TN&MT huyện Phù Cát phối hợp với UBND xã Cát Tân trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm mốc giao đất tại thực địa cho 46 trường hợp được hoán đổi đất.
Khi được giao đất tại thực địa, các hộ dân rất vui mừng. Tuy nhiên, người dân cũng cho biết, khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới và cắm mốc giao đất tại thực địa thì không đủ diện tích đất theo như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ đã được giao.
Sau hơn chục năm chờ đợi được cấp đất, người dân phải nhận lại mảnh đất không bằng với diện tích đã cấp ban đầu. Nhưng vì không muốn phải kéo dài sự chờ đợi mòn mỏi việc có sổ nhưng không có đất để ở, người dân phải chấp nhận.
“Hồi sổ tôi được cấp diện tích 220m2 mà giờ cấp lại tổng diện tích có 160m2, mất nhiều. Nhiều người chứ không phải riêng tôi bị vậy. Chính quyền nói thông cảm do vướng, chờ đủ diện tích đó thì lâu nữa. Vì đã kéo dài mười mấy năm rồi mà chờ nữa biết bao giờ, mình phải chấp nhận thôi”, một người dân nói.
Lý giải về việc hoán đổi đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới có diện tích thấp hơn so với diện tích cũ đã giao cho người dân, Chủ tịch UBND xã Cát Tân cho rằng do khu đất mới này là khu quy hoạch có đường xá rộng hơn. Chính quyền không tính giá trị mười mấy năm, chỉ tính giá trị đất ở nơi cũ so với với vị trí mới.
Theo ông Tòng, “ban đầu dự kiến làm cho bằng diện tích nhưng khi làm không đủ diện tích, để mở rộng ra cho bằng diện tích thì lâu. Bà con đồng tình thiếu ít nhiều cũng tốt, người dân đồng ý hết”.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho rằng, trong sự việc này không có việc đùn đẩy né tránh mà do năng lực. “Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng không bao giờ đơn giản, năng lực của cán bộ chỉ đến đó và để như vậy, không quyết liệt để sự việc kéo dài”, ông Hưng nhìn nhận.
Theo ông, thời gian tới, UBND huyện Phù Cát sẽ rà soát lại cán bộ địa chính theo từng giai đoạn, trách nhiệm, vai trò. Không chỉ rà soát ở địa bàn xã Cát Tân mà rà lại tất cả các địa phương trong địa bàn huyện, đồng thời, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan để xử lý.
“Trách nhiệm chính đầu tiên là cấp xã, thứ hai nữa là các cơ quan có liên quan, ít nhất là cấp huyện cũng có một phần trách nhiệm vì giấy chứng nhận sử dụng đất là huyện cấp. Phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan để rút kinh nghiệm cho toàn địa bàn. Tuỳ theo mức độ đến đâu có hình thức xử lý tương xứng”, ông Hưng nói.