Hang động ở Hà Nội được ca ngợi ‘đẹp nhất trời Nam’, có tượng Phật Bà Quan Âm làm từ đá xanh cùng ‘kho báu’ thạch nhũ kỳ ảo
Hang động này cách chùa Thiên Trù hơn 2.000m và ở độ cao 390m, được coi là trung tâm của khu thắng cảnh chùa Hương.
Chùa Hương - tên gọi đầy đủ là Quần thể di tích - danh thắng Hương Sơn, tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Đây là một trong những danh thắng đặc biệt của Việt Nam, gồm 21 ngôi chùa, động thờ Phật, ngôi đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và gắn liền với Phật giáo Đạo tràng, nơi tu hành đắc đạo của Bồ Tát Quán Thế Âm. Lễ hội chùa Hương, kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến cuối tháng Ba Âm lịch hàng năm, được mệnh danh là “lễ hội dài ngày nhất nước”.
Nổi bật giữa khung cảnh núi non hùng vĩ của Hương Sơn là rừng ba tầng thực vật phong phú, dòng suối Yến trong xanh đưa khách vào chùa, động Hương Tích – một trong những hang động đẹp nhất miền Bắc...
Động Hương Tích, cách chùa Thiên Trù hơn 2.000m và ở độ cao 390m, được coi là trung tâm của khu thắng cảnh chùa Hương. Nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa tại chùa Hương đều không quên ghé động Hương Tích để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây. Người đời thường lưu truyền rằng: “Ai đi chùa Hương mà chưa ghé động Hương Tích thì xem như chưa đến nơi”.
Cửa động Hương Tích nằm gần đỉnh một ngọn núi, có hình hàm rồng há miệng, ngoài cửa là hai cây chò vẩy cao lớn – một loại gỗ quý hiếm ở miền Bắc. Để vào động, du khách cần đi bộ qua hơn 100 bậc đá. Bên trái lối vào là vách núi cao khắc năm chữ “Nam thiên đệ nhất động”, tương truyền do chúa Trịnh Sâm đề vào năm 1770 khi ông đến thăm vùng Sơn Nam.
Trong động Hương Tích, có tượng thờ Đức Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh cùng các chư vị La Hán. Tương truyền, đây là nơi Đức Phật Bà đã tu thành chính quả, nên động mang tên Hương Tích. Ánh sáng trong động yếu ớt, chỉ lẻ loi chiếu từ cửa vào và qua vài lỗ trên đỉnh núi, cùng với ánh nến trên các bệ thờ tạo nên không khí huyền ảo, tôn nghiêm nơi thờ Phật.
Đi sâu xuống động là vô vàn nhũ đá rủ xuống từ trần nhà và nhô lên từ mặt đất với đủ các hình thù kỳ lạ. Nào là hình Lợn Mẹ, Lợn Con, Đụn Rơm, Đụn Gạo, nào là hình trái Bòng, trái Bưởi, cây Bạc, cây Vàng, nào là núi Cậu, núi Cô, cà sa nhũ Phật…
Trong đó, ấn tượng nhất là Đụn Gạo. Do nằm ở chính giữa, gần lối cửa vào và khá lớn, nên khi nhìn từ cửa động, hòn thạch nhũ này giống như lưỡi trong miệng rồng, tạo sự thích thú cho du khách. Động còn có "đường lên Trời" và "lối xuống Âm phủ". Đường lên Trời là một sườn đá dốc càng leo càng cao, lối xuống Âm phủ là một cái khe đưa xuống hang sâu dưới đất.
Khi đến đây, du khách có thể cảm nhận không khí mát lành toát ra từ lòng động, nhờ những giọt nước chảy tí tách từ nhũ đá, tựa như dòng sữa mẹ. Cảnh sắc thơ mộng của dòng suối Yến từ bến Đục dẫn vào động làm say lòng biết bao du khách, khiến ai từng đặt chân đến đây đều cảm thấy xuyến xao trước vẻ đẹp của động Hương Tích – động đẹp nhất trời Nam.
>> Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam có thêm hai khu du lịch cấp thành phố