Hàng loạt công ty lớn rút lui, cuộc đua thế giới ảo của Mark Zuckerberg bế tắc: Kết buồn của Metaverse

10-05-2023 08:47|Thủy Tiên

Việc đơn vị đi đầu trong phát triển Metaverse "tham chiến" trên mặt trận AI đã đặt dấu chấm hết cho xu hướng vũ trụ ảo.

the-future-of-the-metaverse.jpg

Metaverse hay vũ trụ ảo đã gây nên cơn sốt trong ngành công nghệ ở thời điểm hai năm trước, thế nhưng giờ đây, một loạt công ty lớn đã rút khỏi cuộc đua thế giới ảo sau khi nhận thấy lĩnh vực này không dễ kiếm tiền như những gì tưởng tượng.

Đi đầu trong trào lưu này phải kể đến người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg. 18 tháng trước, Zuckerberg đã đặt cược tương lai của công ty vào Metaverse khi đổi tên Facebook thành Meta, đồng thời chi hàng chục tỷ USD cho tham vọng vũ trụ ảo.

Sau sự kiện ra mắt gây được nhiều tiếng vang, Metaverse đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng công nghệ và được kỳ vọng sẽ sớm trở thành một nguồn doanh thu đáng kể cho các “ông lớn” mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, lượng người dùng tăng chậm, chủ yếu do thiết bị phần cứng đắt đỏ và công nghệ còn chưa hoàn thiện, thiếu tầm nhìn nhất quán cho sản phẩm cộng thêm tình hình kinh tế xấu đi, đã khiến Metaverse trên đường đến “nghĩa địa của những ý tưởng thất bại trong ngành công nghệ”, theo tờ Insider.

Hiện nay, ngành công nghệ đang xoay trục sang một xu hướng mới hứa hẹn hơn, đó là AI (trí tuệ nhân tạo). Ngay chính đơn vị đi đầu trong phát triển vũ trụ ảo là Meta cũng đang chuyển hướng sang AI đã đặt dấu chấm hết cho xu hướng Metaverse.

Ảo mộng ban đầu

Ngay từ những ngày đầu tiên, Zuckerberg đã tiêu tốn hàng chục tỉ USD vào một tầm nhìn vĩ đại có thể làm thay đổi cả thế giới, được ông mô tả là một dạng “internet hiện thân”, nơi mọi người không chỉ xem được nội dung mà còn tồn tại trong đó. Đoạn video quảng cáo hào nhoáng đi kèm với thông báo thay đổi tên công ty thành Meta cho thấy sự tập trung hoàn toàn vào Metaverse.

Ông tuyên bố từ giờ trở đi “sẽ là Metaverse trước tiên, chứ không phải Facebook trước tiên”, đẩy mạng xã hội do ông sáng lập vào năm 2004 xuống hàng ưu tiên thứ 2 trong khi chính mạng xã hội này vẫn đang góp phần lớn trong tổng doanh thu của Meta.

Những động thái mạnh mẽ này đã khiến thế giới đặt kỳ vọng cao ngất vào Metaverse. Các phương tiện truyền thông ngất ngây trước khái niệm mới mẻ này. Tờ báo công nghệ uy tín The Verge đã xuất bản một cuộc phỏng vấn dài gần 5.000 từ với Zuckerberg ngay sau thông báo. Trong đó, Metaverse được đánh giá cao với “một tầm nhìn toàn diện và sâu sắc về internet.”

Tuy nhiên, một cuộc phỏng vấn thực tế ảo giữa MC đài CBS, Gayle King và Zuckerberg đã cho thấy khung cảnh trái ngược hoàn toàn so với những lời quảng cáo hoa mỹ của Meta. Hình đại diện của đôi bên có chất lượng thấp tệ hại, cả hai thậm chí còn phải sử dụng các ký hiệu hình thể vụng về.

Metaverse: Từ đứa con cưng của ngành công nghệ đến “nghĩa địa” của những ý tưởng thất bại

Bức ảnh vũ trụ ảo Horizon Worlds được Mark Zuckerberg chia sẻ trên Facebook.

Bên cạnh đó, năm 2022, nhà sáng lập Facebook đã bị cư dân mạng chế nhạo sau khi ông chia sẻ hình avatar của mình trong ứng dụng Metaverse Horizon Worlds. Avatar của Zuckerberg bị chê là quá xấu, không bằng cả chất lượng đồ họa của thập niên 1990.

Dù vậy, Zuckerberg vẫn say mê làm thơ về Metaverse, ca ngợi đây là "tầm nhìn bao trùm nhiều công ty" và "sự kế thừa của internet di động”. Nhưng ông đã thất bại trong việc trình bày các vấn đề kinh doanh cơ bản mà Metaverse sẽ giải quyết.

Khái niệm về thế giới ảo, nơi người dùng tương tác với nhau bằng hình đại diện kỹ thuật số đã tồn tại từ cuối những năm 90, với các game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi như "Meridian 59", "Ultimate Online" và "EverQuest". Tuy nhiên, vũ trụ ảo của Zuckerberg đòi hỏi người dùng phải sử dụng bộ tai nghe Oculus rườm rà.

Người dẫn chương trình của CNBC, Jim Cramer, gật gù với kế hoạch của Meta là thu hút 1 tỉ người sử dụng và hàng trăm tỉ USD thương mại kỹ thuật số mỗi ngày, bất chấp việc CEO của Meta không thể giải thích lý do tại sao người dùng muốn đeo một chiếc kính cồng kềnh hay tai nghe để tham dự một buổi hoà nhạc chất lượng thấp.

Kéo cả thế giới chạy theo

Phát biểu tại Hội nghị Ignite năm 2021, Giám đốc điều hành Microsoft, ông Satya Nadella cho rằng, không thể nhận ra mức độ đột phá mà Metaverse mang lại cho công ty hay ngành công nghiệp và thế giới.

Tương lai mịt mờ của Metaverse cũng không ngăn cản trào lưu này dẫn đầu trong thị trường kinh doanh. Ngay sau khi Meta thông báo ra mắt Metaverse, trong vài tháng sau đó, dường như mọi công ty từ các ngành giải trí, game, thời trang... cũng tham gia vào cuộc đua trong siêu thế giới ảo này mà không rõ ràng sản phẩm đó là gì hoặc tại sao họ nên làm như vậy.

Ngay cả những doanh nghiệp dường như ít liên quan đến công nghệ như Walmart hay Disney cũng tham gia vào Metaverse. Roblox - một nền tảng trò chơi trực tuyến dựa trên vũ trụ ảo, xuất hiện từ năm 2004, đã thúc đẩy làn sóng cường điệu của Metaverse trong đợt IPO đầu tiên và được định giá 41 tỷ USD.

Bất chấp nỗi ám ảnh của Zuckerberg với Metaverse, thực tế là công nghệ này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của công chúng. Việc nhiều công ty đổ tiền vào Metaverse để tham gia trào lưu này cũng đã khiến các nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn và nhà phân tích trên Phố Wall đưa ra dự báo về sự tăng trưởng của Metaverse.

Theo Gartner, đến năm 2026, 25% dân số có thể sẽ dành ít nhất một giờ mỗi ngày cho Metaverse. Tờ The Wall Street Journal cũng cho biết Metaverse sẽ thay đổi cách làm việc của chúng ta mãi mãi, trong khi McKinsey dự đoán Metaverse có thể tạo ra giá trị lên tới 5.000 tỷ USD.

Khoảng 95% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng Metaverse sẽ tác động tích cực đến ngành của họ trong vòng 5 đến 10 năm tới, McKinsey cho biết thêm. Thêm vào đó, Citi cũng đã đưa ra tuyên bố Metaverse sẽ mang đến cơ hội trị giá tới 13.000 tỷ USD.

Kết thúc vòng đời

Mặc dù nhanh chóng trở thành ý tưởng hot hàng đầu trong giới công nghệ, thực tế là Metaverse vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của công chúng. Mọi ý tưởng kinh doanh hay dự báo thị trường chỉ được xây dựng trên những lời hứa mơ hồ của một CEO duy nhất. Khi người dùng thực sự có cơ hội trải nghiệm, không ai còn muốn sử dụng Metaverse lần thứ hai.

Ví dụ, sản phẩm Decentraland của Metaverse chỉ có khoảng 38 người dùng hoạt động hàng ngày "trong hệ sinh thái trị giá 1,3 tỷ USD của nó", theo một báo cáo độc lập bên thứ ba, trong khi số người chơi các trò chơi trực tuyến khác như "Fortnite" còn lớn hơn rất nhiều.

Ngay chính Mark Zuckerberg hồi đầu tháng 9/2022 đã phải vội vã vào phòng lab của Meta ở Pittsburgh, ngồi trước hơn 100 chiếc camera độ phân giải cao để tạo ra một avatar mô tả thực hơn diện mạo của ông. Mục đích chỉ để chứng minh canh bạc đặt cược của ông vào Metaverse không thất bại như nhiều người vẫn nghĩ.

Metaverse: Từ đứa con cưng của ngành công nghệ đến “nghĩa địa” của những ý tưởng thất bại
Nguồn: The Verge.

Tuy vậy, nhà sáng lập Facebook vẫn phải đối mặt với nỗi hoài nghi gia tăng về tầm nhìn Metaverse của ông. Đến tháng 10 năm 2022, Mashable báo cáo rằng Horizon Worlds có dưới 200.000 người dùng hoạt động hàng tháng — thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 500.000 mà Meta đã đặt ra. Thậm chí The Verge còn cho biết nó có nhiều lỗi đến nỗi ngay cả nhân viên của Meta cũng không muốn sử dụng.

Sở hữu sức mạnh của một công ty trị giá hàng nghìn tỷ USD, nhưng Meta cũng không thể thuyết phục mọi người sử dụng sản phẩm mà công ty đã đặt cược tương lai vào đó.

Gặp khó khăn trong môi trường suy thoái, lãi suất tăng và xu hướng AI sáng tạo nổi lên, các công ty công nghệ đã mạnh tay cắt giảm việc làm và từ bỏ những dự án mà họ cho là không còn quan trọng, trong đó có cả "giấc mơ" Metaverse.

Hàng tỷ USD được đầu tư và sự phóng đại đến nghẹt thở xung quanh một khái niệm nửa vời đã dẫn đến hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng chục nghìn người mất việc làm. Meta đã sa thải 11.000 nhân viên vào cuối năm vừa rồi và cho biết sẽ cắt giảm thêm 10.000 vị trí và các dự án khác nhau, bao gồm một số dự án ở bộ phận Metaverse.

Tháng 1/2023, Microsoft đã đóng cửa nền tảng không gian làm việc ảo AltSpaceVR, sa thải 100 thành viên của nhóm Metaverse đồng thời thực hiện một loạt cắt giảm đối với nhóm HoloLens của mình. Đến tháng 3, Disney đã đóng cửa bộ phận Metaverse. Walmart cũng đã làm theo, kết thúc các dự án Metaverse dựa trên Roblox.

Metaverse đã chính thức kết thúc vòng đời khi chính Meta - công ty khởi xướng xu hướng này chuyển sang lãnh địa nhiều tiềm năng hơn với thông báo: “Khoản đầu tư lớn nhất duy nhất của Meta là thúc đẩy AI và tích hợp nó vào mọi sản phẩm của mình.”

Giám đốc công nghệ Meta, Andrew Bosworth cho biết ông cùng với Mark Zuckerberg và Giám đốc sản phẩm Chris Cox, hiện đang dành phần lớn thời gian cho AI. "Về lâu dài, chúng tôi sẽ tập trung vào việc phát triển các nhân vật AI có thể giúp mọi người theo nhiều cách khác nhau", ông chủ Meta nói. Công ty thậm chí đã ngừng giới thiệu Metaverse cho các nhà quảng cáo, mặc dù họ đã chi hơn 100 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển.

Việc "tham chiến" của Meta trên mặt trận AI diễn ra sau khi hàng loạt những ông lớn công nghệ đổ xô vào công nghệ này trong bối cảnh chatbot ChatGPT lan truyền chóng mặt. Các đối thủ công nghệ lớn Google, Microsoft và Snapchat đều tung ra các phiên bản AI bot của riêng mình.

Bài học có được rút ra?

Mặc dù ý tưởng về thế giới ảo hoặc trải nghiệm trực tuyến tập thể có thể tồn tại dưới một hình thức nào đó trong tương lai khi công nghệ và nhu cầu của người dùng tiếp tục phát triển, nhưng Metaverse đã chết. Cái chết của Metaverse nên được ghi nhớ như một trong những thất bại lớn nhất của lịch sử ngành công nghệ.

Việc Mark Zuckerberg thực sự rời khỏi dự án Metaverse là một sự phản bội đối với những người theo dõi ông và những ai coi ông là một nhà lãnh đạo công nghệ có tầm nhìn, theo tờ Insider.

Thực tế, dự án này chỉ là cách để tăng giá cổ phiếu chứ không phải là một tầm nhìn đích thực về tương lai của sự tương tác giữa con người với nhau. Zuckerberg đã sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình và quyền lực để thu hút toàn bộ ngành công nghệ và một phần lớn thế giới kinh doanh Mỹ ủng hộ ý tưởng không rõ ràng này.

Đây cũng là nguyên nhân khiến những nhà đầu tư mạo hiểm cần suy nghĩ nghiêm túc về những quyết định đầu tư và thận trọng trước những xu hướng phóng đại dựa trên truyền thông.

Trong khi thế giới lên cơn sốt, AI lại đang khiến Mark Zuckerberg đau đầu, Meta dính đến cả quảng cáo buôn ma túy

Ván cược mới của Mark Zuckerberg sau khi ‘đốt’ 40 tỷ USD nhưng ra về 'tay trắng'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/metaverse-tu-dua-con-cung-cua-nganh-cong-nghe-den-nghia-dia-cua-nhung-y-tuong-that-bai-182438.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hàng loạt công ty lớn rút lui, cuộc đua thế giới ảo của Mark Zuckerberg bế tắc: Kết buồn của Metaverse
    POWERED BY ONECMS & INTECH