Được đầu tư hàng chục tỷ đồng/dự án nhưng sau khi triển khai, giải ngân vẫn nằm trong trạng thái “bất động” gây lãng phí tài sản nhà nước suốt nhiều năm qua chưa thể hoàn thiện, vận hành.
Thực trạng những dự án công trình xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước không hiệu quả, chưa thể đưa ra giải pháp để đưa các hạng mục vào hoạt động đang xảy ra nhan nhản trên địa bàn Nghệ An trong suốt thời gian qua khiến dư luận bức xúc.
Từ các dự án nhà máy nước sạch “đắp chiếu”…
Theo thống kê, đến thời điểm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có 23 đô thị/21 đơn vị hành chính thì 22 đô thị (trừ thị trấn Nghĩa Đàn) đã được đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung. Toàn tỉnh có 1.063.439 người được cấp nước sạch, trong đó tổng số người dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt 490.671 người đạt tỷ lệ cấp nước 69%; tổng số người dân nông thôn được cấp nước sạch 572.768 người đạt tỷ lệ 22,2%.
Hệ thống cấp nước nông thôn cũng đã được quan tâm đầu tư và hệ thống cấp nước nông thôn đầu tư theo chương trình nông thôn mới đã phủ gần như toàn bộ các địa bàn nông thôn trên toàn tỉnh. Ttuy nhiên không phải địa phương nào hệ thống này cũng hoạt động hiệu quả.
Đáng quan tâm, hiện một số địa phương đã được đầu tư hệ thống nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân với kinh phí hàng chục tỷ đồng/dự án nhưng suốt nhiều năm nay không thể vận hành hoạt động.
Cụ thể, hàng loạt dự án cung cấp nước sạch như: Nhà máy nước Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu), Nhà máy nước Diễn Quảng (huyện Diễn Châu), Nhà máy nước Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên), nhà máy nước xã Liên Thành, Nhà máy nước xã Minh Thành (huyện Yên Thành)…sau khi xây dựng xong các hạng mục cơ bản rồi rơi vào trạng thái “đắp chiếu”, đến nay chưa thể tìm ra giải pháp vận hành.
Được biết, giai đoạn 2011-2015, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn, toàn tỉnh Nghệ An có 14 công trình cấp nước sạch được triển khai xây dựng ở bốn huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên và Quỳnh Lưu, với tổng mức đầu tư 318 tỷ đồng. Sau khi có kế hoạch này, Nghệ An cũng đốc thúc các huyện, thị triển khai các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu thi công nhằm sớm giúp người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nước sạch sinh hoạt.
Vậy nhưng, sau nhiều năm khởi công, hàng loạt các công trình đều rơi vào trạng thái “chết yểu” vì thiếu vốn đầu tư, khối lượng thực hiện thấp, chủ đầu tư chưa huy động được nguồn vốn đối ứng để thực hiện. Nhiều nhà thầu cũng sớm “bỏ của chạy lấy người” vì khối lượng thi công vượt nhưng chủ đầu tư không bố trí giải ngân kịp thời.
Đơn cử, Dự án Nhà máy nước xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu được chấp thuận, triển khai đầu tư 19,107 tỷ đồng vào tháng 10/2011 do UBND xã Diễn Quảng làm chủ đầu tư, quy mô đầu tư là cung cấp đủ nước sinh hoạt cho 1.041 hộ dân của xã này.
Công trình được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư hằng năm (60%), đóng góp của nhân dân vùng hưởng lợi và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (40%) do Công ty CP Đại Việt thi công, dự kiến đưa vào sử dụng sau 12 tháng. Tuy nhiên, hơn 8 năm trôi qua, công trình mới chỉ hoàn thành khoảng 62% khối lượng, rồi “phơi sương”, nhiều hạng mục dở dang, xuống cấp. Lý do không thể thực hiện là do nguồn vốn đóng góp của địa phương chưa thể bố trí được nên công trình tiền tỷ suốt nhiều năm qua có nguy cơ trở thành phế tích.
Trong khi đó, chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 kết thúc từ năm 2015 nhưng trên địa bàn Nghệ An hiện vẫn còn 15 dự án nước sạch đầu tư đang thi công dang dở vì chưa bố trí nguồn vốn kịp thời.
…Đến loạt dự án dở dang rồi “án binh bất động”
Tháng 10/2015, công trình dự án Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được phê duyệt giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Công trình toạ lạc tại địa chỉ số 77 đường Nguyễn Du, phường Trung Đô, TP Vinh được sử dụng từ nguồn vốn ngân sách trung ương theo chương trình mục tiêu phát triển văn hóa – thể thao với mức đầu tư 69 tỷ đồng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư; Công ty CP xây dựng Hoàng Kim thi công.
Theo Quyết định số 4909/UBND.CN phê duyệt dự án đầu tư vào ngày 28/10/2015 của UBND tỉnh Nghệ An, giai đoạn 1 của dự án bao gồm các hạng mục chính gồm: Nhà hành chính kiêm biểu diễn và sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ di sản dân ca; san nền; cấp nước tổng thể; cấp điện tổng thể; bể nước ngầm sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy, thiết bị.
Hiện nay, các hạng mục của giai đoạn 1 dự án này đã được hoàn thiện, gồm nhà hành chính kiêm biểu diễn và sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, lưu trữ di sản dân ca, san nền, cấp nước, cấp điện tổng thể...nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào vận hành, hoạt động.
Được biết, công trình dự án này dự có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, nhưng 8 năm trôi qua, các hạng mục vẫn dở dang, ngổn ngang và có nguy cơ xuống cấp, hư hỏng do suốt thời gian dài xây dựng xong các hạng mục nhưng không được đưa vào sử dụng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện cơ quan chức năng vẫn chưa thể công bố, công khai về thời gian khi nào đưa công trình tiền tỷ này đi vào hoạt động.
Còn nữa, từ năm 2018, để có cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ thanh thiếu niên trên địa bàn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã sắp xếp bố trí nguồn vốn để xây dựng Trung tâm thanh thiếu niên tỉnh Nghệ An tại thị xã Cửa Lò với quy mô diện tích 19.660 m2, tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng và giao Tỉnh đoàn Nghệ An làm chủ đầu tư.Vậy nhưng, gần 02 năm qua sau khi hoàn thành công trình giai đoạn 1, dự án này rơi vào cảnh dở dang, gây lãng phí.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Thụ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên tỉnh Nghệ An cho biết nguyên nhân dự án chưa thể đưa vào sử dụng do chưa bố trí được biên chế để vận hành bộ máy hành chính hoạt động. Và, giai đoạn 2 của dự án gồm các hạng mục sân bóng đá mi ni, sân bóng rổ, bóng chuyền....với nguồn vốn khoảng 09 tỷ đồng hiện vẫn đang phải chờ.
Như vậy, với tình trạng các dự án công trình xây dựng dang dở rồi “đắp chiếu” đang tồn tại trên địa bàn Nghệ An không chỉ gây lãng phí nguồn ngân sách mà còn khiến dư luận bức xúc. Phải chăng, trước khi thực hiện dự án, các cấp có thẩm quyền đang triển khai thực hiện theo kiểu “vừa hành quân, vừa xếp hàng” nhưng không tính toán được đích đến hiệu quả của những công trình tiền tỷ nói trên?