Hàng ngàn công nhân lao đao trước cơn bão thất nghiệp

21-02-2023 17:43|Quỳnh Châu

Do ảnh hưởng kinh tế thế giới, các đối tác gặp khó khăn nên nhiều doanh nghiệp trong nước không còn đơn hàng để sản xuất.

Những tháng qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Để tồn tại, giới chủ đã tìm nhiều biện pháp để khôi phục sản xuất như kế hoạch đề ra, nhưng nhiều tháng nay vẫn không tìm đủ đơn hàng. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều công nhân.

Đáng chú ý, những lao động này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực da giày, túi sách, chế biến gỗ, may mặc, điện tử... có độ tuổi cao, từng gắn bó với doanh nghiệp lên tới hàng chục năm.

Chẳng hạn như mới đây, Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết do gặp khó khăn đơn hàng nên trong tháng 2, công ty với tổng số lao động khoảng 50.500 lao động nhưng buộc phải cắt giảm hơn 2.000 công nhân. Số lao động bị cắt giảm thuộc nhóm phải nghỉ chờ việc, luân phiên kéo dài do một nhãn hàng giày rút đơn hàng từ năm ngoái. Công ty đã cố gắng sắp xếp nhưng không thể đảm bảo công việc cho số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng, đơn hàng sắp tới cũng không dự báo được. Do đó, một số chuyền thuộc khu C và D phải giải thể.

Về chế độ cho người lao động, phía công đoàn đề nghị hỗ trợ 0,8 tháng lương căn bản cho mỗi năm làm việc. Hiện phía công ty gửi phương án chờ tập đoàn quyết định.

Theo thông tin từ Tập đoàn Pou Chen (công ty mẹ của Pou Yuen) tại Việt Nam, tập đoàn này đang xem xét mức hỗ trợ tốt nhất cho người lao động. Phương án của công đoàn là hỗ trợ tương tự như đợt cắt giảm năm 2020. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay khác 3 năm trước khi tình hình sản xuất của tập đoàn gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế. Vì vậy nguồn lực tài chính khó khăn hơn nhiều.

Theo phản ánh của các công nhân, đa số trong số họ có thâm niên gần 20 năm làm việc ở Pou Yuen (khu D), cho nên từ khi nhận tin bị cắt giảm, bản thân rất lo lắng. Về phương án hỗ trợ, ban đầu công ty dự kiến sẽ trả cho mỗi người mất việc 3 tháng lương, sau đó tăng lên 5 tháng. Tuy nhiên thông tin mới nhất là khoản hỗ trợ tính theo số năm làm việc, cứ một năm lao động nhận 0,88 tháng lương. Nếu phương án này được chốt, thì người lao động nhận khoảng 160 triệu đồng tiền hỗ trợ - người lao động cho hay.

Liên quan tới vụ việc nêu trên, đại diện Liên đoàn lao động quận Bình Tân, cho biết lý do ít đơn hàng nên năm 2023, nhà máy Pou Yuen sẽ không tái ký hợp đồng với khoảng 3.000 người đã làm thời gian 1-3 năm. Hiện, công ty chưa có phương án hỗ trợ cho nhóm này. Theo luật, khi hết hợp đồng và chưa có việc làm mới, người lao động sẽ nhận trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Về phía chính quyền TP, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, đã chỉ đạo UBND quận Bình Tân theo dõi, giám sát chặt tình hình sản xuất, việc làm của người lao động tại công ty này. Thành phố cũng đề nghị các đơn vị liên quan nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ người lao động... Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp kết nối để giới thiệu việc làm cho công nhân mất việc.

cong-nhan-lam-viec.jpg

Cũng trong tình trạng tương tự, tháng 11/2022, Công ty TNHH Tỷ Hùng hoạt động trong lĩnh vực ngành sản xuất giày da xuất khẩu (Q.Bình Tân, TP.HCM) với tổng số lao động là 1.822 công nhân lao động hiện đã thông báo chấm dứt hợp đồng với 1.185 lao động.

Theo thông báo của công ty này, do ảnh hưởng kinh tế thế giới, các đối tác gặp khó khăn, công ty không có đơn hàng sản xuất. Theo đó, Công ty Tỷ Hùng sẽ thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất, chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 1.185 lao động kể từ ngày 1/12/2022. Trong đó có 936 lao động có hợp đồng vô thời hạn và 249 lao động có hợp đồng 1 năm.

Theo số liệu thống kê, cuối năm 2022, TP.HCM ghi nhận hơn 110.000 lao động mất và thiếu việc do doanh nghiệp giảm đơn hàng, trong đó, 6.300 công nhân bị cắt giảm. Công đoàn thành phố dự báo năm 2023, đơn hàng ở một số ngành, doanh nghiệp giảm đến 40%, đơn giá giảm 20%, việc làm của người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Bình Dương. Ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, đầu năm 2023, tình hình lao động việc làm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, người lao động tiếp tục bị mất việc.

Cuối năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khoảng 1 triệu người. Nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ còn khoảng 988.000 người. Như vậy là có khoảng 18.000 người đã rời khỏi thị trường lao động và đã bị mất việc làm.

Như vậy, với những lý do thiếu đơn hàng khiến các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, chính là những lo ngại về tình trạng lao động thất nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận đang có chiều hướng gia tăng.

Doanh nghiệp đông công nhân nhất TP.HCM chuẩn bị cắt giảm 6.000 nhân sự

TP HCM chỉ đạo khẩn vụ công ty PouYuen Việt Nam cắt giảm 6.000 lao động

Huy động 14 triệu công nhân cùng 2.900 tấn thuốc nổ và 168.000 tấn sắt, thành công xây dựng hầm đường sắt xuyên biển dài nhất thế giới ở độ sâu 240m với 23,3km đường ray nằm dưới lòng đại dương

Gần 40 năm chuẩn bị và 17 năm thi công liên tục, hơn 2.500 công nhân xây hầm đường sắt dài và sâu nhất thế giới, ‘đâm xuyên’ qua ‘nóc nhà châu Âu’

Bài thuộc chủ đề Sản xuất, Công nghiệp
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hang-ngan-cong-nhan-lao-dao-truoc-con-bao-that-nghiep-170430.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hàng ngàn công nhân lao đao trước cơn bão thất nghiệp
    POWERED BY ONECMS & INTECH