Doanh nghiệp này sẽ không tái ký với 3.000 lao động có hợp đồng lao động 1-3 năm, đồng thời sẽ cắt giảm 3.000 lao động trong tháng 2/2023.
Do ít đơn hàng sản xuất, năm 2023 Công ty TNHH PouYuen Việt Nam sẽ không tiếp tục ký hợp đồng lao động (khi hợp đồng lao động hết hạn) với khoảng 3.000 lao động có hợp đồng lao động 1-3 năm. Ngoài ra, công ty đã trao đổi với công đoàn cơ sở, dự kiến tháng 2 sẽ cắt giảm 3.000 lao động thuộc khu C và khu D.
Dự kiến ngày 25/2, công ty thông báo cho công nhân lao động, sau đó toàn bộ công nhân lao động bị cắt giảm sẽ không đến công ty làm việc nhưng vẫn được chi trả lương cho đến khi nhận chế độ.
Về chế độ chính sách cho công nhân lao động thuộc đối tượng giảm, công đoàn cơ sở đề nghị công ty chi trả cho toàn bộ thời gian công nhân lao động làm việc tại công ty, mỗi năm 1 tháng tiền lương như đã từng giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ việc vào tháng 6/2020. Tuy nhiên, đề xuất này đang chờ ý kiến quyết định cuối cùng của lãnh đạo Tập đoàn quốc tế Pouchen Đài Loan.
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam thuộc Tập đoàn Pouchen, hoạt động từ năm 1996 với ngành nghề sản xuất chính là giày thể thao. Đây là doanh nghiệp có số công nhân đông nhất TP.HCM hiện nay với khoảng trên 50.000 lao động. Có thời điểm, công nhân của công ty này lên đến gần 100.000 người.
Mặc dù là doanh nghiệp lớn nhưng trong 2 năm qua Công ty PouYuen đã nhiều lần phải thông báo cắt giảm nhân sự hoặc giảm giờ làm của hàng ngàn công nhân vì khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cuối năm ngoái, công ty này đã cho gần 20.000 lao động nghỉ luân phiên một ngày trong tuần do tình hình đơn hàng khó khăn.
Vào tháng 6/2020, Công ty Pou Yuen cũng chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.800 công nhân và chi trả trợ cấp thôi việc với mỗi năm làm việc một tháng lương. Nhiều người làm 17-18 năm được nhận trợ cấp thôi việc tương đương 17-18 tháng lương, sau khi trừ thuế còn khoảng 150-180 triệu đồng. Công nhân gắn bó trên 20 năm nhận trợ cấp hơn 250 triệu đồng.
Nhập cuộc ‘đường đua’ 13 tỷ USD, doanh nghiệp bán lẻ mở lối tăng trưởng lợi nhuận
Một doanh nghiệp chi 1.200 tỷ để di dời nhà máy khỏi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam