Hàng nghìn trường mẫu giáo tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải đóng cửa, nhiều nơi biến thành nhà dưỡng lão, chuyện gì đang xảy ra?
Với dân số ngày càng già hóa và tỷ lệ sinh thấp, Trung Quốc đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực trẻ, đe dọa đến tăng trưởng kinh tế.
SCMP đưa tin, số lượng trường mẫu giáo ở Trung Quốc đã giảm hơn 5% trong năm 2023, một tín hiệu mới nhất về tỷ lệ sinh đang giảm của quốc gia này.
Năm 2023, số lượng trường mẫu giáo đã giảm 14.808 xuống còn 274.400 - đánh dấu năm giảm thứ 2 liên tiếp - theo báo cáo thường niên của Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Đồng thời, số trẻ em nhập học tại các trường mẫu giáo cũng hạ liên tục trong 3 năm - giảm 11,55% (tương đương 5,35 triệu trẻ em) trong năm ngoái xuống còn 40,9 triệu.
Số lượng trường tiểu học giảm 5.645 và hiện còn 143.500 trường vào năm 2023.
Đà suy giảm phản ánh sự thay đổi nhân khẩu học rộng hơn ở Trung Quốc – nơi cả tỷ lệ sinh và tổng dân số tiếp tục giảm – đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai, vốn đã chậm lại.
Năm ngoái, dân số Trung Quốc tiếp tục thu hẹp, giảm hơn 2 triệu và đạt mức 1,4 tỷ người. Chỉ có 9 triệu ca sinh được báo cáo ở Trung Quốc vào năm 2023, con số thấp nhất kể từ khi năm 1949.
Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc tính toán rằng tỷ lệ sinh của nước này đã giảm xuống còn 1,09 vào năm 2022. Trong khi đó, các nhà nhân khẩu học ước tính tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 1,0 vào năm ngoái, mặc dù không có số liệu chính thức nào.
Tỷ lệ sinh đề cập đến số trẻ em trung bình mà mỗi phụ nữ sinh ra, còn mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ được coi là cần thiết để dân số của một quốc gia duy trì ổn định.
Tại Thượng Hải, một trong những thành phố giàu có nhất của Trung Quốc, tỷ lệ sinh tổng thể đã giảm xuống còn 0,6 vào năm 2023, theo chính quyền địa phương.
Yafu, một nhà nhân khẩu học độc lập tại tỉnh Quảng Đông, nhận định: “Gánh nặng chăm sóc người già lại đang gia tăng trong bối cảnh kinh tế trì trệ. Các nhà điều hành trường mẫu giáo cần điều chỉnh chiến lược để đối phó với những thách thức mới, chẳng hạn như mở rộng giáo dục sớm cho trẻ dưới 3 tuổi và xây dựng một hệ thống tích hợp chăm sóc - giáo dục”.
Dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia từ năm 2021 cho thấy hơn 30% gia đình Trung Quốc có trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi ở Trung Quốc cần dịch vụ chăm sóc trẻ em, nhưng chỉ có 5,5% trong số đó đăng ký vào nhà trẻ hoặc mẫu giáo.
Ngày càng có nhiều trường mẫu giáo được chuyển đổi thành trung tâm chăm sóc người cao tuổi và nhiều nhân viên của các trường này đã chuyển sang công việc chăm sóc người già.
Các gia đình Trung Quốc ngày càng ngại sinh con do chi phí nhà ở và nuôi dạy trẻ em đắt đỏ, sự cạnh tranh khốc liệt để vào được các trường học tốt, cũng như triển vọng kinh tế không chắc chắn.
Một cuộc khảo sát gần đây về phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại thành phố Ninh Ba cho thấy gần một nửa số phụ nữ độc thân không có con bày tỏ mong muốn chỉ sinh một đứa, hơn 1/3 không muốn có con, 15% muốn có 2 con và chưa đến 1% cho biết họ muốn có thêm con.
Ngoài ra, 56% số người tham gia khảo sát cho biết họ coi hôn nhân là tùy chọn chứ không phải thiết yếu và gần 6% thấy không cần phải kết hôn.
Theo SCMP