Trung Quốc già hóa dân số cực nhanh, lo ngại không có ai chăm sóc 402 triệu người cao tuổi vào năm 2040
Hơn 1/5 dân số Trung Quốc hiện đã ở độ tuổi 60 trở lên. Nhiều gia đình đã cảm thấy căng thẳng khi chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh nước này phải đối mặt cuộc khủng hoảng già hóa dân số.
Trung Quốc có hơn 1/5 dân số từ 60 tuổi trở lên
Chỉ một số ít người đang được an hưởng tuổi già trong ngành chăm sóc người cao tuổi ở Trung Quốc, nơi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên được đào tạo và các lựa chọn chăm sóc giá cả phải chăng.
Các viện dưỡng lão cơ sở tư nhân tại nước này có chi phí rất đắt đỏ, trong khi các cơ sở công cộng giá cả phải chăng hơn có danh sách chờ dài hàng tháng. Ví dụ, một trong những viện dưỡng lão phổ biến nhất ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) có 1.100 giường, nhưng có đến 10.000 người trong danh sách chờ.
Ở vùng nông thôn, tình hình còn tệ hơn. Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, chỉ có 1,7 triệu giường cho hơn 100 triệu người cao tuổi ở nông thôn.
Với mối quan tâm của công chúng về khả năng chi trả và chất lượng chăm sóc người cao tuổi, cùng với các quan niệm truyền thống về lòng hiếu thảo, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết con cái trưởng thành ở Trung Quốc vẫn khăng khăng muốn tự mình chăm sóc cha mẹ mặc dù sức khỏe của họ bị ảnh hưởng.
>> Quốc gia đông dân nhất thế giới đối mặt già hóa dân số vào giữa đến cuối thế kỷ
Nhưng khi các hộ gia đình nhỏ hơn - hậu quả của chính sách một con của Trung Quốc - phải vật lộn để chăm sóc người già trong bối cảnh nền kinh tế đang chậm lại, đất nước này đang chạy đua để giảm bớt gánh nặng cho họ và đảm bảo các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản cho tất cả mọi người.
Số người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc đạt 297 triệu vào cuối năm ngoái, chiếm hơn 1/5 dân số nước này. Con số đó dự kiến sẽ tăng lên 402 triệu người vào năm 2040.
Chương trình Insight đã xem xét một số thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt và các giải pháp được đưa ra để đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số già hóa này.
Mô hình “9073” và sự kỳ thị kéo dài
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, khoảng 90% người cao tuổi ở Trung Quốc được gia đình chăm sóc, 7% nhận được sự chăm sóc của cộng đồng và 3% ở trong viện dưỡng lão.
Điều này thường được mô tả là mô hình “9073”, mà các chuyên gia cho rằng ngày càng không bền vững. Chính sách một con từ năm 1980 đến năm 2015 đã dẫn đến những gia đình mà con một được kỳ vọng sẽ chăm sóc không chỉ hai cha mẹ mà còn bốn ông bà nội – ngoại.
Nghiên cứu viên cấp cao Zhao Litao tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết điều này gây “áp lực đáng kể” lên lực lượng lao động đang giảm sút, những người phải kiêm luôn vai trò là người nộp thuế và chăm sóc người phụ thuộc lớn tuổi.
Trong khi có 5 người lớn trong độ tuổi lao động phải hỗ trợ 1 người về hưu vào năm 2021, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 2 người hoặc ít hơn vào năm 2050.
“Đây là lý do tại sao chúng ta cần chuyển giao trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi (toàn thời gian) cho xã hội”, Wu Yushao, Chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi xã hội và Dịch vụ Người cao tuổi Trung Quốc, cho biết.
“Với những gia đình chỉ có một con, họ không thể sử dụng mô hình của quá khứ, trong đó đứa con chỉ phải chăm sóc cha mẹ”.
Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc còn phải đi một chặng đường dài trước khi người dân sẵn sàng chấp nhận các hình thức chăm sóc người cao tuổi khác.
Trong một nghiên cứu năm 2020 của Đại học Y Cáp Nhĩ Tân, người cao tuổi Trung Quốc có con ít muốn sống trong các cơ sở chăm sóc hơn những người không có con gấp 7,5 lần.
Sự kỳ thị lớn đến mức sau khi chính quyền Thượng Hải công bố kế hoạch xây dựng 200 viện dưỡng lão vào năm 2020, người dân sống gần các địa điểm được đề xuất đã phản đối vì lo ngại những ngôi nhà này sẽ ảnh hưởng đến giá bất động sản hoặc mang lại vận rủi.
Ông Feng Sheng, Chủ tịch của Changyou Elderly Care Service Group, cho biết nhiều người vẫn coi viện dưỡng lão là “nơi người ta chờ chết”.
>> 9 triệu người có nguy cơ đẩy Nhật Bản vào khủng hoảng nghiêm trọng
Việc thiếu hụt nhân viên được đào tạo tại nhiều viện dưỡng lão vẫn là nguồn lo lắng của các gia đình, vì họ lo sợ cha mẹ lớn tuổi của mình có thể phải đối mặt với tình trạng ngược đãi từ những người chăm sóc quá tải công việc.
Tình hình còn tệ hơn đối với các viện dưỡng lão ở vùng nông thôn, nơi mà tiêu chuẩn “thực sự không tốt và khá cơ bản”, Wu cho biết.
Hầu hết người cao tuổi ở nông thôn phải tự lo cho bản thân vì con cái họ thường di cư đến thành phố để tìm công việc lương cao hơn. Và thái độ tự lực của người dân nông thôn có thể góp phần vào sự phản đối của họ đối với các cơ sở chăm sóc mình khi về già.
Nhu cầu thêm nguồn lực
Ở các thành phố, nhiều người Trung Quốc sẵn sàng vào viện dưỡng lão hơn. Huang Tian Hui, một người độc thân và là chủ quán bar ở Thượng Hải, dự định sẽ làm như vậy khi ông quá già để tự chăm sóc bản thân.
Người đàn ông 62 tuổi này cho biết, một số người bạn của ông thậm chí còn gợi ý nên đến ở chung một nhà để họ có thể “già đi cùng nhau” và ông gọi đó là một ý tưởng “khá hay”.
Đối với những người khác, việc đảm bảo một vị trí trong cơ sở chăm sóc người cao tuổi phù hợp là khó khăn chính do chi phí cao hoặc tình trạng quá tải.
>> Việt Nam lọt top già hóa dân số nhanh nhất thế giới - Cơ hội và thách thức
Một giường tại viện dưỡng lão công có thể có giá từ 1.000 - 3.000 nhân dân tệ (hơn 3,5 triệu – 10,5 triệu đồng) một tháng và việc nhập viện thường được ưu tiên dựa trên nhu cầu hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Trong một viện dưỡng lão tư nhân như Changyou, một phòng chung với hai giường có giá 4.400 nhân dân tệ một tháng và một phòng riêng có giá gấp đôi. Mức lương trung bình hàng tháng ở Bắc Kinh, nơi Changyou tọa lạc, là khoảng 13.000 nhân dân tệ.
Ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh, chi phí sinh hoạt tại một viện dưỡng lão tư nhân có thể lên tới 19.000 nhân dân tệ một tháng, với yêu cầu phải ký hợp đồng thuê ít nhất một năm.
Ngoài chi phí chăm sóc người cao tuổi, ngành này đang phải vật lộn để thu hút thêm nhiều nhân công. Theo Trung tâm nghiên cứu về lão hóa Trung Quốc, hiện nay đất nước này có khoảng 500.000 nhân viên chăm sóc người cao tuổi nhưng cần gấp 12 lần con số đó.
Ở Bắc Kinh, chính quyền địa phương trao tặng tới 60.000 nhân dân tệ cho những người gia nhập ngành này. Nhưng chỉ riêng tiền thôi có lẽ không đủ để thu hút những người Trung Quốc trẻ tuổi chán nản vì công việc khó khăn và sự kỳ thị liên quan đến việc chăm sóc người già.
Chủ tịch Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải Xie Bin cũng nhấn mạnh nhu cầu cung cấp nhiều dịch vụ y tế hơn cho người cao tuổi, những người thường mắc nhiều chứng rối loạn nhận thức hơn người trẻ, bao gồm trầm cảm và lo âu.
Điều này còn trầm trọng hơn do thiếu nhân viên y tế. Trung Quốc có bình quân chỉ 2,4 bác sĩ trên 1.000 người, so với mức trung bình là 3,7 bác sĩ ở Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, bao gồm chủ yếu là các quốc gia giàu có.
Trung Quốc cũng có khoảng 4 y tá trên 1.000 người, so với mức 8,8 y tá ở Hàn Quốc và 12,1 y tá ở Nhật Bản, quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Giữa các cải cách, dịch vụ chăm sóc xã hội đã “lấp đầy khoảng trống”?
Với quy mô dân số già hóa của Trung Quốc, các quan chức Chính phủ đang phải tiến hành những cải cách toàn diện, ví dụ như tuổi nghỉ hưu, vốn đang ở mức thấp nhất thế giới.
Hiện tại, khoảng 300 triệu người cao tuổi từ 50 đến 60 tuổi dự kiến sẽ rời khỏi lực lượng lao động trong thập kỷ tới. Và đến năm 2035, hệ thống lương hưu của quốc gia này sẽ cạn kiệt, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc dự báo.
Để giữ nhiều người làm việc lâu hơn và giảm bớt tình trạng thiếu hụt lương hưu, Bắc Kinh đang nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 63 đối với nam giới, 55 lên 58 đối với nữ nhân viên văn phòng và 50 lên 55 đối với phụ nữ lao động chân tay.
Những thay đổi này dự kiến sẽ được triển khai từ tháng 1 năm 2025 và diễn ra trong khoảng thời gian 15 năm.
Tất cả các tỉnh cũng đã được chính quyền Trung ương giao nhiệm vụ thiết lập các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản vào năm tới. Điều này bao gồm cung cấp dịch vụ thăm viếng, chăm sóc cho người cao tuổi sống một mình và cho các gia đình gặp khó khăn về tài chính.
Trung Quốc dự kiến sẽ chi 2,84 nghìn tỷ nhân dân tệ cho việc chăm sóc người cao tuổi vào năm 2035, gần gấp đôi số tiền năm 2020, bao gồm việc mở rộng các cơ sở hưu trí, tuyển thêm nhân viên và khai thác công nghệ để giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Nhận thấy rằng hầu hết người cao tuổi Trung Quốc thích sống tại nhà hơn là ở các cơ sở chăm sóc điều dưỡng, Chính phủ cũng có một chương trình trong kế hoạch 5 năm hiện tại nhằm tăng cường các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà và cộng đồng.
Theo CNA
Sản lượng toàn cầu của Toyota giảm tháng thứ 7 liên tiếp do bê bối chất lượng và đối thủ Trung Quốc
Phần Lan trả lại gấu trúc cho Trung Quốc vì gánh nặng chi phí