Thiên tài đầu tư này không chỉ được biết đến với sự thành công trong lĩnh vực tài chính mà còn với triết lý đầu tư và cuộc sống sâu sắc của mình.
Charlie Munger sinh năm 1924 tại Omaha, Nebraska, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Michigan, ông gia nhập quân đội Mỹ trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, Munger tiếp tục học tại Đại học Luật Harvard.
Năm 1959, Munger gặp Warren Buffett ở Omaha và nhanh chóng trở thành bạn bè thân thiết. Ông gia nhập Berkshire Hathaway vào năm 1978 với vai trò Phó Chủ tịch. Cùng với Buffett, Charlie chủ trì Đại hội cổ đông hàng năm của Berkshire, nơi họ cùng nhau trả lời các câu hỏi từ nhà đầu tư về nhiều vấn đề khác nhau trên thế giới.
Charlie Munger nổi tiếng với những câu nói ngắn gọn nhưng sâu sắc và hài hước, thường khiến người hâm mộ Berkshire cười thích thú. Tại Đại hội Cổ đông Berkshire năm 2015, ông từng nói: "Nếu mọi người không sai lầm quá thường xuyên như thế, chúng tôi đã không giàu thế này".
Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại, đã từng khẳng định trong một tuyên bố về người cộng sự lâu năm của mình: "Berkshire sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay nếu không có nguồn cảm hứng, trí tuệ và sự chung tay của Charlie".
Tỷ phú Bill Gates cũng từng nhận xét về Munger rằng, "có nhiều điều ngạc nhiên hơn Buffett và ông ấy là nhà tư tưởng sâu sắc nhất mà tôi từng thấy".
Có thể nói, những kinh nghiệm "đổi đời" được chia sẻ bởi vị tỷ phú lão luyện 99 tuổi không chỉ giới hạn trong lĩnh vực đầu tư mà còn có thể áp dụng vào bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống. Bất kỳ ai cũng có thể học hỏi từ những bài học này để dễ dàng đạt được thành công mà họ mong muốn.
1. Lịch sử là "chìa khóa" dự đoán tương lai
Theo Charlie Munger, những câu trả lời trị giá hàng tỷ USD có thể được tìm thấy trong những cuốn sách lịch sử giá chỉ 30 USD. Lịch sử thường lặp lại, hoặc ít nhất, những sự kiện tương lai thường có nét tương đồng với quá khứ. Đây là điều mà nhiều nhà tư tưởng vĩ đại đã nhận ra.
Vì vậy, Munger liên tục đọc sách lịch sử và cố gắng áp dụng các khái niệm từ quá khứ vào hiện tại để dự đoán tương lai, đặc biệt trong các quyết định đầu tư. Phương pháp này cũng giúp ông học hỏi từ sai lầm của người khác để tránh đi vào "vết xe đổ".
2. Dành thời gian suy nghĩ mỗi ngày
Charlie Munger chia sẻ: “Cả hai chúng tôi (Charlie Munger và Warren Buffett) đều nhấn mạnh việc mỗi ngày chúng ta cần nên có thời gian để ngồi và suy nghĩ. Điều này rất không phổ biến trong kinh doanh của Mỹ nhưng chẳng sao cả, chúng tôi vẫn thích đọc và suy ngẫm”.
Nhiều người gặp khó khăn trong việc ngồi yên tĩnh. Một nghiên cứu của Đại học Virginia (Mỹ) thậm chí cho thấy nhiều người thà tự giật điện còn hơn là dành thời gian suy nghĩ một mình. Nhà triết học người Anh Bertrand Russell, người đoạt giải Nobel Văn học, từng nói rằng một nửa vấn đề của nhân loại bắt nguồn từ việc con người không thể chịu đựng sự buồn chán.
Charlie Munger và Warren Buffett đều dành thời gian mỗi ngày chỉ để ngồi và suy nghĩ. Điều này giúp họ kiên nhẫn và suy nghĩ thấu đáo hơn trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào. Munger khuyên mọi người nên giảm tốc độ đưa ra quyết định và suy ngẫm nhiều hơn để tìm thời điểm thích hợp, vì một quyết định đúng thời điểm có thể có giá trị hơn nhiều quyết định khác.
3. Không nhất thiết phải là người giỏi nhất
Charlie Munger từng nhấn mạnh: “Không phải ai cũng có thể học mọi thứ. Cho dù bạn có cố gắng thế nào đi chăng nữa thì sẽ luôn có người đạt được nhiều thành tựu hơn. Nhưng vậy thì sao chứ, chúng ta đâu cần phải là người đứng đầu thế giới đâu?”.
Từ khi còn trẻ cho đến khi trở nên thành công, Munger luôn giữ một tinh thần khiêm tốn và thực tế. Ông nhận ra rằng không thể học được mọi thứ trên thế giới và cũng không thể thành thạo mọi lĩnh vực. Ông luôn biết rằng sẽ có người thông minh và hiểu biết hơn mình. Quan trọng nhất là hãy chấp nhận điều đó và tập trung vào việc cải thiện bản thân, thay vì so sánh mình với người khác.
4. Dành thời gian mỗi ngày để trở nên khôn ngoan hơn một chút
Theo Charlie Munger, “Hãy dành mỗi ngày để cố gắng khôn ngoan hơn so với khi bạn thức dậy. Ngày qua ngày, dần dần bạn sẽ nhận được những gì bạn xứng đáng được nhận từ cuộc đời”. Ông dành phần lớn cuộc đời của mình để tự học và tự nghiên cứu, áp dụng những kiến thức đó vào cả công việc và cuộc sống hàng ngày.
Tính tò mò là điều thúc đẩy một người trở nên thông thái hơn một chút mỗi ngày. Vị tỷ phú đã dành 99 năm cuộc đời để tin rằng việc học hỏi tương tự như lãi suất kép, với thời gian sẽ sinh ra kết quả lợi nhuận cao hơn so với bất kỳ khoản đầu tư nào khác.
Một trong những phẩm chất mà Munger đặc biệt ấn tượng ở Buffett là khả năng của ông làm việc như một "cỗ máy học tập" suốt đời. Chính sự cam kết của Buffett với việc phát triển bản thân đã giúp Berkshire Hathaway trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới, với thành tích đầu tư dài hạn xuất sắc nhất trong lịch sử.
Munger khẳng định: "Nếu không học tập suốt đời, bạn sẽ không thành công. Bạn sẽ không tiến xa được trong cuộc sống nếu chỉ dựa vào những gì bạn đã biết”.
5. Tận dụng tri thức từ người khác
Charlie Munger cũng tin rằng việc học hỏi từ những kiến thức và trải nghiệm của người khác là chìa khóa để đạt được thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Ông thường tìm kiếm những giải pháp từ sách, với niềm tin rằng trong mỗi tác phẩm, sẽ có ít nhất một phương pháp giải quyết vấn đề mà mình đang gặp phải.
Munger sử dụng phương pháp gọi là "tư duy đa ngành" với các "mô hình tinh thần". Ý tưởng cơ bản là không ngừng học hỏi và tiếp thu các quan điểm mới, sau đó áp dụng chúng vào thực tiễn.
Trong một bài phát biểu, Munger lập luận rằng quyết định thông minh không thể dựa chỉ vào một số sự kiện cụ thể. Thay vào đó, kiến thức thu thập được từ việc "học tất cả các ý tưởng lớn và tất cả các nguyên tắc lớn" sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.
Steve Jobs cũng là một ví dụ tiêu biểu cho kiểu suy nghĩ này. Ông lấy cảm hứng từ một chiếc máy nướng bánh mì và áp dụng nó vào thiết kế máy tính cá nhân của mình.
Bên cạnh các triết lý về đầu tư và kinh doanh, ông Munger cũng là một người cha mẫu mực của 9 đứa con. Sự ra đi của ông đã để lại rất nhiều bài học dạy con mà tất cả các vị phụ huynh đều nên nghe và xem thử một lần để có thể làm tốt hơn trong việc nuôi dưỡng con trẻ của mình.
Munger có 9 người con và tất cả đều trở thành những cá nhân ưu tú. Đáng chú ý là không ai trong số họ được coi là "được hưởng lợi từ gia thế giàu có" hay còn gọi là "con nhà giàu". Thay vào đó, mỗi người con của Munger đã hoàn thành chương trình học tại các trường danh tiếng và đạt được thành tựu đáng kể trong lĩnh vực riêng của họ. Để giáo dục và dẫn dắt con cái thành công, Charlie Munger đã thực hiện những phương pháp sau:
1. Luôn trả lại xe mượn với bình xăng đầy
Đây là một trong những nguyên tắc mà Charlie Munger luôn áp dụng. Trong một chuyến đi kỳ nghỉ trượt tuyết ở Sun Valley, vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, khi cậu con trai của ông Munger mới 15 tuổi, hai cha con đang trên đường đến điểm hẹn thì ông Munger quyết định chuyển hướng. Ông chọn đi một đoạn đường dài hơn, mất hơn 10 phút chỉ để đổ đầy bình xăng cho chiếc xe Jeep mà họ đang sử dụng.
Khi con trai hỏi tại sao phải đổ xăng khi bình vẫn còn đủ để về, Charlie Munger giải thích: "Khi mượn xe của người khác, bạn phải trả lại nó với bình xăng đầy". Bằng cách này, ông Munger muốn truyền cho con cái mình biết về tinh thần tôn trọng và duy trì các mối quan hệ xã hội.
Vào năm đầu tiên ở Đại học Stanford, khi con trai của Munger mượn xe của một người quen, bình xăng chỉ còn một nửa.
“Thế là tôi đổ đầy bình trước khi mang xe về. Kể từ đó, chúng tôi đã có nhiều khoảng thời gian vui vẻ. Sau này, anh ấy chính là phù rể trong đám cưới của tôi”, con trai ông Munger chia sẻ lại. Cách ứng xử của bố đã dạy cho anh cách để có và giữ một người tốt.
2. Không che dấu lỗi lầm
Con gái của ông, Wendy Munger, cho biết bố mình rất thích giáo dục con cái trong bữa cơm. Thay vì chỉ đơn thuần giảng giải, ông thường sử dụng câu chuyện để minh họa hoặc dùng các trường hợp thực tế để làm rõ những hậu quả của việc đưa ra quyết định sai lầm.
Cách này không chỉ làm cho bài học trở nên sinh động hơn mà còn giúp các con hiểu được những nguyên tắc và giá trị một cách sâu sắc hơn. Mọi người thường dễ dàng tiếp thu hơn khi nghe câu chuyện thực tế hơn là lời giảng khô khan.
Một trong những câu chuyện mà con cái của ông luôn nhớ là về một nhân viên tài chính tại công ty mà Munger từng làm việc. Khi nhận ra lỗi lầm của mình, nhân viên này đã thẳng thắn thú nhận với chủ tịch công ty về mọi điều đã xảy ra. Chủ tịch không chỉ tha thứ cho lỗi lầm mà còn đánh giá cao sự trung thực và trách nhiệm của nhân viên.
Vị chủ tịch nói với anh nhân viên: “Đây là một lỗi sai khủng khiếp và chúng tôi không muốn bạn lặp lại một lần nào nữa. Ai cũng mắc sai lầm và chúng tôi có thể tha thứ cho điều đó. Điều anh làm đúng đó là thừa nhận lỗi sai của mình. Nếu cố tình che dấu dù chỉ trong một thời gian ngắn, anh sẽ bị đuổi việc ngay lập tức. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi muốn anh ở lại”.
Từ câu chuyện này, Wendy đã học được rằng trung thực là chìa khóa của sự thành công. Lỗi lầm không phải là điều tồi tệ, nhưng che đậy lỗi lầm mới là điều không thể chấp nhận.
3. Việc hôm nay chớ để ngày mai
Trì hoãn là thói quen không tốt mà nhiều người dễ dàng rơi vào. Nó có thể gây ra những hậu quả tiêu cực và ảnh hưởng đến sự thành công trong cuộc sống. Charlie Munger đã khuyên dạy cho con cái của mình một trong những điều quan trọng nhất để trở thành một người thành công đó là không nên trì hoãn công việc.
Thay vì để mọi việc chờ đợi đến ngày mai, Munger luôn khuyến khích con cái bắt đầu hành động ngay lập tức.
Một câu chuyện thú vị được kể lại là khi con trai lớn của ông làm mất chìa khóa xe. Thay vì chờ đến ngày mai, Munger đã yêu cầu con phải tìm kiếm ngay lập tức. Mặc dù con trai cố gắng lý do rằng việc này có thể hoãn lại cho đến sáng hôm sau, Munger đã mạnh mẽ nhấn mạnh rằng việc khắc phục lỗi lầm cần phải xảy ra ngay bây giờ.
"Đến mai thì liệu chiếc chìa khoá còn ở chỗ đó không", Munger đã thẳng thắn nói với con.
Câu chuyện này đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với con trai của Munger, người hiện đã trở thành một người không bao giờ chậm trễ trong mọi việc. Điều này là một bài học quan trọng về việc không nên trì hoãn và hành động ngay từ bây giờ, một thông điệp mà nhiều phụ huynh hiện đang bỏ qua khi giáo dục con cái.
Với "những tài sản vô giá" đồ sộ mà Munger đã để lại trong cả cuộc đời, sự ra đi của ông đã trở thành một mất mát rất lớn. Theo thông cáo báo chí từ Berkshire Hathaway, tỷ phú Charlie Munger, Phó Chủ tịch tập đoàn, đã qua đời vào sáng 28/11/2023, hưởng thọ 99 tuổi. Gia đình ông thông báo rằng ông đã ra đi thanh thản vào buổi sáng tại một bệnh viện ở California.
Charlie Munger không chỉ nổi tiếng với sự thành công trong lĩnh vực đầu tư mà còn được biết đến như một nhà từ thiện hảo tâm. Trong khi bạn đồng hành Warren Buffett thường xuyên góp mặt trong danh sách các tỷ phú hàng đầu thế giới, Munger thì ít khi xuất hiện. Nếu ông giữ lại toàn bộ cổ phiếu Berkshire Hathaway của mình, ông sẽ sở hữu khối tài sản ròng hơn 10 tỷ USD, nhưng ông đã chọn đường của lòng nhân từ và chia sẻ.
Munger đã hỗ trợ các tổ chức giáo dục bằng cách quyên góp hàng trăm triệu USD, bao gồm Đại học Michigan, Đại học Stanford và Trường Luật Harvard. Tuy nhiên, điều kiện ông đưa ra là trường phải chấp nhận các bản thiết kế tòa nhà do ông đề xuất. Một ví dụ cụ thể là vào tháng 10, ông đã tặng 77 cổ phiếu hạng A, trị giá khoảng 40 triệu USD, cho một thư viện.
Munger đã từng chia sẻ với Omaha World-Herald vào năm 2013: “Tôi đang cố tình giảm khối tài sản ròng của mình. Tôi biết rồi một ngày mình sẽ ra đi và ở nơi ở mới, tôi không cần nhiều tiền đến thế”.
Theo Forbes, lúc sinh thời, Munger sở hữu một tài sản ước tính khoảng 2,7 tỷ USD (tương đương khoảng gần 70 nghìn tỷ đồng).
*Theo The Medium, tổng hợp; Ảnh: Internet, bsc.com, Reuster, The Business Paradox,...