Hé lộ danh tính khu công nghiệp được ví như ‘thỏi nam châm’ hút tiền tại Quảng Ninh
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2024, khu công nghiệp này sẽ thu hút được thêm 9 dự án đầu tư thứ cấp mới với tổng vốn đăng ký khoảng 500 triệu USD.
Hiện tại, khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đã hoàn thành công tác san lấp và đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 375,8/660ha giai đoạn 1.
Trong đó, để đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp, 3 module xử lý nước thải công nghiệp với tổng công suất 30.000m3/ngày đêm đã được hoàn thành và đưa vào vận hành.
Về hệ thống cấp điện, hiện dự án đã có 1 trạm biến áp 110kVA, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện. Trong năm 2024, chủ đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư và đưa vào vận hành 1 trạm biến áp 110kVA thứ hai.
Về hệ thống cấp nước, hiện chủ đầu tư đã xây dựng xong và đưa vào vận hành nhà máy nước cấp với 2 module xử lý, tổng công suất là 40.000m3/ngày đêm.
Trong năm 2024, khu công nghiệp cảng biển Hải Hà sẽ phấn đấu hoàn thành đầu tư nhà máy cấp nước giai đoạn 4 với công suất 20.000m3/ngày đêm, nâng tổng công suất cung cấp nước dùng trong sản xuất công nghiệp lên 60.000m3/ngày đêm.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2024, khu công nghiệp cảng biển Hải Hà sẽ thu hút được thêm 9 dự án đầu tư thứ cấp mới với tổng vốn đăng ký khoảng 500 triệu USD. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu thu hút ít nhất 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh trong năm 2024.
Đồng thời, tạo ra động lực phát triển mới cho huyện Hải Hà, đưa địa phương này trở thành một trong những trung tâm công nghiệp dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, trung tâm sản xuất tấm quang năng của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.
Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cảng biển Hải Hà được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 4/2014, với tổng vốn đăng ký 4.520 tỷ đồng (215 triệu USD), với quy mô giai đoạn 1 là 660ha. Chủ đầu tư hạ tầng là Công ty TNHH Khu công nghiệp Hải Hà Việt Nam.
Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà được xây dựng theo định hướng phát triển chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ. Định hướng trở thành khu công nghiệp chuyên sâu dệt may đầu tiên và hiện đại nhất trong cả nước.
Tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam đang lên kế hoạch đấu giá đất, khởi điểm gần 100 tỷ đồng
Tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam kêu gọi đầu tư dự án nhà ở gần 1.000 căn hộ