Hé lộ lịch trình phát hành vaccine ung thư
Trong giai đoạn đầu, vắc-xin sẽ được thử nghiệm và kiểm chứng hiệu quả trên một nhóm bệnh nhân hạn chế.
Theo VTV, ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi Sinh vật học Gamaleya đã chia sẻ thông tin quan trọng về sự phát triển của vắc-xin ung thư mới. Đây là trung tâm đã phát triển vắc-xin Sputnik V COVID-19 vào tháng 8/2020 - một trong những loại vắc-xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới.
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Roman Kosarev của RT vào ngày 24/12/2024, ông Gintsburg đã liên kết những tiến bộ trong việc phát triển vắc-xin COVID-19 với các đột phá trong nghiên cứu điều trị ung thư. Ông cho biết, 7 công nghệ liên quan đến nghiên cứu này đã được phát triển hoàn toàn trong nước Nga.
Theo ông Gintsburg, công trình nghiên cứu vắc-xin điều trị ung thư mới được thực hiện qua nhiều giai đoạn. Quá trình bắt đầu từ giữa năm 2022, khi các nhà nghiên cứu nhận thấy tiềm năng to lớn của công nghệ mRNA - nền tảng của nhiều vaccine COVID-19 - trong việc phát triển các phương pháp điều trị ung thư.
Ông Gintsburg giải thích, đây là loại vaccine điều trị, được thiết kế dành cho những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc ung thư. Vaccine này kích thích hệ miễn dịch của cơ thể để nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư. Cơ chế hoạt động của vaccine là giúp tế bào lympho T (hay tế bào bạch cầu) nhận diện các protein lạ trên bề mặt tế bào ung thư. Khi nhận diện được, các tế bào lympho sẽ tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư di căn trong cơ thể bệnh nhân.
Một ưu điểm nổi bật của công nghệ này là khả năng sản xuất nồng độ protein mục tiêu rất cao, đủ để kích hoạt hệ miễn dịch và giúp nó phân biệt chính xác giữa các protein tự nhiên và các protein lạ. Ông Gintsburg cũng nhấn mạnh rằng vaccine này có tính cá nhân hóa cao, bởi mỗi bệnh nhân sẽ nhận được một loại vaccine đặc biệt, được điều chỉnh phù hợp với khối u của họ, vì mỗi khối u có đặc điểm riêng biệt. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của vaccine qua thử nghiệm trên chuột mắc bệnh u hắc tố.
Các nhà khoa học đang phát triển các mô hình điều trị cho nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư phổi không phải tế bào nhỏ - loại ung thư phổ biến nhất và có tỷ lệ tử vong cao nhất. Loại ung thư này không đáp ứng hiệu quả với các phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị. Ông Gintsburg cho biết, đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu đang phát triển một mô hình điều trị đặc biệt cho loại ung thư này. Bên cạnh ung thư phổi, các mô hình điều trị khác cũng đang được nghiên cứu, bao gồm ung thư tuyến tụy và một số loại ung thư thận.
Về lịch trình phát hành vaccine ung thư mới, ông Gintsburg cho biết dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 9/2025. Quá trình thử nghiệm sẽ được tiến hành tại Viện Nghiên cứu Ung thư Hertsen và Trung tâm Ung thư Blokhin, nhằm giới thiệu phương pháp điều trị này cho bệnh nhân thực tế. Trong giai đoạn đầu, vaccine sẽ được thử nghiệm và hiệu quả sẽ được kiểm chứng trên một nhóm bệnh nhân hạn chế.
Ông Gintsburg kết luận rằng sau khi công nghệ này được phê duyệt bởi Bộ Y tế, ông hy vọng nó sẽ được triển khai nhanh chóng và mở rộng đến các trung tâm y tế trên toàn quốc.
Theo VOH, trước đó, trên thế giới, một số loại vắc-xin điều trị ung thư đã được nghiên cứu và triển khai, trong đó có vắc-xin cá nhân hóa Sipuleucel-T (Provenge). Loại vắc-xin này sử dụng tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân và đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào năm 2010 để điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Đặc biệt, các nhà khoa học nổi tiếng GS-TS Katalin Karikó và TS-BS Drew Weissman từ Đại học Pennsylvania (Mỹ), những người được trao giải Nobel Y sinh 2023 nhờ những nghiên cứu đột phá về vắc-xin mRNA, hiện đang hợp tác với các đồng nghiệp trong lĩnh vực ung thư để phát triển vắc-xin điều trị ung thư dựa trên công nghệ tiên tiến này.
>> Thử nghiệm vaccine mRNA điều trị ung thư phổi đầu tiên trên thế giới