Xã hội

Hé lộ quy trình hoạt động của đường dây sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột giả

Tiến Dũng 12/04/2025 - 22:29

Các đối tượng thay thế một số nguyên liệu đầu vào và bổ sung thêm phụ gia. Có 573 nhãn hiệu sữa bột giả, trong đó có loại dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.

Ngày 12/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã khởi tố và bắt tạm giam 8 đối tượng về các tội danh: "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

s2 1744434397122.jpg
Công nhân đóng hộp thành phẩm tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị tung ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Báo Công an nhân dân.

Theo điều tra ban đầu, từ tháng 8/2021, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ cao các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, đặc biệt là sữa bột trên thị trường nội địa, Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà đã thành lập Công ty Rance Pharma (địa chỉ tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) và Công ty Hacofood Group (địa chỉ tại LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông) để sản xuất, kinh doanh và phân phối sữa bột giả.

Hà và Cường trực tiếp liên kết, góp vốn, huy động cổ đông để hình thành hệ sinh thái gồm nhiều doanh nghiệp. Họ là cổ đông chính tại Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma, đồng thời giữ vai trò điều hành toàn bộ quy trình từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ sản phẩm.

Hoàng Mạnh Hà còn đứng tên ký các văn bản quan trọng với tư cách "người đại diện theo pháp luật", như bản thuyết minh báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh... của Công ty Rance Pharma.

s5 1744434489858.jpg
Hàng ngàn hộp sữa bột giả mang nhãn hiệu Sure IQ bị cơ quan công an thu giữ.

Đến thời điểm bị phát hiện, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột giả với nhiều chủng loại, trong đó có các loại dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai. Mặc dù trên nhãn công bố chứa các thành phần quý như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng thực tế hoàn toàn không có những chất này.

Các đối tượng đã thay thế một số nguyên liệu đầu vào và bổ sung thêm các loại phụ gia khác. Kết quả giám định cho thấy, chất lượng một số thành phần trong sữa bột chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

Ngoài hai công ty kể trên, nhóm đối tượng còn liên doanh, góp vốn với nhiều cá nhân khác để thành lập thêm 9 công ty.

Mục đích là đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (thương hiệu sữa bột) và trực tiếp kinh doanh, phân phối các sản phẩm do nhà máy của Công ty Hacofood và Rance Pharma sản xuất. Trong vòng khoảng 4 năm, các đối tượng đã đưa hàng giả ra thị trường, thu lợi nhuận gần 500 tỷ đồng.

Quá trình điều tra cũng cho thấy toàn bộ hoạt động tài chính, kế toán của hai công ty trên đều do Cường và Hà điều hành, với nhiều dấu hiệu vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, mở rộng.

>> Sữa giả 'đội lốt' tổ yến, đông trùng dành cho người tiểu đường, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai lưu hành trên thị trường suốt 4 năm thu về 500 tỷ

Hai công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả: Ai cầm đầu, bán những loại sữa nào?

Sữa giả 'đội lốt' tổ yến, đông trùng dành cho người tiểu đường, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai lưu hành trên thị trường suốt 4 năm thu về 500 tỷ

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/he-lo-quy-trinh-hoat-dong-cua-duong-day-san-xuat-573-nhan-hieu-sua-bot-gia-2390561.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hé lộ quy trình hoạt động của đường dây sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột giả
    POWERED BY ONECMS & INTECH