Sáng nay (15/4), hàng loạt tờ báo đưa tin CEO Tim Cook của Apple đã tới Việt Nam vào rạng sáng nay bằng phi cơ riêng. Sự kiện này chứng tỏ nhà “Táo khuyết” ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Vị thế ngày càng tăng của Việt Nam
Thực tế thì Apple đã chính thức có mặt tại Việt Nam đã có từ hơn chục năm trước. Năm 2015, tập đoàn này thành lập Công ty TNHH Apple Việt Nam với vốn điều lệ là 15 tỷ đồng. Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, ban đầu hãng chú trọng vào việc phân phối sản phẩm và chế độ hậu mãi. Đây là một thay đổi lớn, bởi từ trước đến nay thị trường Việt Nam luôn được xếp ở nhóm ít quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của hãng công nghệ này.
Sự kiện này cũng đánh dấu một thay đổi quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Apple: chuyển hướng tập trung sang các thị trường mới nổi tại châu Á. Khi mà các thị trường lâu đời như Mỹ và châu Âu đã bão hòa và "bội thực" smartphone, châu Á với những nền kinh tế trẻ trung đang bùng nổ và tầng lớp trung lưu tăng trưởng rất nhanh sẽ là “mỏ vàng” mới mà Apple muốn khai thác.
Riêng với thị trường Việt Nam, Apple nhận định lợi nhuận và doanh số bán hàng của các sản phẩm như iPhone, iPad sẽ còn tăng cao hơn nhiều lần bởi dân số trẻ và rất quan tâm đến công nghệ. Đặc biệt, số lượng người sử dụng internet và smartphone đang tăng đột biến.
Apple luôn coi Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng |
Apple chính thức mở công ty tại Việt Nam mang đến cho người tiêu dùng nhiều lợi ích ở khâu bảo hành sản phẩm. Trước đó, các sản phẩm Apple bị trục trặc hoặc cần phải bảo hành được gửi từ Việt Nam sang Singapore - nơi có trung tâm bảo hành gần Việt Nam nhất. Với việc đặt văn phòng tại Việt Nam, Apple ngoài chuyện sẽ có những chính sách và chế độ hậu mãi tốt dành cho hàng chính hãng, việc bảo hành cũng thuận tiện hơn rất nhiều, người tiêu dùng sẽ không còn phải chờ đợi nữa, cũng được trực tiếp phản ảnh các thắc mắc của mình đến nhà sản xuất.
Vài năm trở lại đây, Apple đã liên tục thực hiện nhiều giải pháp khác nhau nhằm "làm sạch" thị trường và đẩy mạnh sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.
Apple đã kết hợp với nhiều hệ thống bán lẻ để triển khai hàng loạt các cửa hàng chuyên biệt (Mono Store) nhằm phục vụ khách hàng. Ví dụ, hãng chục cửa hàng F.Studio by FPT đã được nâng cấp trở thành F.Studio Super Center nhằm gia tăng trải nghiệm công nghệ đạt chuẩn Apple toàn cầu.
Ngoài ra, Apple cũng hợp tác với nhiều đại lý ủy quyền khác tại Việt Nam như Thế Giới Di Động và Shopdunk để mở hàng loạt Apple Mono Store hay thậm chí cả Apple Premium Reseller.
Apple kiếm được bao nhiêu tiền từ thị trường Việt Nam?
Báo cáo tài chính hàng năm của Thế Giới Di Động và FPT Retail đã phần nào tiết lộ doanh thu tại Việt Nam mà những sản phẩm "hot" nhất như iPhone và MacBook mang về cho Apple.
Trong báo cáo, Thế Giới Di Động (MWG) đã công bố khoản tiền phải trả ngắn hạn cho các nhà cung cấp như Samsung, Apple, LG, Sony hay Panasonic. Theo đó, năm 2022, công ty chi trả hơn 1.255 tỷ đồng cho Công ty TNHH Apple Việt Nam. Đây là con số lớn hơn nhiều so với các nhà cung cấp khác như LG Electronics Việt Nam Hải Phòng (467 tỷ đồng), Panasonic Việt Nam (419 tỷ đồng) hay Sony Electronics Việt Nam (231 tỷ đồng).
Đáng chú ý, tại thời điểm 31/3/2022, khoản MWG phải trả ngắn hạn cho Công ty TNHH Apple Việt Nam chỉ ở mức gần 162 tỷ đồng. Con số này đã tăng khoảng 1.094 tỷ đồng trong 3 quý cuối năm 2022, cho thấy doanh nghiệp đã chi lớn để nhập về các sản phẩm Apple trong giai đoạn cuối năm mà nhiều khả năng là dòng iPhone 14 mới ra mắt.
Doanh thu các sản phẩm Apple tại MWG cũng thể hiện rõ qua doanh thu của TopZone, chuỗi bán lẻ cao cấp của Apple tại Việt Nam. Cả năm 2022, TopZone đã mang về hơn 2.600 tỷ đồng doanh thu cho MWG, tương đương trung bình 216 tỷ đồng/tháng, tăng gấp đôi so với năm 2021.
Theo MWG, cùng với sự đi lên của TopZone, tổng doanh thu sản phẩm Apple trên toàn hệ thống Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh trong năm 2022 đã tăng trưởng khoảng 40% so với cùng kỳ.
Bên trong một cửa hàng TopZone |
FPT Retail (FRT) cũng là đối tác lớn khác của Apple tại Việt Nam với các chuỗi bán lẻ như FPT Shop và F.Studio. Theo báo cáo tài chính 2022 của doanh nghiệp, khoản phải trả cho Công ty TNHH Apple Việt Nam lên tới 1.223 tỷ đồng. Như vậy trong năm 2022, Apple đã thu từ hai nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam gần 2.500 tỷ đồng.
Đến tháng 5 năm ngoái, Apple tiếp tục khiến người tiêu dùng háo hức khi mở cửa hàng trực tuyến ở Việt Nam. Đây là bước ngoặt lớn vì theo các chuyên gia, trước đó thị trường iPhone tại Việt Nam luôn bị Apple đánh giá thấp hơn so với các thị trường khác. Nguyên nhân đến từ thói quen chuộng hàng xách tay giá rẻ của một bộ phận không nhỏ người dùng Việt. Tuy nhiên đến nay điều đó không còn đúng nữa.
Các mẫu iPhone 15 của Apple được mở bán tại thị trường Việt Nam từ ngày 22/9. Đáng chú ý, đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam có tên trong đợt bán thứ hai của Apple, chỉ sau các thị trường lớn như Mỹ, Úc, Singapore, Nhật Bản và Thái Lan.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh cho quý IV/2023 của Apple, mặc dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng CEO Tim Cook cho biết Việt Nam là một trong những thị trường thành công nhất của Apple, thậm chí còn lập kỷ lục doanh thú quý. Cụ thể, Apple đạt kỷ lục doanh thu tại Ấn Độ, và một số quốc gia gồm Brazil, Canada, Pháp, Indonesia, Mexico, Philippines, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Việt Nam.
MWG cũng cho biết trong tháng 9/2023, chuỗi cửa hàng của công ty này đã bán ra 15.000 chiếc Iphone 15 và thu về gần 600 tỉ đồng.