Hệ thống ngân hàng cần 2-3 năm để trích lập đủ dự phòng

14-01-2024 15:54|Dương Lam

SSI chỉ điểm 5 nguyên nhân kéo dài thời gian trích lập dự phòng và xóa nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ đã ban hành các quy định chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết các nghĩa vụ nợ sắp đến hạn.

Tuy nhiên, kể cả với những cơ chế như vậy, nợ xấu và nợ cần chú ý tại các ngân hàng được theo dõi vẫn tăng lần lượt 53% và 42% so với đầu năm tính tại thời điểm cuối tháng 9/2023. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu tăng lên lần lượt là 1,98%, 2,38% và 1%. Các khoản vay có vấn đề này tương đương với 5,3% tổng dư nợ tính tại thời điểm cuối quý III/2023.

>> BIDV đề xuất NHNN kéo dài thực hiện Thông tư 02 về cơ cấu nợ đến hết tháng 12/2024

Trong báo cáo mới nhất Chứng khoán SSI cho biết, chi phí tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2023 thấp hơn số lượng nợ xấu mới hình thành, bao gồm VAMC và khoản vay tái cơ cấu. Nhìn chung, bộ đệm đang thấp hơn so với giá trị của các khoản vay có vấn đề tại hầu hết các ngân hàng, ngoại trừ Vietcombank. Vào tháng 9/2023, tỷ lệ dự phòng trên tổng tín dụng là 2,2%, so với tổng nợ có vấn đề là 5,3%.

Hệ thống ngân hàng cần 2-3 năm để trích lập đủ dự phòng
Đỉnh hình thành nợ xấu có sự khác nhau ở một số ngân hàng

SSI cho rằng ngân hàng phải trích lập thêm để dự phòng, cải thiện chất lượng tài sản. Tuy nhiên, thời gian trích lập có thể được kéo dài dựa trên sự cân nhắc một vài yếu tố.

5 nguyên nhân kéo dài thời gian trích lập dự phòng

Thứ nhất, nguyên nhân sâu xa của vấn đề nợ xấu là tình trạng pháp lý của các dự án bất động sản chưa hoàn thiện. Vấn đề này không thể giải quyết một cách nhanh chóng mà có thể kéo dài trong thời gian dài, dù ba luật mới sẽ có hiệu lực vào năm 2025.

Để giải quyết tình trạng pháp lý không chỉ đòi hỏi ý chí mạnh mẽ mà còn hành động kịp thời từ các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý. SSI kỳ vọng vấn đề sẽ được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, tương tự như trong năm 2023.

Do vậy, dòng tiền của một số chủ đầu tư bất động sản vẫn gặp khó khăn. Ngoài ra, khoảng 200.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2024.

>> Chủ tịch HĐQT VietinBank: Đề xuất được giữ lại toàn bộ lợi nhuận từ nay đến 2028 để tăng vốn

Theo quan điểm của SSI, lựa chọn tài trợ cho các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý để chủ đầu tư có thể hoàn thiện và bàn giao nhà cho người mua sẽ tốt hơn là thu giữ tài sản và xóa nợ.

Tuy nhiên, đối với những dự án đang có vướng vướng mắc về mặt pháp lý, việc trích lập dự phòng đầy đủ là cần thiết kể cả khi các khoản vay này vẫn trong thời gian tái cơ cấu.

Thứ hai,hoạt động cho vay mua nhà tại các dự án có vấn đề về mặt pháp lý cũng là một rủi ro khác. Việc người mua nhà phải chịu gánh nặng thanh toán gốc lãi cho khoản vay mua nhà hàng tháng mà không biết khi nào mới được bàn giao sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Đồng thời, nhu cầu tín dụng bán lẻ trong thời gian tới và lợi nhuận dự phóng của ngân hàng cũng sẽ chịu tác động. Việc xử lý các khoản vay mua nhà này sẽ gây ra tổn thất cho các ngân hàng (do không có tài sản thế chấp) và ảnh hưởng đến khẩu vị rủi ro của ngân hàng trong tương lai.

Thứ ba, mặc dù tổng thu nhập hoạt động có thể phục hồi trong năm 2024 và các ngân hàng có dư địa tốt hơn để hấp thụ rủi ro, nhưng việc giải quyết các vấn đề về chất lượng tài sản không dễ thực hiện trong một năm.

Với biên lãi thuần (NIM) ước đạt 3,75% và chi phí hoạt động (OPEX) trên tổng tín dụng là 1,5%, thì ngân hàng khó có thể ghi nhận chi phí tín dụng ở mức 3% (chênh lệch giữa khoản vay có vấn đề và bộ đệm dự phòng) chỉ trong một năm. SSI đánh giá việc kéo dài nghĩa vụ trích lập dự phòng trong vài năm sẽ giúp ngân hàng duy trì tỷ suất cho vay của mình.

Hệ thống ngân hàng cần 2-3 năm để trích lập đủ dự phòng
Lợi suất cho vay ròng giảm mạnh khi NIM gặp áp lực và chi phí tín dụng tăng cao trong chu kỳ trước

Ngoài ra, các chuyên viên phân tích cũng thấy rằng ngân hàng đã rút kinh nghiệm rất nhiều từ chu kỳ trước: thực hiện trích lập dự phòng từ trước, duy trì tổng chi phí tín dụng ở mức từ 1 - 1,2% (cao hơn so với giai đoạn trước), không còn ghi nhận lãi dự thu khi không thực thu và khả năng xử lý nợ xấu đã được nâng cao và các ngân hàng tuân thủ chuẩn mực khắt khe hơn.

Thứ tư, cơ quan quản lý phản ứng nhanh và hỗ trợ kịp thời. NHNN đặt mục tiêu kép trong năm 2023 vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo an toàn hệ thống. Trong 9 tháng đầu năm 2023, các chính sách được ban hành thể hiện cách tiếp cận linh hoạt hơn của Chính phủ đối với các chủ đầu tư bất động sản và tổ chức phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên trong những tháng cuối năm, không có nhiều thay đổi về chính sách nhưng các hoạt động thanh tra, giám sát lại diễn ra thường xuyên hơn. Trong năm 2024, SSI cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu đã đề ra kết hợp với các biện pháp hỗ trợ kịp thời (ví dụ gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ nếu cần thiết) cùng với việc giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động ngân hàng để đảm bảo an toàn hệ thống.

SSI không loại trừ khả năng NHNN sẽ áp dụng các yêu cầu chặt chẽ hơn về cơ cấu sở hữu, cho vay đối với các bên liên quan như trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư 15/2023 về dữ liệu bổ sung phải cập nhật trong hệ thống CIC cũng như sửa đổi quy định về tỷ lệ an toàn vốn (Thông tư 22/2023) và các tỷ lệ an toàn khác.

Theo quan điểm của SSI, tất cả những quy định này có thể có một giai đoạn chuyển tiếp phù hợp để tránh tạo ra một cú 'sốc' đối với hoạt động của ngân hàng. Do đó, SSI cũng giả định về cơ chế linh hoạt từ NHNN và chi phí tín dụng sẽ được phân bổ trong khoảng 1-2 năm tùy vào tình hình của từng ngân hàng. Vì vậy, chi phí tín dụng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2024 và ở mức 1,52%.

Hệ thống ngân hàng cần 2-3 năm để trích lập đủ dự phòng
Chi phí tín dụng được trải đều trong quá trình xử lý nợ xấu

Ngân hàng mất 2-3 năm để trích lập đủ dự phòng

SSI cho rằng, có sự khác biệt tương đối lớn trong tiêu chuẩn ghi nhận nợ quá hạn giữa các ngân hàng mà SSI đã nghiên cứu (tăng 47% so với đầu năm) và các ngân hàng niêm yết nhỏ hơn (tăng 10,5% so với đầu năm).

Xét trong bối cảnh năm 2023, SSI cho rằng, một phần trong số các ngân hàng niêm yết nhỏ hơn đã công bố chất lượng tài sản không đúng với thực tế nhờ tận dụng cơ chế tái cơ cấu khoản vay. Do đó, nợ có vấn đề trong hệ thống ngân hàng (không bao gồm SCB) có thể cao hơn so với mức 5,3% của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI.

Xem xét kết quả xử lý nợ trong giai đoạn 2012-2017 và 2017-2021, SSI nhận thấy 65% nguồn xử lý nợ xấu sẽ đến từ việc sử dụng dự phòng đã trích để xóa nợ xấu của ngân hàng.

Do đó, SSI kỳ vọng hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu đó. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn (như ACB, VCB, CTG, BID…) sẽ hồi phục sớm hơn và ngược lại.

Hai ngân hàng lớn trình phương án tái cơ cấu

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: Thực sự nền kinh tế không hề thiếu vốn, chỉ thiếu công ty sử dụng vốn hiệu quả

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/he-thong-ngan-hang-can-2-3-nam-de-trich-lap-du-du-phong-219826.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hệ thống ngân hàng cần 2-3 năm để trích lập đủ dự phòng
    POWERED BY ONECMS & INTECH