Tính chung cả năm 2023, chủ thương hiệu 'heo ăn chay' này chỉ hoàn thành được 12% chỉ tiêu lợi nhuận đã đặt ra.
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần sụt giảm gần 25% so cùng kỳ, về mức 1.625 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trong quý giảm từ 2,89% xuống còn 2,54%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính bất ngờ tăng gần 3 lần, từ 4 tỷ đồng lên hơn 11 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính cũng tăng 2,2 lần, từ 25 tỷ đồng lên hơn 55 tỷ đồng (trong đó có gần 54 tỷ đồng đến từ chi phí lãi vay). Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng, lần lượt ở mức gần 26 tỷ đồng và hơn 26 tỷ đồng.
Mặc dù trong kỳ ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 10 tỷ đồng (vẫn giảm 44%), song CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam vẫn ghi nhận lỗ 29,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 6,7 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp của ông Trương Sỹ Bá báo lỗ kể từ khi niêm yết trên HoSE hồi cuối năm 2021.
Tình hình kinh doanh theo quý của Nông nghiệp BAF kể từ khi niêm yết |
Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 5.250 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế còn lao dốc 93% về vỏn vẹn 20 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp mới thực hiện gần 70% kế hoạch doanh thu (dự kiến đạt gần 7.256 tỷ đồng) và gần 12% kế hoạch lợi nhuận (dự kiến đạt hơn 301 tỷ đồng).
Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm 2023, BAF cho biết, giá bán ở đầu năm đã duy trì ở nền thấp và tạo đáy vào quý IV/2023. Tình hình kinh tế chung khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Sản lượng heo bán ra chưa tăng trưởng ứng với quy mô đàn khi quy mô đàn. Các trang trại mới được đưa vào vận hành cần thời gian cho lứa đầu và điểm rơi sản lượng đầu ra sẽ vào năm 2024.
Ngoài ra, từ sau tháng 5, công ty đã giữ lại toàn bộ lượng heo cai sữa để nuôi lớn bán lấy thịt thay vì bán heo cai sữa sớm như trước đây. Điều này giúp BAF không bị buộc phải bán heo cai sữa trong giai đoạn thị trường giá thấp đồng thời tối ưu được lợi ích kinh tế khi bán heo thịt. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ kéo một phần sản lượng 2023 chuyển sang 2024.
Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của BAF tăng mạnh 39% so đầu năm lên 6.574 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt giảm 28% xuống còn 108 tỷ đồng; tiền gửi ngân hàng lại tăng vọt gấp 3,1 lần lên 315 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng vọt 82% lên 1.604 tỷ đồng...
Nợ phải trả tính đến cuối kỳ tăng gấp 1,5 lần so với hồi đầu năm lên mức 4.667 tỷ đồng, BAF đã tăng vay nợ tài chính gấp đôi lên 1.860 tỷ đồng và còn phát sinh vay trái phiếu hơn 452 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam thành lập năm 2017 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, công ty thuộc hệ sinh thái của Tân Long Group do ông Trương Sỹ Bá giữ chức Chủ tịch HĐQT. Kể từ khi thành lập đến nay, công ty liên tục thực hiện tăng vốn, vốn điều lệ thời điểm hiện tại đã 1.435 tỷ đồng, gấp 48 lần so với thời điểm thành lập và chính thức niêm yết trên sàn HoSE ngày 3/12/2021.
BAF phát triển mô hình chăn nuôi lợn khép kín 3F (Feed - Farm - Food). Tính đến thời điểm hiện tại, BAF đã sở hữu hệ thống 28 trại (19 trại đã vận hành và 9 trại đang phát triển) nuôi heo nái và heo thịt trải dài trên khắp cả nước. Sản phẩm thịt lợn BaF Meat của công ty đang được phân phối rộng rãi trên thị trường, là đối thủ của thương hiệu Bapi Meat - heo ăn chuối của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL do ông Đoàn Nguyên Đức, tức bầu Đức giữ chức Chủ tịch HĐQT).
> > Giá thức ăn chăn nuôi giảm, lãi ròng BAF năm 2024 có thể tăng trưởng ba con số