Hồ nước ngọt được mệnh danh là ‘Tam giác quỷ phương Đông’ dài gần 200km, là nơi diễn ra hàng loạt vụ tàu thuyền mất tích bí ẩn
Hồ nước ngọt lớn nhất xứ tỷ dân có một khu vực được mệnh danh là "Tam giác quỷ Bermuda phương Đông".
Vùng nước ma quái với hàng loạt vụ mất tích bí ẩn
Phàn Dương (hay Bà Dương, Phiền Dương, Phồn Dương) là một hồ nước ngọt ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc với chiều dài 173km, chiều rộng tối đa 74km và chu vi bờ lên tới 1.200km. Vào mùa mưa diện tích mặt hồ lên tới 4.000km2, còn vào mùa khô chỉ còn dưới 1.000km2.
Kích cỡ thực tế của hồ Bà Dương là rất khó để đo đạc, vì nó có sự dao động lớn theo mùa. Theo bách khoa toàn thư Britannica, hồ rộng nhất vào mùa hè vào khoảng 3.585km2, nhưng con số chính xác là không thể xác định sự khác biệt về mực nước khi lũ về và khi nước rút lên tới 8m.
Khu vực nước gần đền Laoye, nằm ở phía bắc của hồ Bà Dương, được xếp vào danh sách những khu vực bí ẩn nhất Trung Quốc vì bí mật chưa thể giải mã liên quan tới nơi này. Trong hơn 60 năm qua, hơn 200 tàu đã đắm tại đây, khoảng 1.600 người đã mất tích ở khu vực này và chỉ có 30 người là sống sót.
Hồ này đã từng là nơi "yên nghỉ" của những tàu có tải trọng lên tới 2.000 tấn. Thậm chí vào ngày 3/8/1985, có 13 tàu đã đồng loạt mất tích trong một ngày. Đây là một sự kiện được đánh giá là rất hiếm gặp trong lịch sử hàng hải toàn cầu.
Vụ mất tích nổi tiếng nhất trong lịch sử xảy ra vào thời điểm phát xít Nhật chiếm đóng Trung Quốc vào Thế chiến II. Ngày 16/4/1945, một tàu vận tải Kobe Maru của phát xít Nhật nặng hơn 2.000 tấn chìm ở hồ Bà Dương. Con tàu này mang theo nhiều kho báu và cổ vật tịch thu từ người dân Trung Quốc.
Theo lời kể lại, ngày xảy ra vụ đắm tàu là một ngày thời tiết đẹp và có nắng. Con tàu đang di chuyển thì thời tiết trở nên xấu đi, sóng dâng cao và "xé toạc" con tàu làm đôi, rồi nhấn nó chìm xuống đáy.
Không một ai thuộc thủy thủ đoàn của con tàu thoát chết. Phát xít Nhật sau đó yêu cầu hải quân đóng gần đó làm nhiệm vụ trục vớt tàu. Có 7 thợ lặn được cử đi nhưng chỉ một người duy nhất tìm được đường trở về bờ sau nhiệm vụ. Điều bí ẩn là thợ lặn này tỏ ra vô cùng hoảng loạn và gần như bị mất trí mà không rõ lý do. Hoạt động tìm kiếm kết thúc trong vô vọng.
Sau Thế chiến II, Trung Quốc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và trục vớt tàu Kobe Maru. Lần này, nhiệm vụ có sự tham gia của thợ lặn nổi tiếng người Mỹ Edward Boer. Mùa hè năm 1946, ông Boer dẫn đầu một đội thợ lặn làm nhiệm vụ ở hồ Bà Dương, nhưng không có bất cứ manh mối nào được phát hiện. Trong khi cuộc tìm kiếm diễn ra trong vài tháng, một số thợ lặn cũng biến mất bí ẩn.
Nhiều giả thuyết được đặt ra
Các nhà khoa học đã cố gắng giải mã bí ẩn ở phía bắc hồ Bà Dương trong nhiều năm, nhưng chưa cuộc điều tra nào mang tới kết quả rõ ràng. Viện Địa lý và Hồ học Nam Kinh đã mở hàng loạt các cuộc khám phá lòng hồ Bà Dương trong những năm gần đây. Một điểm gây nên sự "đau đầu" cho các nhà khoa học là họ không thể phát hiện dấu vết của các vụ mất tích.
Vì không ai có thể đưa ra những lời giải thích hợp lý cho bí ẩn hồ Bà Dương, hàng loạt giải thuyết đã được đặt ra cho nơi bị đồn thổi là "khu vực ma ám". Những người dân địa phương đã "thêu dệt" nên hàng loạt câu chuyện về quái vật hồ Bà Dương, vật thể bay không xác định hay người ngoài hành tinh tại đây.
Yếu tố kích thích các giả thuyết về khu vực hồ Bà Dương là vị trí địa lý của nó. Nó nằm trong vùng lân cận của vĩ độ 30 độ Bắc. Do đó, nhiều người liên kết bí ẩn của vùng nước này với những bí ẩn khác chưa được giải đáp xoay quanh vĩ độ 30 độ Bắc, ví dụ như "Tam giác quỷ Bermuda" bản gốc ở Đại Tây Dương và các kim tự tháp ở Ai Cập cùng nằm trên vĩ độ trên. Mặc dù vậy, điều này vẫn chỉ dừng lại ở dạng giả thuyết và trùng hợp ngẫu nhiên, chưa có bằng chứng cụ thể.
Một giả thuyết khác được xem là liên quan tới các sinh vật khổng lồ trong hồ Bà Dương. Ví dụ, hồ này nổi tiếng với cá heo nước ngọt vì chúng có kết nối với sông Dương Tử, sông dài nhất Trung Quốc. Giả thuyết đặt ra là những con cá heo này có thể làm lật thuyền. Tuy nhiên, cách giải thích này vẫn chưa thực sự thuyết phục vì cá heo dường như không đủ mạnh để có thể đánh đắm những con tàu nặng hàng nghìn tấn.