Hồ nước ngọt lớn nhất trong lịch sử từng tồn tại trên Trái Đất: Rộng 2,8 triệu km2, sức chứa gần 2 triệu km3 nước
Đây từng là hồ nước có diện tích lớn nhất Trái Đất, tồn tại cách nay khoảng 12 triệu năm và có nhiều tác động lớn tới khí hậu đại lục Á Âu.
Biển Paratethys nằm dọc theo bờ nam của lục địa Á Âu, kéo dài từ nước Áo ngày nay đến Turkmenistan, chiếm một khu vực rộng lớn khoảng 2,8 triệu km2 (theo IFL Science).
Vị trí của biển này được hình thành do sự nâng lên của vành đai tạo núi ở dãy Alps và Carpathian, điều này dẫn tới sự ra đời của bồn địa thông với biển Địa Trung Hải về phía nam. Tuy nhiên, khoảng 12 triệu năm trước, va chạm giữa mảng lớn của châu Phi và châu Âu đã chặn đường thông này, và kết quả là Paratethys được phân loại lại thành một hồ nước.
Vào thời kỷ đỉnh cao về sức chứa, Paratethys chứa khoảng 1,77 triệu km3 nước, rộng đến 2,8 triệu km2. Mặc dù có diện tích bề mặt rộng hơn so với biển Địa Trung Hải nhưng Paratethys nông hơn nhiều, đồng nghĩa với việc lượng nước trong đó chỉ bằng một nửa so với biển Địa Trung Hải (3,75 triệu km3).
Biển Địa Trung Hải từng là nơi chứa nước ngọt đổ ra từ nhiều sông suối nội địa châu Âu nhưng khi hồ Paratethys được hình thành nó đã chặn nguồn cung cấp này. Thay vào đó, tất cả dòng nước ngọt đổ vào hồ. Vì vậy, hệ động thực vật trong hồ cũng thay đổi từ các loài đa dạng sống dưới biển sang sinh vật nước ngọt kém phong phú hơn.
Kích thước khổng lồ của Paratethys có nhiều tác động lớn tới khí hậu đại lục Á Âu. Hơi nước tạo bởi hồ góp phần giảm chênh lệch nhiệt giữa các mùa, giúp khí hậu ổn định hơn.
Tuy nhiên, Paratethys không thể tồn tại lâu dài do một thời kỳ cực kỳ khô hạn, khiến lượng mưa trên đại lục Á Âu cực kỳ thấp. Nước trong hồ bốc hơi mà không được bù đắp lại bởi mưa. Với sự bốc hơi nhanh chóng vào khoảng 7,7 - 9,8 triệu năm trước, trong thời kỳ với tên gọi Great Khersonian Drying, mực nước của hồ giảm khoảng 250 mét. Paratethys mất khoảng 70% diện tích bề mặt và 30% thể tích, tương đương với kích thước Biển Đen ngày nay. Quá trình khô hạn cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái trong vùng. Cá heo, hải cẩu, và thậm chí cả loài cá voi nhỏ nhất thế giới (Cetotherium riabinini) từng sống trong Paratethys đều không thể tồn tại trong môi trường nước thu hẹp.
Các loài phải di cư khỏi khu vực này, nhiều trong số chúng chọn đến đồng bằng châu Phi. Một số loài đã phát triển thành hươu cao cổ và voi như chúng ta thấy ngày nay. Sự thu hẹp của hồ cũng ảnh hưởng đến khí hậu của đại lục Á Âu, khiến cho mùa đông lạnh hơn và mùa hè nóng hơn.
Khi Paratethys tiếp tục thu hẹp, nó đã hình thành ra ba khu vực riêng biệt tồn tại đến ngày nay, gồm: Biển Đen nằm ở phía Đông Âu và Tây Á, diện tích 430.000 km2; biển Caspi là hồ nước lớn nhất thế giới hiện nay, bao phủ 371.000 km2 ở khu vực Trung Đông; và biển Aral có diện tích 68.000 km2 nhưng đang giảm dần kích thước do thời kỳ khô hạn gây ra bởi tác động của con người.
*Theo IFL Science
>> Bất ngờ phát hiện xa lộ vượt biển nối hai quốc gia sau gần 14.000 năm biến mất