Nguyễn Đỗ Lăng được biết đến là doanh nhân thành lập nên hệ sinh thái Apec, từng sở hữu khối tài sản nghìn tỷ đồng.
Thông tin Nguyễn Đỗ Lăng cùng nhóm APEC gồm Phạm Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT Chứng khoán APS), Huỳnh Thị Mai Dung (vợ Nguyễn Đỗ Lăng), Nguyễn Thị Thanh (Kế toán trưởng tại Chứng khoán APS) và Phạm Thị Đức Việt (41 tuổi, Phó Phòng Dịch vụ khách hàng) bị khởi tố vụ án hình sự “thao túng thị trường chứng khoán”, bị bắt tạm giam, điều tra… đã khiến nhiều nhà đầu tư chú ý trong vài tuần qua.
Vụ án đã có những bước tiến mới khi quá trình điều tra ban đầu cho thấy từ 4/5/2021 đến 31/12/2021, vợ chồng ông Lăng cùng Phạm Duy Hưng đã chỉ đạo các đồng phạm sử dụng 40 tài khoản chứng khoán để liên tục mua bán nhằm tạo cung cầu giả, cùng thao túng, đẩy giá 3 cổ phiếu APS, API và IDJ. Cơ quan an ninh xác định, hành vi thao túng cổ phiếu của nhóm này đã thu lời bất chính hơn 157 tỷ đồng.
Trong số 5 bị can nêu trên, ông Nguyễn Đỗ Lăng là một nhân vật nổi danh thị trường chứng khoán khi tham gia vào thị trường tài chính từ rất sớm, đứng sau hàng loạt dự án đình đám mà hệ sinh thái APEC đang nắm giữ.
Nguyễn Đỗ Lăng và hành trình lâu năm với thị trường chứng khoán
Ông Nguyễn Đỗ Lăng có bằng thạc sỹ kinh tế Đại học Trento – Ý. Năm 1998 ông bắt đầu sự nghiệp từ vị trí giám đốc điều hành Công ty Prometeo – Italia. Năm 2000 ông chuyển qua làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn quốc tế Cát Tường CIC - một công ty trong lĩnh vực tư vấn du học.
Điều ít ai biết về ông Nguyễn Đỗ Lăng là ông đã tham gia chứng khoán từ rất sớm. Ông Lăng thậm chí đã sử dụng phương án thế chấp cổ phiếu để vay tiền ngân hàng từ những năm 2005. Nghiệp vụ này mãi sau này nhiều người mới sử dụng.
Năm 2006 ông Nguyễn Đỗ Lăng sáng lập hệ sinh thái Apec Group với cặp đôi doanh nghiệp trên sàn là CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (Apec Investment – API) và CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Apec Securities – APS).
Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC Securities) thời đó là một trong những công ty chứng khoán khá lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Để hiểu được mức độ lớn của APEC Securities lúc đó thì phải thử đem so với SSI sẽ thấy, SSI thành lập vào năm 1999 với vốn điều lệ chỉ 6 tỷ đồng, sang 2001 tăng vốn lên 20 tỷ đồng, 2004 đạt 23 tỷ đồng và 2005 chỉ 52 tỷ đồng. Trong khi đó, APEC Securities thành lập năm 2006 với số vốn điều lệ ban đầu 60 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đỗ Lăng đã nhanh chóng tăng vốn cho APEC Securities lên 260 tỷ đồng năm 2008 ngay trước thềm đưa cổ phiếu APS của APEC Securities lên giao dịch trên UpCOM và năm 2010 đưa APS lên niêm yết trên HNX.
Tại IDJ, ông Nguyễn Đỗ Lăng trúng cử thành viên Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam vào năm 2014. Apec Group, cùng với đó, cả vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng, bà Huỳnh Thị Mai Dung, và con trai Nguyễn Đỗ Đức Lâm cũng đã gia tăng tỷ lệ sở hữu tại IDJ.
Trong nhóm bị khởi tố, ông Nguyễn Đỗ Lăng và ông Phạm Duy Hưng gia nhập IDJ vào năm 2015 ở vai trò thành viên HĐQT và Trưởng ban kiểm soát. Chủ tịch HĐQT của IDJ thời điểm đó là ông Nguyễn Hoàng Linh, tốt nghiệp cùng trường với ông Nguyễn Đỗ Lăng - trường Tổng hợp Trento (Italia). Ông Nguyễn Hoàng Linh ngoài chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của IDJ còn là Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán API) nơi ông Nguyễn Đỗ Lăng làm chủ tịch. API thời điểm đó là cổ đông lớn nhất của IDJ với tỷ lệ sở hữu hơn 20%.
Suốt quá trình làm việc tại ông Nguyễn Đỗ Lăng giữ vị trí cao nhất ở cương vị Chủ tịch HĐQT. Sau khi IDJ có sự xuất hiện của Nguyễn Đỗ Lăng và nhóm Apec, doanh thu và lợi nhuận cải thiện rõ rệt.
Tại CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API), cũng như Chứng khoán Apec, sau khi thành lập doanh nghiệp đã có những bước tiến rõ rệt những năm sau đó cả về doanh thu và lợi nhuận.
Ngoài hệ sinh thái Apec, ông Nguyễn Đỗ Lăng còn kiêm chức vụ tại một số doanh nghiệp khác. Nổi nhất trong số đó là tại Tập đoàn Cotana (mã chứng khoán CSC), ông Nguyễn Đỗ Lăng giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT. Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương, vợ và con ông Nguyễn Đỗ Lăng cũng đã tham gia nhiều giao dịch với cổ phiếu CSC.
Năm 2021 cổ phiếu CSC cũng đã có một chu kỳ vẽ hình cây thông, từ vùng giá 27.000 đồng hồi đầu năm, đã tăng nhanh và "phi" thần tốc cuối năm 2021, lên 145.000 đồng/cổ phiếu (giá chưa điều chỉnh). Tuy vậy sau khi lập đỉnh, CSC cũng vẽ sườn phải đi xuống của đồ thị hình cây thông.
Từng sở hữu khối tài sản nghìn tỷ đồng, tại sao Nguyễn Đỗ Lăng vẫn dấn thân vào đường thao túng giá cổ phiếu?
Câu chuyện hút vốn đầu tư của ông Nguyễn Đỗ Lăng và nhóm cộng sự tại các công ty trong hệ sinh thái Apec cũng một phần cho thấy sức hấp dẫn của nhóm công ty này.
Năm 2013 Chứng khoán Apec (APS) được một số quỹ, công ty nước ngoài đánh giá là cổ phiếu, Công ty chứng khoán có tiềm năng phát triển mạnh uy tín và bền vững, vì vậy, Quỹ Asean Small Cap Fund và Luceme Enterprise Ltd đã đầu tư trở thành các cổ đông lớn. Đến cuối năm 2013 Asean Small Cap Fund nắm giữ 6,39% vốn điều lệ, Luceme Enterprise Ltd sở hữu 6,08% vốn điều lệ của Apecs.
Tại IDJ, sự gia nhập của ông Nguyễn Đỗ Lăng, Phạm Duy Hưng cũng đi kèm với sự gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ sở hữu của quỹ Asean Small Cap Fund với tỷ lệ sở hữu 5,68%. Asean Small Cap Fund (sau này đổi tên là Asean Deep Value Fund) đăng ký kinh doanh tại Cayman Island.
Cá nhân ông Nguyễn Đỗ Lăng và gia đình, người có liên quan cũng thường xuyên gia tăng tỷ lệ sở hữu tại nhóm công ty này. Tính số cổ phần mà ông Nguyễn Đỗ Lăng và vợ sở hữu đến cuối năm 2021, tạm tính với thị giá cổ phiếu cùng thời điểm, đã lên đến nghìn tỷ đồng.
Mã cổ phiếu | Số cổ phiếu | Giá tại ngày 31/12/2021 | Giá trị (tỷ đồng) |
APS | 12.552.440 | 39.300 | 493 |
API | 11.245.920 | 76.000 | 854 |
IDJ | 2.386.000 | 49.700 | 118 |
Tổng | 1.465 |
Đến việc thao túng giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán
Đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, cũng có khá nhiều những án phạt nặng được đưa ra. Tuy vậy số vụ bị khởi tố, dẫn tới phạt tù thì thực sự không có nhiều, tập trung chủ yếu ở năm 2021 – 2022 khi thị trường chứng khoán có nhiều biến động nhất.
Án phạt cao nhất đến nay đối với tội danh thao túng thị trường chứng khoán là án chung thân đối với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và Khoáng sản Miền Trung. Án phạt này nặng, một phần vì những người chủ xướng đã làm giả hồ sơ, giấy tờ, đưa một “công ty ma” lên sàn chứng khoán. Rất nhiều người liên quan đã nhận khung hình phạt lớn.
Vụ án chấn động tiếp theo là đầu năm 2022 với nhóm FLC liên quan Trịnh Văn Quyết. Vụ án đến nay vẫn còn nhiều người liên quan dần đưa ra xét xử.
Ngay sau đó là vụ Đỗ Thành Nhân cùng nhóm Louis thao túng giá cổ phiếu TGG, BII và các mã chứng khoán khác, thu lợi bất chính 155 tỷ đồng. Vụ án đã phán quyết, Đỗ Thành Nhân chịu mức án cao nhất, phải nộp 140 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Tuy vậy Đỗ Thành Nhân đang kêu oan và kháng cáo, diễn biến tiếp theo vẫn chờ phán quyết cuối cùng.
Vụ Đỗ Thành Nhân và nhóm Louis với vụ Nguyễn Đỗ Lăng và nhóm Apec có nhiều nét giống nhau nhất trong các vụ thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán từ trước tới nay. Đồng thời số tiền thu lợi bất chính cũng tương đồng nhau.
Nguyễn Đỗ Lăng và nhóm Apec nổi lên từ năm 2021 khi nhóm cổ phiếu API, APS, IDJ gần như có cùng một đồ thị biến động tăng/giả.
Ngày 5/11/2021 API vượt 100.000 đồng/cổ phiếu, trở thành một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất trên sàn chứng khoán. Mức giá này được gấp hơn 5 lần so với mấy tháng trước đó - đầu tháng 8/2021.
IDJ cũng xuất hiện “biến” từ đầu tháng 8 khi đang giao dịch đều ở vùng dưới mệnh giá, tăng mạnh gấp khoảng 7-8 lần chỉ trong vòng vài tháng.
Cũng thời điểm tháng 8, tháng 9/2021, APS sau giai đoạn tăng tích lũy từ đầu năm ở vùng giá dưới 5.000 đồng, đã “phi” một mạch lên 60.000 đồng/cổ phiếu - gấp khoảng 12 lần đầu năm.
Đại hội cổ đông bất thường năm 2021, nhóm lãnh đạo Apecs khuấy động đại hội với khẩu hiệu hô hào cổ đông “quyết tâm gồng lãi”. Những vị lãnh đạo quàng khăn tím, dẫn đầu trào lưu hô hào gồng lãi, làm hội trường náo nhiệt.
Tăng sốc rồi giảm sâu, nhóm cổ đông đu đỉnh bất ngờ khi đồng loạt cả 3 cổ phiếu APS, API và IDJ cùng vẽ chiều xuống của hình cây thông. Các cổ đông bị “kẹt” lại trên ngọn thông vẫn chỉ biết ngậm ngùi chờ đợi.
Hồi kết còn bỏ ngỏ
Quá trình điều tra ban đầu, cơ quan điều tra cáo buộc từ 4/5/2021 đến 31/12/2021, vợ chồng ông Lăng cùng Phạm Duy Hưng đã chỉ đạo các đồng phạm sử dụng 40 tài khoản chứng khoán mở tại Chứng khoán APS để liên tục mua bán nhằm tạo cung cầu giả nhằm đẩy giá 3 cổ phiếu APS, API và IDJ. Cùng với đó là việc tạo ra những thông tin tích cực, thường xuyên lên tiếng hô hào để hút nhà đầu tư tham gia.
Cơ quan điều tra bước đầu xác định nhóm Apec nhờ hành vi thao túng giá cổ phiếu, đã thu lời bất chính 157 tỷ đồng. Cơ quan điều tra vẫn tiếp tục làm việc. Nhà đầu tư đang ôm cổ phiếu APS, API và IDJ vẫn chờ một cái kết.
Nguyễn Đỗ Lăng đã thao túng giá cổ phiếu nhóm Apec như thế nào?
IDJ miễn nhiệm Tổng Giám đốc sinh năm 1994 sau 7 tháng ngồi 'ghế nóng'
Bộ 3 cổ phiếu API, APS, IDJ lại dậy sóng, bức tranh tài chính các doanh nghiệp 'họ' APEC ra sao?