Huyện miền núi Hòa Bình này sẽ là đầu mối giao thương cửa ngõ vùng Tây Bắc, đóng vai trò quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây của tỉnh.
UBND tỉnh Hoà Bình vừa ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Tân Lạc, tỷ lệ 1/25.000 đến năm 2045.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình với 16 đơn vị hành chính cấp xã gồm 15 xã và 1 thị trấn.
Ranh giới xác định: Phía Bắc giáp huyện Đà Bắc; phía Nam giáp huyện Lạc Sơn; huyện Bá Thước tỉnh Thanh Hóa; phía Đông giáp huyện Cao Phong. Phía Tây giáp huyện Mai Châu; huyện Bá Thước tỉnh Thanh Hóa.
Quy mô lập quy hoạch là 53.085,75ha, quy mô dân số hiện trạng năm 2022: 88.573 người.
Thời hạn quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030 và giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Mục tiêu quy hoạch là khai thác có hiệu quả mối quan hệ vùng gắn với các trục hành lang Quốc lộ 6, Quốc lộ 12B, các trục đường tỉnh 440, 435 và 436; các thế mạnh, tiềm năng và lợi thế của vùng huyện Tân Lạc đảm bảo phát triển hài hòa bền vững giữa đô thị và nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Giai đoạn đến năm 2030, tập trung đầu tư phát triển thị trấn Mãn Đức là đô thị loại IV, thành lập thị trấn Phong Phú và xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh. Tầm nhìn dài hạn, hình thành các đô thị mới Suối Hoa và Vân Sơn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất quy hoạch tổ chức không gian đô thị, phát triển dân cư, xây dựng mô hình phát triển không gian vùng huyện, phân cấp hệ thống đô thị, xác định tính chất đô thị và lựa chọn mô hình phát triển đô thị. Đề xuất phân bổ không gian phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và hệ thống hạ tầng xã hội, các khu dân cư nông thôn.
>> Nợ thuế hơn 1.150 tỷ đồng, một đại gia bất động sản tại Hoà Bình bị 'nhắc tên'
Trong đó xác định vùng động lực phát triển kinh tế xã hội, góp phần phát triển kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững. Hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất cấp huyện gắn với các thị trấn, trung tâm xã, các cụm công nghiệp gắn kết thuận lợi với hệ thống hạ tầng khung, đảm bảo phục vụ cho tiểu vùng trong huyện nhằm phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, gắn với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn trong tiểu vùng.
Đó là cơ sở để triển khai lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng nông thôn.
Khu vực quy hoạch có tính chất là vùng huyện “Phát triển kinh tế tổng hợp, thương mại - dịch vụ, nông lâm thủy sản giá trị cao, công nghiệp địa phương; phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa cộng đồng và sinh thái của tỉnh Hòa Bình”.
Chức năng chính của khu vực quy hoạch là đầu mối giao thương cửa ngõ vùng Tây Bắc, đóng vai trò quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây của tỉnh Hòa Bình gắn với liên kết phát triển du lịch, công nghiệp, đào tạo, khoa học công nghệ và đô thị. Có vị trí quan trọng trong phát triển Khu lịch quốc gia hồ Hòa Bình gắn với khu vực Suối Hoa và Phú Vinh. Là khu vực phát triển du lịch văn hóa, sinh thái gắn với cộng đồng bản địa; khu vực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Mường Bi; khu vực bảo vệ hệ sinh thái rừng và các không gian tự nhiên ven lòng hồ; bảo vệ nguồn nước mặt hồ Hòa Bình.
Thời gian thực hiện lập quy hoạch: Không quá 12 tháng sau khi Nhiệm vụ quy hoach được phê duyệt.
Tân Lạc là một huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình. Diện tích tự nhiên của huyện là 523km2, dân số là 143.210 người trong đó người Mường chiếm đa số. Ngoài ra còn có người Kinh, người Thái, người Dao.
Huyện Tân Lạc có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Mãn Đức (huyện lỵ) và 15 xã: Đông Lai, Gia Mô, Lỗ Sơn, Mỹ Hòa, Ngổ Luông, Ngọc Mỹ, Nhân Mỹ, Phong Phú, Phú Cường, Phú Vinh, Quyết Chiến, Suối Hoa, Thanh Hối, Tử Nê, Vân Sơn.
Lộ diện 'đại gia' địa ốc Nghệ An 'đấu' cùng doanh nghiệp Thái Nguyên làm khu đô thị hơn 250 tỷ đồng
Dự án khu dân cư hơn 3.100 tỷ tại Đồng Tháp 'khát' chủ đầu tư