Chủ tịch Lê Viết Hải khẳng định Xây dựng Hòa Bình (HBC) nhất định sẽ khôi phục lại vị thế vốn có và sẽ lại bứt phá mạnh mẽ trong nay mai.
Ngày 12/6 vừa qua, Tổng CTCP Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chính thức đóng/mở thầu lần 2 Gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” của Dự án thành phần 3 sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn I) với 3 nhóm nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.
Cụ thể, 1 nhóm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, 1 nhóm đến từ Trung Quốc và 1 nhóm đến từ nhà thầu trong nước. Hiện ACV đang bắt tay vào quá trình chấm thầu. Dự kiến thời gian chấm thầu mất ít nhất từ 1,5 tháng trở lên vì tính chất phức tạp của gói thầu.
Trước đó, gói thầu số 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách đã phải nhiều lần gia hạn hồ sơ mời thầu quốc tế vì nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ dự thầu.
Gói thầu số 5.10 có giá 35.233,712 tỷ đồng – gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được mời thầu rộng rãi quốc tế từ tháng 9/2022. Do đây là dự án lớn, nên năng lực các nhà thầu tham gia 3 liên danh đấu thầu dự án sân bay Long Thành thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Một trong các nhà thầu tham gia gói thầu số 5.10 có sự tham gia của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC). Đáng chú ý, Hoà Bình (HBC) đang trải qua giai đoạn khó khăn cả về mặt tài chính và hoạt động kinh doanh.
Đơn vị: Tỷ đồng |
Từ năm 2017 đến nay, Hòa Bình luôn duy trì mức tổng nợ từ 11.000 - 13.000 tỷ đồng (gấp 2,5 - 5 lần vốn chủ sở hữu). Với việc lỗ ròng 2.594 tỷ đồng năm 2022 và lỗ thêm 450 tỷ trong quý 1/2023. Tạm tính đến ngày 31/3 vừa qua, lỗ lũy kế của HBC đã vượt mức 2.500 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu giảm về mức 750 tỷ và tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu có thể tăng vọt lên mức 16 - 18 lần.
Tuy nhiên, trong tâm thư mới đây, Chủ tịch Lê Viết Hải khẳng định khó khăn chỉ là tạm thời, khi sóng gió qua đi Hòa Bình sẽ tiếp tục phát triển và nhất định sẽ khôi phục lại vị thế vốn có của mình và sẽ lại bứt phá mạnh mẽ trong nay mai bởi có một quy luật của tạo hoá “Bĩ cực thái lai”, “Sau cơn mưa, trời lại sáng”.
Đến ngày 23/6/2023 đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ của Hoà Bình đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng. Chủ tịch HBC khẳng định khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và thành công trong việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế lên đến 2.059 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của Hòa Bình không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều so với những năm trước.
Tình hình đang dần khả quan hơn, ĐHCĐ thường niên 2023 tổ chức vào hôm nay, HBC trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với các chỉ tiêu cao hơn dự kiến trước đó. Cụ thể, HBC đặt mục tiêu doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng tăng lần lượt 5.000 tỷ và 25 tỷ so với mục tiêu ban đầu. Chỉ tiêu trúng thầu 17.000 tỷ đồng.
Nếu được lựa chọn tham gia thi công gói 5.10, HBC sẽ có cơ hội bứt phá mạnh về kết quả kinh doanh trong giai đoạn 2023-26 nhờ quy mô rất lớn của gói thầu so với doanh thu mảng xây lắp của các doanh nghiệp trong ngành.
Chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành lãi gần 10.000 tỷ đồng năm 2024
Lợi nhuận cao kỷ lục, ‘mỏ vàng’ của ACV và GMD chốt trả cổ tức 30% bằng tiền