Đồng Nai gỡ vướng điểm nghẽn tiến độ của sân bay Long Thành, ‘mở lối’ tăng trưởng cho loạt doanh nghiệp
Để giải bài toán thiếu hụt vật liệu xây dựng cho sân bay Long Thành, Đồng Nai đang thúc đẩy tháo gỡ thủ tục pháp lý và áp dụng cơ chế đặc thù cho các mỏ đá – cho phép nâng công suất thêm 50%.
22 mỏ đá tại Đồng Nai được áp dụng cơ chế nâng 50% công suất khai thác
Ngày 10/6/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã ký Văn bản số 7327/UBND-KTN gửi Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường về tiến độ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.
Trong văn bản này, liên quan đến việc cung cấp đá xây dựng phục vụ thi công dự án sân bay Long Thành, UBND tỉnh cho biết nhu cầu đá xây dựng các loại được Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề nghị cung cấp cho dự án trong năm 2025 là hơn 4,9 triệu m3. Tuy nhiên, ACV mới tổng hợp từ các nhà thầu và đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cung cấp hơn 4,3 triệu m3.
Với đề nghị này, tỉnh Đồng Nai đã giao cho các mỏ đá trên địa bàn tỉnh cung cấp đầy đủ. Đến nay, các nhà thầu của dự án đã ký hợp đồng với các chủ mỏ để cung cấp hơn 2,9 triệu m3 (đạt gần 68% khối lượng phân khai). Tổng khối lượng đá các chủ mỏ đã giao cho các nhà thầu là gần 987.000m3 (đạt hơn 33%) kể từ ngày được chấp thuận phân khai.
![]() |
Công trường sân bay Long Thành (Ảnh: CAA) |
UBND tỉnh Đồng Nai nhận định khối lượng đá cung cấp cho ACV chưa đạt kỳ vọng do nhiều nguyên nhân.
Về mặt pháp lý, dự án sân bay Long Thành cần một khối lượng đá xây dựng lớn trong thời gian ngắn, trong khi các mỏ khai thác đá chưa được phép nâng công suất thêm 50% theo cơ chế đặc thù.
Một số mỏ vẫn còn diện tích chưa thể khai thác mặc dù doanh nghiệp đã hoàn tất thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng với các hộ dân, nhưng chưa hoàn thành thủ tục thuê đất để sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản. Điều này buộc các mỏ phải ngưng hoạt động tại các khu vực đó, làm giảm năng lực khai thác và chế biến, ảnh hưởng đến nguồn cung cho các dự án trọng điểm.
Để giải quyết các vướng mắc trên, chiều ngày 2/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng làm việc với Sở Nông nghiệp và môi trường, các chủ mỏ đá liên quan đến công tác tháo gỡ pháp lý và áp dụng cơ chế đặc thù (nâng 50% công suất) trong khai thác vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm phía Nam.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và môi trường, hiện có 15 doanh nghiệp là chủ đầu tư 22 mỏ khai thác đá đang cung cấp cho các dự án trọng điểm phía Nam. Theo quy định, các mỏ này được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác vật liệu xây dựng.
![]() |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng phát biểu kết luận buổi làm việc (Ảnh: Báo Đồng Nai) |
Đến nay, phần lớn các mỏ đã có đề xuất được áp dụng cơ chế đặc thù, nhưng một số mỏ đề nghị không áp dụng. Điển hình, CTCP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB) đề nghị không nâng 50% công suất do năng lực (máy móc, thiết bị, con người…) không đảm bảo.
Để đảm bảo đủ, kịp thời nguồn đá xây dựng cho các dự án trọng điểm, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh giao các ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu báo cáo cụ thể khối lượng đá đã được phân khai, đã tiếp nhận đến thời điểm tại; chủng loại, khối lượng, tiến độ cần cung cấp từ nay đến cuối năm. Trên cơ sở đó, sở làm việc với các mỏ để có sự điều chỉnh phân khai, cung cấp cho phù hợp.
Giao các sở, ngành có liên quan và UBND các phường, xã tiếp tục hỗ trợ các mỏ hoàn thiện thủ tục pháp lý về giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xử lý vi phạm hành chính, thuê đất, gia hạn và bổ sung giấy phép...
Loạt doanh nghiệp cấp đá hưởng lợi từ sân bay Long Thành
Theo báo cáo triển vọng ngành vật liệu xây dựng của Chứng khoán Tiên Phong (TPS), nhu cầu đá xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công trong giai đoạn 2023–2025 ước tính lên đến 21,5 triệu m3, tăng 38% so với giai đoạn 2016–2021. Riêng dự án sân bay Long Thành chiếm khoảng 2,05 triệu m3.
Ngành khai thác đá chịu ảnh hưởng lớn từ chi phí vận chuyển, do đó các doanh nghiệp có mỏ đá gần công trường sẽ được hưởng lợi rõ rệt. Khu vực Tân Cang (Đồng Nai) là nguồn cung chính cho sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 và nhiều công trình khác tại miền Đông Nam Bộ. Hiện có 9 mỏ đá ở Tân Cang, trong đó các doanh nghiệp niêm yết đáng chú ý gồm DHA và VLB.
![]() |
Các doanh nghiệp đá niêm yết có trữ lượng lớn tại khu vực gần sân bay Long Thành (Nguồn: TPS) |
Cụ thể, DHA đang sở hữu 2 mỏ đá là Tân Cang 2 và Thạch Phú 2. Trong khi đó, VLB nắm giữ tới 5 mỏ, bao gồm Tân Cang 1, Thạch Phú 1, Thiện Tân 2, Suklu 2 và Suklu 5. Đây là lợi thế lớn về địa lý khi nhu cầu đá phục vụ sân bay Long Thành đang tăng cao, giúp các doanh nghiệp này có thể ký kết thêm nhiều hợp đồng cung ứng, cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận.
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng đá sản xuất của VLB tăng 22% và tiêu thụ tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Theo chia sẻ tại ĐHĐCĐ ngày 26/6 vừa qua, VLB cho biết nếu chi phí không tăng đột biến, công ty ước lãi trước thuế cả năm khoảng 254 tỷ đồng, tương đương 92% mức thực hiện năm 2024 (năm lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp).
>> Coteccons (CTD) tiếp tục trượt thầu tại dự án sân bay Long Thành trước đối thủ quen mặt
Đề xuất làm siêu dự án 16 tỷ USD cạnh sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam
Nhóm Fecon (FCN) được chọn thực hiện gói thầu 916 tỷ đồng tại sân bay Long Thành