Hòa Phát (HPG) đã đổ bao nhiêu tiền vào dự án nhà máy sản xuất container?
Hơn 2 năm trước, Hòa Phát (HPG) bắt trend container đúng đỉnh, đến nay 100 chiếc container đã được xuất xưởng.
Ngày 4/8/2023, Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát đã tổ chức lễ bàn giao lô hàng 100 container loại 20 feet đầu tiên cho đối tác - Công ty TNHH New Way Lines.
Đây là lô hàng đầu tiên mà Hòa Phát (HPG) xuất ra thị trường sau 2 năm đầu tư dự án Nhà máy sản xuất vỏ container tại KCN Phú Mỹ II mở rộng – Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Câu chuyện bắt “trend” sản xuất container của Hòa Phát
Trở lại hơn 2 năm trước, cuối tháng 3/2021 một sự cố “tắc đường” hy hữu xảy ra: tàu chở hàng Ever Given do Evergreen Line vận hành đang trên đường đến Rotterdam bị mắc kẹt tại kênh đào Suez. Ever Given là một con tàu chở hàng khổng lồ dài hơn 400m, nặng hơn 220.000 tấn và có sức chứa hơn 20.000 container. Tại thời điểm mắc kẹt, tàu đang chở 18.300 container.
Sự cố khá hy hữu, khi bị mắc kẹt, Ever Given ở vị thế “xoay ngang” và “bịt” hết đường đi qua. Để giải cứu tàu Ever Given, rất nhiều đội cứu hộ, rất nhiều phương án đã được dùng.
Điều đáng nói, thông thường, khoảng 15% lượng hàng hóa trên thế giới vận chuyển bằng đường biển toàn cầu đi qua “eo” biển này. Và khi tàu chắn ngang, hàng trăm con tàu ở 2 đầu đã tắc nghẽn, kèm theo đó là hàng hóa không thể lưu thông. Điểm đặc biệt của kênh đào Suez này là, nếu không “xuyên qua” điểm tắc nghẽn, chọn đi đường vòng, nhiều tàu biển sẽ tăng rất nhiều về thời gian di chuyển, chi phí nhiên liệu…
Hiệu ứng dây chuyền từ sự cố, cộng với việc bùng phát dịch covid-19 ở khắp nơi làm đứt gãy chuỗi logistics, tình trạng thiếu vỏ container rỗng bắt đầu diễn ra và trở nên căng thẳng trên toàn thế giới. Các tàu chứa hàng hàng bị trì hoãn tại các cảng, các tàu bị kẹt không thể mang vỏ container trở về. Mọi thứ trở nên mất cân bằng và rối loạn.
Chiếc bong bóng về logistics được thổi lên, rất nhanh lan truyền theo hiệu ứng domino. Tại Việt Nam, cái tên Evergreen, con tàu Ever Given, kênh đào Suez hay cả từ container cũng liên tục được nhắc tới không chỉ bởi đó là một sự kiện "tắc đường" hy hữu, mà còn do sự khan hiếm vỏ container khiến cho các doanh nghiệp phải đau đầu tìm lời giải.
Cùng với sự khan hiếm vỏ container, các doanh nghiệp, nhà đầu tư lại nhìn ra một mảnh đất màu mỡ: sản xuất vỏ container. Miếng bánh này một lần nữa lại được các doanh nghiệp đặt lên bàn cân, để ý tới để chia phần.
Nói vể sản xuất vỏ container, tại Việt Nam, nhà máy sản xuất vỏ container có tiếng nhất trước đó là Vinashin TGC, tuy vậy nhà máy này đã đóng cửa khi Vinashin gặp sự cố. Còn trên thực tế, tại Việt Nam cũng có hàng chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container như Viconship… nhưng hầu hết trong số đó chưa phải là doanh nghiệp chuyên về sản xuất container đúng nghĩa, chủ yếu là sửa chữa, cải tạo. Nguyên nhân, nếu là nhà máy sản xuất vỏ container chuyên nghiệp, cần quy mô lớn, vốn đầu tư lớn và đặc biệt phải lấy được đơn hàng thường xuyên.
Trước miếng bánh lớn, Tập đoàn Hòa Phát lúc đó đã lên kế hoạch bắt “trend”, xây dựng nhà máy sản xuất vỏ container. Tỷ phú Trần Đình Long lúc đó nhấn mạnh: "Có nhiều yếu tố thuận lợi để Hòa Phát làm container. Thép chiếm tới 60% chi phí sản xuất container, Hòa Phát làm được loại thép HRC đặc chủng kháng thời tiết. nhu cầu thị trường lại cao nên Tập đoàn quyết định làm. Thuận lợi là rất nhiều, là cơ bản. Nếu làm đúng mục tiêu 500.000 container thì cũng tiêu thụ được lượng lớn thép của Dung Quất”.
Bắt trend, thêm đúng “địa lợi” với lợi thế của một doanh nghiệp sản xuất được thép đặc chủng, Hòa Phát thành lập công ty, rầm rộ tuyển nhân sự, với tham vọng chỉ 1 năm sau, khoảng quý 2/2022 sẽ có thể cung cấp vỏ container ra thị trường.
Bắt trend đúng đỉnh, Hòa Phát đã đổ bao nhiều tiền vào game này?
Dù chậm hơn dự kiến 1 năm, tuy vậy những chiếc vỏ container đầu tiên đã xuất xưởng, Hòa Phát đã không chỉ có 1 khách hàng, mà đã có luôn đơn hàng tiếp theo.
Tuy vậy khoản tiền Hòa Phát đổ vào dự án này cũng không hề nhỏ. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023 Hòa Phát đã rót thêm khoảng 300 tỷ đồng và dự án, nâng tổng mức đầu tư cho xây dựng cơ bản dở dang tại Dự án Container lên 1.877 tỷ đồng.
Hòa Phát chưa có báo giá các loại vỏ container, tuy vậy nhìn chung trên thị trường container, giá vỏ container loại 20feet mà Hòa Phát vừa xuất xưởng có giá khoảng từ 70-90 triệu đồng/chiếc.
Đáng chú ý giá bán container hiện tại đã trở về thời điểm trước sự cố tàu ever Given, trước đại dịch.
Trước đó giá vỏ container trong nước cũng giao động từ 70-100 triệu đồng/chiếc. Sau sự cố tắc đường, cộng với sự bùng phát dịch bệnh, vỏ container tăng chóng mặt, nhiều doanh nghiệp kêu than “Chúng tôi đã thống kê từ các khách hàng, nếu tính trung bình giá trị xuất khẩu một container 100.000USD, trong đó chỉ mất từ 1.500 – 2.500USD chi phí vận tải, còn bây giờ chi phí vận tải lên tới 8.000USD, tăng gấp 4 lần”. Đây cũng là thời điểm Hòa Phát bắt tay vào xây dựng nhà máy.
Bắt trend đúng đỉnh, khi có thành phẩm như hôm nay, giá container đã về lại vùng cũ, bao giờ Hòa Phát có thể thu hồi vốn đầu tư?
Công trình triển lãm Top 10 thế giới của Vingroup đã tiêu thụ 10.000 tấn thép Hòa Phát
Cú ‘bắt tay’ lịch sử: Vingroup và Hòa Phát cùng nhau làm trung tâm triển lãm lớn nhất Đông Nam Á