Đúng 2 năm trước, tháng 3/2021 sự việc tàu hàng khổng lồ Ever Given do Evergreen vận hành bị mắc kẹt tại kênh đào Suez đã khiến chiếc bong bóng ngành logistics bị thổi bùng lên do khan hiếm vỏ container.
Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) vừa tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Rất nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận, cổ đông cũng sôi nổi trao đổi về tình hình hoạt động của công ty.
Những thắc mắc của cổ đông tại Đại hội chủ yếu xoay quanh các vấn đề: Tiến độ triển khai các dự án bất động sản tại Hưng Yên; tạm dừng đầu tư các dự án tại nước ngoài để tập trung cho dự án tại Dung Quất; chiến lược sản xuất các mặt hàng thép chất lượng cao để xuất khẩu; lý do tạm dừng hoạt động và dự kiến thời gian, chi phí khởi động lại các lò cao; tiến độ triển khai dự án Hòa Phát Dung Quất 2; tình hình triển khai dự án sản xuất container; công cụ phòng ngừa việc lỗ tỷ giá…
Ấn tượng của nhà đầu tư sau Đại hội cổ đông Hòa Phát rất nhiều. Tuy vậy ấn tượng lớn nhất có lẽ không phải là việc công ty không chia cổ tức năm 2022, cũng không phải là việc đặt kế hoạch lợi nhuận giảm sút, mà có lẽ là những thông tin về dự án sản xuất container được nhắc lại khiến nhiều người nhớ tới chiếc bong bóng ngành container và câu chuyện chiếc tàu khổng lồ Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez.
Kỷ niệm 2 năm từ ngày con tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez
Đúng 2 năm trước, cuối tháng 3/2021 một sự cố “tắc đường” xảy ra: tàu chở hàng Ever Given do Evergreen Line vận hành đang trên đường đến Rotterdam bị mắc kẹt tại kênh đào Suez. Ever Given là một con tàu chở hàng khổng lồ dài hơn 400m, nặng hơn 220.000 tấn và có sức chứa hơn 20.000 container. Tại thời điểm mắc kẹt, tàu đang chở 18.300 container.
Sự cố khá hy hữu, khi bị mắc kẹt, Ever Given ở vị thế “xoay ngang” và “bịt” hết đường đi qua. Hàng trăm con tàu ở 2 đầu đã tắc nghẽn, kèm theo đó là hàng hóa không thể lưu thông.
Điểm đặc biệt của kênh đào Suez này là, nếu không “xuyên qua” điểm tắc nghẽn, chọn đi đường vòng, nhiều tàu biển sẽ tăng rất nhiều về thời gian di chuyển, chi phí nhiên liệu… Trong khi đó, khoảng 15% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển toàn cầu đi qua “eo” biển này.
Tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez tháng 3/2021. |
Sự cố của tàu Ever Given dẫn đến một hệ lụy rất lớn là việc tồn đọng các tàu, khiến vỏ container vỏ khan hiếm. Cộng với đó sự bùng phát Covid-19 ở nhiều nơi càng khiến sự lưu thông vỏ container bị gián đoạn. Hàng loạt công ty vận chuyển bằng container bị ảnh hưởng.
Do hiệu ứng dây chuyền từ sự cố tại Suez, tình trạng thiếu hụt vỏ container rỗng là một vấn đề căng thẳng diễn ra khi nhu cầu sử dụng container từ Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn ở mức cao. Các container chứa hàng bị trì hoãn tại các cảng ở Châu Âu và Hoa Kỳ do tình trạng tắc nghẽn tại cảng, đồng thời các tàu chở hàng bị kẹt ở Suez không thể mang container rỗng quay về Châu Á đúng lịch trình là một trong những nguyên nhân chính gây tình trạng mất căn bằng cung – cầu container trên thị trường vận tải giai đoạn này.
Lúc đó, chỉ mấy ngày sau sự cố, vào cuối tháng 03, hãng tàu Maersk đã thông báo về việc tạm ngưng nhận đặt chỗ trên nền tảng trực tuyến, cũng như tạm ngưng đặt chỗ cho các hợp đồng booking ngắn hạn trong tuần đầu tháng 4 và đối với một số khu vực khác trong tương lai gần do ảnh hưởng của việc thiếu container.
Một chiếc bong bóng về logistic được thổi lên. Chiếc bong bóng này rất nhanh đã lan ra khắp cả thế giới, như một quân cờ domino, đâu đâu cũng nghe về container và sự thiếu hụt nghiêm trọng.
Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long “đu đỉnh” theo trend vỏ container
Tại Việt Nam, cái tên Evergreen, con tàu Ever Given, kênh đào Suez hay cả từ container cũng liên tục được nhắc tới không chỉ bởi đó là một sự kiện "tắc đường" hy hữu, mà còn do sự khan hiếm vỏ container khiến cho các doanh nghiệp phải đau đầu tìm lời giải.
Cùng với sự khan hiếm vỏ container, các doanh nghiệp, nhà đầu tư lại nhìn ra một mảnh đất màu mỡ: sản xuất vỏ container. Miếng bánh này một lần nữa lại được các doanh nghiệp đặt lên bàn cân, để ý tới để chia phần.
Nói vể sản xuất vỏ container, tại Việt Nam, nhà máy sản xuất vỏ container có tiếng nhất trước đó là Vinashin TGC, tuy vậy nhà máy này đã đóng cửa khi Vinashin gặp sự cố. Còn trên thực tế, tại Việt Nam cũng có hàng chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container như Viconship… nhưng hầu hết trong số đó chưa phải là doanh nghiệp chuyên về sản xuất container đúng nghĩa, chủ yếu là sửa chữa, cải tạo. Nguyên nhân được đưa ra chủ yếu do nếu là nhà máy sản xuất vỏ container chuyên nghiệp, cần quy mô lớn, vốn đầu tư lớn và đặc biệt phải lấy được đơn hàng thường xuyên.
Trước “miếng bánh” này, rất nhanh khi sự cố tàu Ever Given xảy ra, Tập đoàn Hòa Phát đã lên kế hoạch “bắt trend”: xây dựng nhà máy sản xuất vỏ container. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 tổ chức ngay tháng 4/2021, trả lời những thắc mắc của cổ đông, ông Trần Đình Long đã nhấn mạnh: "Có nhiều yếu tố thuận lợi để Hòa Phát làm container. Thép chiếm tới 60% chi phí sản xuất container, Hòa Phát làm được loại thép HRC đặc chủng kháng thời tiết. nhu cầu thị trường lại cao nên Tập đoàn quyết định làm. Thuận lợi là rất nhiều, là cơ bản. nếu làm đúng mục tiêu 500.000 container thì cũng tiêu thụ được lượng lớn thép của Dung Quất”.
Ngày 21/4/2021 CTCP Sản xuất Container Hòa Phát ngay lập tức được thành lập tại Bà Rịa – Vũng Tàu, rầm rộ tuyển dụng nhân sự với kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất vỏ container công suất 500.000 TEU/năm với tham vọng có thể cung cấp vỏ container rỗng ra thị trường ngay trong quý 2/2022, trong đó modul giai đoạn 1 được thiết kế với công suất 200.000 TEU/năm.
Công ty sản xuất vỏ container thành lập từ tháng 4/2021 nhưng báo cáo tài chính năm 2021 chưa ghi nhận giá trị đầu tư vào dự án này. Tất cả phần giá trị đầu tư đều ghi nhận từ năm 2022.
Báo cáo tài chính năm 2022 ghi nhận tính đến 31/12/2022 tổng giá trị cơ bản xây dựng dở dang vào nhà máy container là 1.563 tỷ đồng. Đây cũng là dự án được đầu tư lớn thứ 2 chỉ sau Khu liên hợp Gang thép tại Dung Quất của Hòa Phát.
Báo cáo cũng ghi nhận Hòa Phát đã dùng hệ thống máy móc, thiết bị… liên quan nhà máy container này làm tài sản thế chấp tại Ngân hàng TNHH Woori Việt Nam cho khoản vay 949,2 tỷ đồng tại đó.
Trend container đưa Hòa Phát vào “thế khó”?
Ông Trần Đình Long từng cho biết thép chiếm 60% chi phí sản xuất container, và Hòa Phát làm được thép HRC là một lợi thế. Tuy nhiên tình hình thực tế bây giờ ra sao?
- Hòa Phát đang tồn kho rất nhiều với giá cao
Báo cáo tài chính năm 2022 ghi nhận tính đến 31/12/2022 tổng giá trị hàng tồn kho của Hòa Phát còn 34.500 tỷ đồng, giảm được hơn 7.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong số đó đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 1.236 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho chủ yếu tập trung vào nguyên vật liệu (16.400 tỷ đồng) và thành phẩm (10.200 tỷ đồng).
Nguyên liệu sản xuất vỏ container liệu sẽ bị ảnh hưởng bởi giá trị tồn kho cao tại thời điểm này, khiến chi phí sản xuất tăng? Báo cáo ngành thép & tôn mạ của Chứng khoán Mirae Asset còn dự phóng tình hình năm 2023 sẽ còn khó khăn, nhu cầu thép khó có sự tăng trưởng, nên dự kiến sản lượng thép tiêu thụ có thể giảm.
- Hòa Phát đang vay nợ lớn
Tổng nợ phải trả của Hòa Phát đến 31/12/2022 còn hơn 74.200 tỷ đồng trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 46.700 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 11.500 tỷ đồng. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn gần 57.900 tỷ đồng.
Hòa Phát đã phải dùng hàng tồn kho, tiền gửi, tài sản cố định… để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay, trong số đó, máy móc thiết bị liên quan nhà máy container đã được “cắm” tại ngân hàng đảm bảo cho khoản vay gần nghìn tỷ đồng.
Hòa Phát cũng vừa thông qua quyết định không chia cổ tức năm 2022 để dành tiền tái đầu tư vào dự án, mà dự án được ông Trần Đình Long nhắc tới nhiều nhất tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 vừa qua là Nhà máy Gang thép Dung Quất.
- Lợi nhuận năm 2022 sụt giảm
Kết quả kinh doanh năm 2022 của Hòa Phát ghi nhận năm 2022 cả doanh thu và lợi nhuận giảm sút, đặc biệt là lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm sút 75% so với năm 2021, còn 8.444 tỷ đồng.
Bao giờ nhà máy container Hòa Phát có sản phẩm?
Kế hoạch ban đầu khi xây dựng nhà máy vào năm 2021 Hòa Phát tham vọng có sản phẩm ngay quý 2/2022. Tuy vậy đến nay đã hết quý 1/2023 nhà máy vẫn đang được xây dựng dở dang.
Báo cáo thường niên năm 2022 cho biết trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 có việc hoàn thành và đưa vào chạy thử nghiệm giai đoạn 1 nhà máy sản xuất container. Hòa Phát cho biết sau hơn 1 năm xây dựng, cơ bản giai đoạn 1 đã thành hình, hiện công ty đang hiệu chỉnh và chạy thử thiết bị, dây chuyền công nghệ. Dự kiến sẽ cho ra sản phẩm chính thức từ quý 2/2023.
Hòa Phát cũng cho biết lợi thế của công ty trong mảng này là nguyên liệu: nguyên liệu cho sản xuất container rỗng là loại thép HRC mác SPA-H đặc chủng, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, tại Việt Nam hiện chỉ có Hòa Phát sản xuất được loại thép này. Ván sàn cũng đã có nhà cung cấp. Nhà cung cấp sơn của nước ngoài đã đầu tư thiết bị sản xuất tại Việt Nam giúp Hòa Phát chủ động nguồn cung.
Tròn 2 năm từ ngày “đu đỉnh” trend container, hiện tại Hòa Phát đã hoàn tất các công đoạn, chuẩn bị kỹ và đang chờ những chiếc container xuất xưởng đầu tiên.
Tuy nhiên sức nóng của việc thiếu hụt vỏ container đã qua đi.
Trước đó khoảng 90% số vỏ container trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc. “Sức nóng” và tình trạng khan hiếm vỏ container diễn ra năm 2021 một phần lớn do sự cố tàu Ever Given, một phần nữa là do Trung Quốc cắt giảm sản lượng.
Nhà máy container của Hòa Phát khi đi vào thử nghiệm chắc chắn sẽ còn đối mặt với sức ép từ Trung Quốc khi quốc gia này đang chiếm ưu thế cả về thị phần lẫn truyền thống và kinh nghiệm. Hòa Phát có sẵn nguồn nguyên liệu thép làm nên vỏ container, tuy vậy việc giá cả thành phẩm có cạnh tranh được không lại đang là bài toán cần giải quyết tiếp.
Năm 2023 Hòa Phát đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi
Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Hòa Phát đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 6,1% so với doanh thu đạt được năm 2022. Tuy vậy chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 8.000 tỷ đồng, giảm sút 5,3% so với số lãi 8.444 tỷ đồng đạt được năm 2022.
Công trình triển lãm Top 10 thế giới của Vingroup đã tiêu thụ 10.000 tấn thép Hòa Phát
Cú ‘bắt tay’ lịch sử: Vingroup và Hòa Phát cùng nhau làm trung tâm triển lãm lớn nhất Đông Nam Á