Câu chuyện đầu tư

Hòa Phát (HPG) nghiên cứu sản xuất nguyên liệu cho ngành xe điện, 'mỏ vàng' mới trong 25 năm tiếp theo?

Thu Huyền 26/11/2024 07:30

Nếu sản xuất tôn silic thành công, Hòa Phát (HPG) có thể cung cấp phục vụ ngành ô tô điện, lĩnh vực được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ tới.

Trong những năm qua, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã chứng minh vai trò dẫn đầu trong ngành công nghiệp thép tại Việt Nam, không chỉ với những sản phẩm truyền thống mà còn với các dự án mới mang tính đột phá.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Hòa Phát - ông Trần Đình Long đã tiết lộ kế hoạch sản xuất tôn silic, một nguyên liệu chiến lược trong ngành công nghiệp điện, đặc biệt là động cơ ô tô điện.

Tôn silic - cốt lõi của ô tô điện

Tôn silic là loại vật liệu đặc biệt chứa hàm lượng silic từ 1-4%, được sử dụng trong sản xuất động cơ điện, máy biến áp và các thiết bị điện khác. Đặc tính nổi bật của tôn silic là khả năng giảm tổn thất từ trường, tăng hiệu suất và giảm tiêu hao năng lượng, khiến nó trở thành "trái tim" của các động cơ hiện đại.

Đối với ngành ô tô điện, tôn silic giữ vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa hiệu suất và tuổi thọ của động cơ. Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp sản xuất tôn silic nhưng chỉ dừng ở việc nhập khẩu nguyên liệu và gia công khâu cuối cùng. Hòa Phát quyết định bước vào lĩnh vực này với tham vọng tự sản xuất từ gốc, đảm bảo kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị. Việc này không chỉ giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hòa Phát (HPG) nghiên cứu sản xuất nguyên liệu cho ngành xe điện, 'mỏ vàng' mới trong 25 năm tiếp theo
Đội ngũ cán bộ nhân viên Thép Hòa Phát Dung Quất được bồi dưỡng chuyên sâu về các loại sản phẩm thép chất lượng cao (Nguồn: Báo Quảng Ngãi)

Để thực hiện giấc mơ mới này, trong tháng 11/2024, Thép Hòa Phát Dung Quất đã phối hợp với Trường Vật liệu - Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về các loại sản phẩm thép chất lượng cao.

Đối với thép kỹ thuật điện (tôn silic), khóa học trang bị các kiến thức cơ bản và nâng cao, các đặc tính cơ học và hóa học giúp thép kỹ thuật điện trở thành vật liệu lý tưởng trong sản xuất máy biến áp và các thiết bị điện tử; công nghệ nấu luyện, tinh luyện và đúc phôi thép. Học viên cũng được học công nghệ cán tôn silic và phương pháp xử lý nhiệt để tối ưu hóa các tính chất vật lý và hóa học, đảm bảo sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật.

Động thái của Hòa Phát diễn ra trong bối cảnh ngành xe điện Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 về chương trình chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó đã quy định toàn bộ lộ trình phát thải ròng bằng 0 của ngành giao thông vận tải, bao gồm tất cả 5 phương thức vận tải đến năm 2050.

Ngành xe điện - 'mỏ vàng' mới của Hòa Phát trong 25 năm tiếp theo?

Tại buổi công bố báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) với chủ đề “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện" vào sáng 22/11/2024, ông Bowen Wang cho biết, Việt Nam có cơ hội rất lớn để thoát ly khỏi ô tô chạy xăng và dầu diesel thông thường trong quá trình cơ giới hóa, chuyển sang kỷ nguyên của xe ô tô điện.

Cụ thể, để đạt mục tiêu chuyển đổi giao thông sang phương tiện chạy điện, Việt Nam cần đầu tư hơn 11 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng sạc và nguồn cung điện trong giai đoạn 2024-2030. WB dự báo Việt Nam sẽ cần 12 triệu xe máy điện và 4 triệu ô tô điện trong giai đoạn 2024-2035 và 51 triệu ô tô điện trong giai đoạn 2036-2050 để đạt tỷ lệ thâm nhập 100% xe điện vào năm 2050.

Hòa Phát (HPG) nghiên cứu sản xuất nguyên liệu cho ngành xe điện, 'mỏ vàng' mới trong 25 năm tiếp theo?
Hội nghị Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện

Theo dự báo của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng xe điện tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 1 triệu chiếc vào năm 2028 và tăng lên 3,5 triệu chiếc vào năm 2040.

Báo cáo của BMI Research cũng dự đoán doanh số bán xe điện tại Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm 25,8% trong giai đoạn 2023-2032, đạt khoảng 65.000 xe vào năm 2032.

Như vậy, nếu sản xuất tôn silic thành công, Hòa Phát có thể cung cấp để phục vụ ngành ô tô điện, lĩnh vực được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ tới.

Chiến lược tiên phong, đón đầu cơ hội của “anh cả” ngành thép

Không chỉ tiên phong trong lĩnh vực tôn silic, hiện tại, tập đoàn cũng là đơn vị đầu tiên nghiên cứu sản xuất thép đường sắt cao tốc, một sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao mà trước đây Việt Nam phải hoàn toàn nhập khẩu.

Trước đó, Hòa Phát đã đề xuất phương án sản xuất thanh ray cho tuyến đường sắt tốc độ cao tại nhà máy luyện kim ở Khu công nghiệp Hòa Tâm với tổng vốn đầu tư dự kiến 86.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dự án Dung Quất 2. Đề xuất này bao gồm việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt dài khoảng 12km kết nối trực tiếp nhà máy với tuyến Bắc - Nam.

Hòa Phát (HPG) nghiên cứu sản xuất nguyên liệu cho ngành xe điện, 'mỏ vàng' mới trong 25 năm tiếp theo?
Hòa Phát được dự báo hưởng lợi lớn từ việc cung cấp thép cho đường sắt tốc độ cao và các công trình phụ trợ

Nhà máy dự kiến sẽ sản xuất thanh ray có chiều dài từ 50m đến 100m và vận chuyển bằng đường sắt thay vì đường bộ. Đây là bước tiến chiến lược giúp Hòa Phát có nhiều lợi thế khi tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ rằng trong trường hợp trúng thầu, doanh nghiệp cam kết cung cấp đủ 6 triệu tấn thép các loại cho dự án, bao gồm thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Đồng thời, Hòa Phát cam kết sẽ giao hàng đúng tiến độ và đảm bảo giá cạnh tranh, thấp hơn so với thép nhập khẩu.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư lên đến 67 tỷ USD, trong đó chi phí tài sản cố định chiếm 35-50%, xây dựng và lắp ráp đường ray chiếm 12-15% và hạng mục nhà ga cùng đường vào ga chiếm 10-15%. Chứng khoán HSC cho rằng các hạng mục này yêu cầu một lượng lớn thép, không chỉ thép ray mà còn thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC), từ đó mở ra cơ hội lớn cho Hòa Phát đón đầu khối lượng công việc tại dự án trọng điểm này.

>> Hòa Phát (HPG) nhận chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc, chốt xây nhà máy tại miền Trung

Hòa Phát (HPG) nhận chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc, chốt xây nhà máy tại miền Trung

Giám đốc Tài chính Hòa Phát (HPG) tiết lộ 30% đầu ra của dự án Dung Quất 2

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoa-phat-hpg-nghien-cuu-san-xuat-nguyen-lieu-cho-nganh-xe-dien-mo-vang-moi-trong-25-nam-tiep-theo-261945.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hòa Phát (HPG) nghiên cứu sản xuất nguyên liệu cho ngành xe điện, 'mỏ vàng' mới trong 25 năm tiếp theo?
    POWERED BY ONECMS & INTECH