Câu chuyện đầu tư

Hòa Phát (HPG) phân bổ hơn 8,3 tỷ USD tài sản vào đâu?

Ánh Nguyệt 03/09/2024 19:00

Với quy mô tài sản hơn 8,3 tỷ USD, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đang tập trung nguồn lực để triển khai các dự án lớn, đồng thời đầu tư vào máy móc, thiết bị và nhà xưởng.

Dồn lực cho “quả đấm thép” tỷ USD

Tính đến thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) ghi nhận 206.609 tỷ đồng (khoảng 8,3 tỷ USD) tăng 10% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn chiếm quá nửa tổng tài sản, chủ yếu ghi nhận ở khoản mục chi phí xây dựng dở dang (hơn 45.000 tỷ đồng), dồn lực đầu tư cho nhà máy thép Dung Quất 2.

Nhìn lại quá trình đầu tư vào nhà máy thép, vào quý I/2017, Tập đoàn Hòa Phát đã khởi công dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát giai đoạn 1 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một trong những dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn mỗi năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và thép cuộn cán nóng (HRC) – sản phẩm dẹt quan trọng cho ngành công nghiệp.

Trong khoảng thời gian từ quý I/2017 đến quý I/2021, tài sản dài hạn của Hòa Phát liên tục tăng mạnh và vượt xa tài sản ngắn hạn. Đây là giai đoạn mà Hòa Phát tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào nhà máy thép Dung Quất 1. Dự án này được xem là chiến lược quan trọng, không chỉ giúp Hòa Phát khẳng định vị thế là nhà sản xuất thép hàng đầu tại Việt Nam mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á.

Từ năm 2018 đến 2020, phần lớn lợi nhuận của Hòa Phát được tái đầu tư vào các hoạt động xây dựng cơ bản tại Dung Quất, dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của tài sản dài hạn. Để duy trì sự phát triển này, Hòa Phát đã quyết định không trả cổ tức tiền mặt trong 3 năm liền, thay vào đó tập trung tối đa vào việc hoàn thiện dự án.

Sau khi giai đoạn 1 của nhà máy Dung Quất đi vào hoạt động, Hòa Phát không còn chi mạnh cho tài sản cố định mà thay vào đó là tích lũy tiền mặt và tiền gửi. Đến ngày 31/12/2021, Hòa Phát nắm giữ gần 22.500 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cùng 18.200 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, tăng lần lượt 64% và 24% so với đầu năm. Các khoản tiền gửi này đã mang lại cho Hòa Phát 340 tỷ đồng lãi suất, đủ để thanh toán khoảng 54% chi phí lãi vay của năm 2021, góp phần ổn định tài chính và hỗ trợ cho các chiến lược mở rộng sau này.

Hòa Phát (HPG) phân bổ 8,3 tỷ USD tài sản vào đâu?
Hòa Phát dồn lực đầu tư cho nhà máy thép Dung Quất

Tiếp nối thành công, vào quý II/2022, Tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long tiếp tục triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Dự án này có quy mô 280ha với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng và công suất thiết kế lên tới 5,6 triệu tấn thép HRC chất lượng cao mỗi năm.

Tuy nhiên, giai đoạn này cũng đánh dấu một trong những thời kỳ khó khăn nhất đối với ngành thép toàn cầu, khi các tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 gây ra nhiều biến động trong nhu cầu và giá nguyên liệu. Trong 2 quý cuối năm 2022, Hòa Phát phải đối mặt với thua lỗ nặng nề, buộc phải đóng cửa 5 lò cao luyện thép và giảm hàng tồn kho, điều này khiến tổng tài sản của tập đoàn sụt giảm đáng kể.

Bước qua giai đoạn khó khăn, Hòa Phát đã nhanh chóng phục hồi và ghi nhận mức lợi nhuận vượt 3.000 tỷ đồng trong quý II/2022. Đánh dấu bước trở lại mạnh mẽ, Hòa Phát tiếp tục dồn lực đầu tư vào dự án Dung Quất 2, đẩy tài sản dài hạn lên gần 50% so với tài sản ngắn hạn, củng cố vị thế của mình trong ngành công nghiệp thép đầy cạnh tranh.

Hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư máy móc, thiết bị và hàng tồn kho

Tại thời điểm cuối quý II/2024, tài sản cố định và hàng tồn kho là hai khoản mục tài sản lớn nhất của Hòa Phát với giá trị lần lượt đạt 70.074 tỷ đồng và 40.163 tỷ đồng. Trong khối tài sản cố định, máy móc, thiết bị cùng với nhà cửa, vật kiến trúc là hai nhóm chiếm giá trị lớn nhất, ghi nhận giá trị trên 1 tỷ USD. Điều này phản ánh quy mô và tính chất đầu tư của Hòa Phát vào các cơ sở hạ tầng sản xuất hiện đại, nhằm duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Hàng tồn kho của Hòa Phát chủ yếu nằm ở nguyên liệu và vật liệu với giá trị hơn 20.000 tỷ đồng. Quá trình sản xuất thép đòi hỏi một lượng lớn đầu vào như quặng sắt, than, đá vôi... Vì vậy, Hòa Phát thường duy trì lượng nguyên liệu tồn kho đủ dùng trong khoảng 2-3 tháng. Con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện thị trường và chiến lược dự trữ nguyên liệu của Tập đoàn nhằm đảm bảo sự ổn định trong sản xuất.

Ngoài ra, lượng thành phẩm tồn kho cũng ghi nhận giá trị hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Điều này có thể cho thấy sự gia tăng trong sản xuất và chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường trước sự phục hồi của ngành bất động sản.

>> Nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

Khối ngoại mua ròng trở lại, ngược chiều xả 20 phiên liếp cổ phiếu Hòa Phát (HPG)

BSC Research: 2 ETF dự kiến mua số lượng 'khủng' cổ phiếu VND, VIC, NAB và bán ra HPG, HNG, VIX, VRE

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoa-phat-hpg-phan-bo-83-ty-usd-tai-san-vao-dau-247488.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Hòa Phát (HPG) phân bổ hơn 8,3 tỷ USD tài sản vào đâu?
POWERED BY ONECMS & INTECH