Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tình hình giao thương qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh... đang dần trở lại bình thường.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, hiện nay, việc thông quan tại các cửa khẩu biên giới như Chi Ma, Tân Thanh đã duy trì nhịp độ hơn 100 xe/ngày.
Hiện số lượng xe đang chờ xuất khẩu ở Lạng Sơn vào khoảng hơn 600 xe; Cao Bằng hiện còn vài xe chờ nhập khẩu; Cửa khẩu Bắc luân 2 tại Quảng Ninh bắt đầu hoạt động trở lại. Ông Chinh cho biết, về cơ bản, xuất khẩu nông sản qua biên giới phía Bắc hiện không có ùn tắc. Tất cả các tuyến biên giới đang có khoảng trên 1,2 nghìn xe chờ thông quan.
Cụ thể, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tại Lạng Sơn, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tính tại thời điểm 08h00 sáng ngày 20/5/2022 là 862 xe, giảm 89 xe so với thời điểm ngày 19/5/2022.
Kết quả thông quan ngày 19/5/2022 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị: Xuất khẩu: 71 xe; Nhập khẩu: 87 xe.
Tổng số phương tiện chờ xuất khẩu tính tại thời điểm 08h00 ngày 20/5/2022 là 276 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là hoa quả với 182 xe.
Cùng thời điểm này, tại cửa khẩu Chi Ma không còn tồn xe xuất khẩu, số xe chờ nhập khẩu là 41 xe.
Ở cửa khẩu phụ Tân Thanh, tổng số phương tiện chờ xuất khẩu tính tại thời điểm 08h00 ngày 20/5/2022 là 586 xe. Các mặt hàng tồn chủ yếu là hoa quả (196 xe), nông sản (ớt, sắn lát, hạt sen, lá tre, xương lá cọ, cây thạch đen…) và một số ít mặt hàng khác.
Riêng tại cửa khẩu Ga Đồng Đăng, lượng toa xe chờ xuất khẩu cùng thời điểm này là 47 toa; nhập khẩu: 52 toa, gồm các mặt hàng chủ yếu như ớt khô, ván bóc, đồ nội thất, quặng, nguyên liệu công nghiệp, hàng quá cảnh, sản phẩm gia công.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, lượng xe hiện đang chờ xuất khẩu tại cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh tính tại thời điểm 08h00 ngày 20/5/2022 là 287 xe. Trên địa bàn TP. Móng Cái giảm 11 xe so với thời điểm ngày 19/5/2022.
Đáng chú ý, từ ngày 26/4, hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II được thông quan trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo “Vùng xanh an toàn”, “luồng xanh an toàn” tại các cửa khẩu, lối mở được phía Đông Hưng (Trung Quốc) và Móng Cái (Việt Nam) thiết lập trước đó.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, kể từ khi thông quan trở lại đến hết ngày 16/5/2022, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu cầu Bắc Luân II đạt 11.266 tấn.
Việc thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II sẽ dần được mở lại theo 4 giai đoạn, gồm: Xử lý hàng hóa mắc kẹt trong khu vực giám sát; trả lại xe không hàng đang lưu bãi của Trung Quốc và Việt Nam; thông quan trở lại đối với hàng hóa không thuộc hàng chuỗi lạnh; hoạt động thông quan bình thường.
Đối với Lào Cai, tính tại thời điểm 08h00 ngày 20/5/2022 không có xe chờ xuất khẩu. Còn tại Cao Bằng, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tính tại thời điểm 08h00 ngày 20/5/2022 là 126 xe, không thay đổi so thời điểm ngày 19/5/2022.
Riêng tại Hà Giang, sau khi thông quan thử nghiệm từ ngày mùng 08-11/5/2022, phía Trung Quốc đã dừng tiếp nhận hàng hoá từ ngày 12/5/2022 do phía Trung Quốc cho rằng công tác phòng chống dịch phía Việt Nam thực hiện chưa nghiêm. Ngày 16/5/2022, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Giang đã có văn bản số 229/BQLKKT-QLDN gửi Hội thương mại xuất nhập khẩu tỉnh Hà Giang đôn đốc thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ.
Như vậy, so với việc tồn vài nghìn xe tại các cửa khẩu thời điểm đầu năm, đến thời điểm này, tình hình ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã được khắc phục, hoạt động giao thương hàng hoá cơ bản trở lại bình thường.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn nhiều yếu tố khó lường, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc "an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn", Bộ Công Thương tiếp tục khuyến nghị các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu.