Đây là sự kiện lớn nhất khu vực trong ngành thép.
Ngày 13/5, tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 đã diễn ra, thu hút sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu trong ngành thép khu vực châu Á. Sự kiện có chủ đề “Tồn tại và Phát triển trong Kỷ nguyên Khử Carbon”, tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại và hội thảo chuyên đề giới thiệu những công nghệ sản xuất thép tiên tiến nhất, cùng những dự báo về nhu cầu sử dụng thép trong tương lai.
Trong khuôn khổ hội nghị, các hãng thép hàng đầu từ Đông Nam Á và các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc đã trưng bày các sản phẩm và công nghệ mới.
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành Thép khu vực châu Á hội tụ tại Đà Nẵng trong Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024. Ảnh: Anh Đào |
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhấn mạnh rằng hội thảo này là một bước quan trọng để các nước trong khu vực hợp tác và hành động trước thách thức biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách để giảm phát thải khí CO2. “Đây là cơ hội để chúng ta chia sẻ về công nghệ, cải tiến và thảo luận hướng tới phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn”, ông Đa phát biểu.
Theo Tiến sĩ Edwin Basson, Tổng Giám đốc Hiệp hội Thép thế giới: Sản xuất thép toàn cầu đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1950. Ngành thép chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi 4 xu hướng lớn bùng nổ đặc biệt sau đại dịch Covid-19, mang đến những thay đổi to lớn: tiến bộ công nghệ, biến đổi kinh tế-xã hội, địa chính trị và đặc biệt là biến đổi khí hậu; để thích ứng, cần thiết trải qua các giai đoạn cải cách và dự kiến đến năm 2050 sẽ đạt được nền kinh tế tuần hoàn dựa trên ngành thép xanh.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho biết Việt Nam đã đạt sản lượng 20 triệu tấn thép thô trong năm 2023, đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô. Ngành công nghiệp thép Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương.
>> Thị trường thép nhiều tín hiệu khởi sắc
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường trao tặng quà lưu niệm cho đại diện các nước |
Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý rằng ngành thép vẫn là một trong những ngành phát thải khí nhà kính lớn và có tác động đáng kể đến môi trường. Theo tính toán của chuyên gia, ngành thép chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia và khoảng 46% các quá trình công nghiệp.
“Phát triển ngành công nghiệp thép Đông Nam Á, đặc biệt là ngành thép Việt Nam, hướng tới Chiến lược tăng trưởng xanh là rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ mà Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu - COP26,” ông Cường nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố đang không ngừng nỗ lực để giảm phát thải carbon và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Các biện pháp quyết liệt này nhằm bảo vệ môi trường và đóng góp vào mục tiêu chung của cả nước trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 diễn tra trong 3 ngày từ từ 13-15/5, không chỉ là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm mà còn là cơ hội để ngành thép khu vực cùng nhau hành động hướng tới phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
>> Thái Lan muốn áp dụng các biện pháp chống bán phá giá mới với thép Trung Quốc
Hòa Phát (Bình Định) thông báo tăng giá thép
Một đại gia Ấn Độ đang 'nhắm tới' dự án mà 'vua thép' Trần Đình Long muốn rót tiền tại Phú Yên