Hơn 480.000 xe hết tiền trong tài khoản ETC làm chậm tốc độ qua trạm thu phí
Vẫn còn hơn 480 nghìn lượt phương tiện hết tiền trong tài khoản thu phí ETC lưu thông trên 5 tuyến cao tốc dẫn đến giảm tốc độ lưu thông của phương tiện và mất an toàn giao thông khi qua trạm thu phí.
Đây là thông tin vừa được Tổng Công ty Đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết vào chiều nay (9/10).
Theo đó, 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý, vận hành khai thác gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có lượng phương tiện lưu thông tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định. Trong 9 tháng năm 2024, 5 tuyến phục vụ an toàn 50,5 triệu lượt phương tiện, tăng 11,3 % so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tiếp tục có lưu lượng phương tiện thông qua cao nhất, đạt 17,6 triệu lượt, thứ hai là tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình với 16,9 triệu lượt xe, thứ ba là tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai với 13,9 triệu lượt xe. Dù đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 4 tuyến là 14,6%, song lưu lượng xe của tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn xếp vị trí cuối cùng khi chỉ đạt 2,1 triệu lượt.
Qua thống kê, các tuyến cao tốc của VEC trong 9 tháng năm 2024 không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và ùn tắc kéo dài. Số vụ va chạm và số người bị thương giảm sâu (giảm 59 vụ và giảm 12 người), tuy nhiên, lại số vụ tai nạn giao thông và người chết (tăng 31 vụ và tăng 1 người), không có thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.
Ngoại trừ tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra trên các tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vào các dịp lễ, Tết do lưu lượng phương tiện tăng cao, sự cố và va chạm giao thông.
Đáng lưu ý, đại diện VEC cũng nhấn mạnh dù đã được khuyến cáo, song 9 tháng năm 2024, tình trạng phương tiện hết tiền trong tài khoản thu phí ETC lưu thông trên các tuyến cao tốc của VEC còn tiếp diễn với hơn 480 nghìn lượt xe, dẫn đến giảm tốc độ lưu thông của phương tiện và mất an toàn giao thông khi qua trạm thu phí.
Ngoài ra, Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2022 đã quy định rõ mức phạt từ 1-2 triệu đối với hành vi đi vào làn ETC khi không đủ điều kiện.
Cụ thể, tại khoản 3, điều 2 Nghị định 123 quy định: "Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí".
Ngoài ra, tài xế khi đi sai vào làn đường ETC tại các trạm thu phí còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Như vậy, không chỉ với hành vi đi vào làn ETC khi chưa được dán thẻ mới bị phạt mà trường hợp nếu phương tiện đã có thẻ và tài khoản thanh toán nhưng số tiền trong tài khoản không đủ để qua trạm thu phí cũng bị phạt với mức 1-2 triệu đồng.
Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, chủ phương tiện và lái xe nên thường xuyên kiểm tra, duy trì số tiền tối thiểu trong tài khoản ETC lớn hơn số tiền phải trả tại trạm thu phí trước chuyến đi.
Trong trường hợp vì lý do nào đó không nạp đủ tiền trong tài khoản thì lái xe nên chủ động đi vào làn thu phí thường để đỡ mất thời gian của các phương tiện khác trên làn ETC, đồng thời tránh bị phạt nặng.