Doanh nghiệp

Hơn 6,2 tỷ USD vốn FDI 'chảy' về Quảng Nam: Ưu tiên chất hơn lượng

Thảo Đan 17/06/2024 - 09:22

Trong những tháng đầu năm 2024, Quảng Nam đón 16 dự án FDI, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn.

Theo báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam, trong 5 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp mới 14 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký hơn 4.200 tỷ đồng, thu hồi 4 dự án. Đồng thời, cấp mới 7 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 124,2 triệu USD, thu hồi 1 dự án.

Thu hút FDI vào tỉnh đã có nhiều khởi sắc, tăng gấp đôi số dự án và số vốn thu hút trong cả năm 2023. Kết thúc năm 2023, tỉnh Quảng Nam chỉ cấp mới 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 58,58 triệu USD. Bên cạnh đó, tỉnh đã điều chỉnh 31 dự án (trong đó có 7 dự án tăng vốn), chấm dứt hoạt động đối với 5 dự án; thông báo chấp thuận cho 7 lượt góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 1.148 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 230.000 tỷ đồng và 199 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 6,2 tỷ USD.

Trong những tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hỏa thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư của 16 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án FDI có quy mô vốn lớn.

Cụ thể, dự án nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng do Công ty Karcher Beteiligungs - GMBH (Cộng hoà liên bang Đức) làm chủ đầu tư; nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng, tổng vốn đầu tư hơn 820 tỷ đồng do Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật Ức Thịnh (Trung Quốc) làm chủ đầu tư; dự án nam châm từ tính, với tổng vốn đầu tư 1.920 tỷ đồng do Công ty Star Group Industrial Co.,Ltd (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư; dự án sản xuất thiết bị âm thanh, với tổng vốn đầu tư 960 tỷ đồng do Công ty Guoguang Electric Co.,Ltd (Trung Quốc) làm chủ đầu tư…

Quảng Nam: xây dựng thị xã Điện Bàn trở thành thành phố trước năm 2030
Khu kinh tế Nhơn Hội

Ông Hồ Quang Bửu, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài thiên về "chất" hơn về "lượng". Đặc biệt, các dự án đầu tư phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, tạo nguồn thu địa phương với trình độ công nghệ của dự án, sử dụng nguồn lực nội địa; không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Để thu hút vốn FDI, tỉnh sẽ thường xuyên trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin với tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế như: Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, KOTRA, KORCHAM, JETRO, JICA, EUROCHAM, AMCHAM, các Tham tán đầu tư, thương mại tại các nước, các công ty tư vấn, môi giới về đầu tư... để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp cận, giới thiệu các cơ hội hợp tác đầu tư trực tiếp đối với các đối tác từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng, là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA...) như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

>> Tỉnh miền Bắc sắp lên TP trực thuộc Trung ương, chuẩn bị 'hành trang' hút 1,5 tỷ USD vốn FDI

Khu công nghiệp là trung tâm dệt may của Quảng Ninh, sẽ hút thêm 500 triệu USD vốn FDI

Các dự án FDI chảy về vùng Đông Nam Bộ: Tuy nhỏ nhưng 'có võ'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hon-62-ty-usd-von-fdi-chay-ve-quang-nam-uu-tien-chat-hon-luong-238880.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hơn 6,2 tỷ USD vốn FDI 'chảy' về Quảng Nam: Ưu tiên chất hơn lượng
POWERED BY ONECMS & INTECH