Vĩ mô

Hơn 9.000 nhân viên y tế nghỉ việc, cần chính sách giữ chân

Thu Hằng - Trần Thường - Quang Phong 11/11/2024 - 16:37

Bộ trưởng Y tế cho biết, thời gian qua có hơn 9.000 nhân viên y tế nghỉ việc. Hiện đội ngũ nhân viên y tế công lập chiếm 95%, là lực lượng rất quan trọng, nếu không có chính sách tốt để giữ chân họ thì sẽ rất khó khăn.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế chiều 11/11, nhiều đại biểu quan tâm đến câu chuyện bác sĩ nghỉ việc khu vực công chuyển sang bệnh viện tư cũng như việc quản lý giấy phép hành nghề khám chữa bệnh trong ngành y.

Sẵn sàng trả kinh phí đào tạo để chuyển sang bệnh viện tư

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) nêu thực tế tình trạng sau khi được đào tạo theo địa chỉ, các bác sĩ không công tác theo sự phân công của cơ quan có thẩm quyền hoặc làm việc không đảm bảo thời gian theo cam kết và sẵn sàng bồi hoàn kinh phí đào tạo để chuyển sang các bệnh viện tư.

Điều này làm ảnh hưởng đến cơ hội của người khác cũng như ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến việc bố trí nhân sự của các cơ sở y tế công lập.

Bà Nhi cho biết, qua khảo sát, lãnh đạo một số bệnh viện địa phương đề nghị cần xem xét quy định hành vi này là vi phạm đạo đức nghề nghiệp thuộc trường hợp phải thu hồi giấy phép hành nghề theo quy định tại Điều 35 của Luật Khám bệnh chữa bệnh để hạn chế tình trạng trên.

“Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới?”, nữ đại biểu đặt vấn đề.

nguyenthiyennhi.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre)

Trả lời, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, giai đoạn năm 2022, vấn đề nhân viên ngành y nghỉ việc rất là bức xúc. Khi đó thống kê có hơn 9.000 nhân viên y tế nghỉ việc.

Để giữ chân đội ngũ nhân viên y tế sau dịch Covid-19, nhiều chính sách, giải pháp được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các địa phương đã triển khai thực hiện.

Ví dụ như hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đang tập trung sửa Nghị định 56/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; sửa đổi Quyết định 73/2011 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch; sửa Quyết định 75/2009 liên quan chế độ với nhân viên y tế thôn bản.

Bên cạnh đó nhiều địa phương đánh giá tình hình, sử dụng nhân viên y tế với nhiều chính sách thông qua HĐND để thu hút giữ chân nhân viên đội ngũ y tế công lập.

"Hiện nay đội ngũ nhân viên y tế công lập chiếm 95% trong tổng số cán bộ nhân viên y tế phục vụ cho người dân. Đây là lực lượng rất quan trọng. Nếu không có chính sách tốt để giữ chân đội ngũ này sẽ khó khăn trong quá trình đảm bảo đời sống của anh em và cũng không đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của các cơ sở y tế khi mà cử họ đi học", Bộ trưởng Y tế nói.

Bà Đào Hồng Lan mong muốn các địa phương quan tâm thực hiện các giải pháp liên quan đến nội dung này.

Ở vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ trưởng Đào Hồng Lan trả lời nội dung này bằng văn bản vì “câu hỏi của đại biểu Yến Nhi không thuộc lĩnh vực trả lời chất vấn”.

430.000 người hành nghề khám chữa bệnh đưa vào hệ thống quản lý

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua, cử tri ngành y tế rất bức xúc về tình trạng cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Người hành nghề có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề tại bất kỳ địa phương nào dẫn đến "một người có nhiều giấy phép hành nghề" và có thể phụ trách chuyên môn kỹ thuật nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành khác nhau.

“Đề nghị Bộ trưởng có giải pháp quản lý để đảm bảo mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề và đứng tên một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật?”, đại biểu Thúy chất vấn.

daohonglan.jpg
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: QH

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Y tế cho hay, hiện nay theo quy định Luật Khám bệnh chữa bệnh và Nghị định 96/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám chữa bệnh 2023 và sửa đổi một số nội dung của Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế có quy định "1 người chỉ có 1 giấy phép hành nghề".

"Ngành y đang tiến tới quản lý trên toàn quốc việc sử dụng giấy phép của người hành nghề", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Bà cho biết, trước năm 2023, ngành y tế đã có phần mềm quản lý người hành nghề khám chữa bệnh trên toàn quốc. Đến thời điểm đó có hơn 430.000 người đưa vào quản lý trên tổng số hơn 600.000 hành nghề trên toàn quốc. Tuy nhiên, hệ thống này được xây dựng từ 2015 đến nay, khi xây dựng trên cơ sở hệ thống đóng.

Vì vậy, để quản lý, cập nhật, sử dụng, Bộ đang điều chỉnh nội dung, nâng cấp phần mềm này trên cơ sở kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến của các địa phương, quốc gia và sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong thời gian tới Bộ triển khai các giải pháp để có hệ thống thống nhất trên toàn quốc.

Với hệ thống toàn quốc, ngành y tế, lãnh đạo các cấp, y tế các địa phương có thể tham khảo, nắm được thông tin người hành nghề và quản lý theo đúng quy định.

>> Bộ trưởng Y tế muốn có nghị quyết cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Top 6 cây thuốc quý được Bộ Y tế khuyến cáo cần kiểm soát

Thứ trưởng Bộ Y tế kiến nghị bệnh viện được dùng quyền sử dụng đất để liên doanh liên kết

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hon-9-000-nhan-vien-y-te-nghi-viec-can-chinh-sach-giu-chan-2340928.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hơn 9.000 nhân viên y tế nghỉ việc, cần chính sách giữ chân
    POWERED BY ONECMS & INTECH