Hòn đảo chỉ rộng bằng một bảo tàng của Việt Nam nhưng người dân cứ 6 tháng lại đổi quốc tịch, là vùng lãnh thổ chung của 2 quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt
Đây là nơi duy nhất trên thế giới người dân đổi quốc tịch định kỳ 6 tháng, thu hút nhiều người muốn trải nghiệm nhưng không dễ để đặt chân đến.
Nằm cách dòng sông Bidasoa khoảng 6km, gần biên giới Pháp - Tây Ban Nha và giáp Đại Tây Dương, hòn đảo nhỏ Pheasant mang trong mình những dấu ấn lịch sử độc đáo. Trước khi chiến tranh nổ ra và các hiệp ước được ký kết, Pheasant không thuộc quyền quản lý của bất kỳ quốc gia nào. Được xem như vùng đất trung lập, hòn đảo trở thành nơi tổ chức các cuộc gặp gỡ quan trọng giữa vua Pháp và Tây Ban Nha, đồng thời là địa điểm trao đổi tù binh giữa hai nước.
Hòn đảo Pheasant có diện tích khiêm tốn, chỉ khoảng 6.820m2, và luôn được bảo vệ nghiêm ngặt suốt ngày đêm. Tuy nhiên, trong gần nửa thế kỷ qua, diện tích của đảo đã bị thu hẹp đáng kể do tình trạng xâm thực từ dòng sông. Từ con số ban đầu 6.820m2, đảo hiện chỉ còn khoảng 3.000m2, gần như giảm đi một nửa. Diện tích hiện tại của hòn đảo này chỉ rộng ngang Bảo tàng Văn học Việt Nam (hơn 3.000m2).
Theo dòng chảy của lịch sử, Pheasant đã chứng kiến những sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt. Một trong số đó là cuộc gặp gỡ lịch sử giữa vua Louis XIII của Pháp và công chúa Ana xứ Áo, người hôn thê đến từ Tây Ban Nha. Không lâu sau, vua Philip IV của Tây Ban Nha cũng gặp gỡ vị hôn thê người Pháp của mình trên chính hòn đảo này.
Theo thỏa thuận được ký kết, Pheasant được chia làm hai phần: một nửa thuộc Pháp và nửa còn lại thuộc Tây Ban Nha. Đường biên giới mới được thiết lập, kéo dài dọc theo dãy núi Pyrenees, băng qua sông Bidasoa và kết thúc tại vịnh Biscay trên Đại Tây Dương. Nhờ đó, hòn đảo trở thành vùng lãnh thổ chung, được phân chia rõ ràng giữa hai quốc gia.
Điểm đặc biệt của Pheasant không nằm ở sự phân chia địa lý mà ở cách quản lý độc đáo của hai nước. Thay vì kiểm soát một nửa cố định, cả Pháp và Tây Ban Nha luân phiên cai trị toàn bộ hòn đảo. Quyền quản lý được chuyển đổi cứ mỗi 6 tháng: từ ngày 1/2 đến 31/7, hòn đảo thuộc về Tây Ban Nha, trong khi nửa năm còn lại, từ ngày 1/8 đến 31/1, nó được chuyển giao cho Pháp.
Cơ chế này mang đến một hiện tượng thú vị: cư dân trên đảo thay đổi quốc tịch hai lần mỗi năm. Trong 6 tháng đầu, họ là công dân Tây Ban Nha; 6 tháng sau, họ trở thành công dân Pháp. Chính sự sắp xếp độc nhất vô nhị này đã giúp Pheasant trở thành một trong những vùng lãnh thổ chung lâu đời và đặc biệt nhất trên thế giới.
Dù câu chuyện đổi quốc tịch của cư dân đảo khiến nhiều du khách tò mò, nhưng Pheasant không phải điểm đến mở cửa cho công chúng. Chỉ vào những dịp đặc biệt như lễ bàn giao quyền sở hữu hai năm một lần hoặc các chuyến tham quan liên quan đến di sản, du khách mới có cơ hội đặt chân lên đảo.
Việc giám sát và bảo vệ hòn đảo được đảm nhiệm bởi Hải quân của cả Tây Ban Nha và Pháp. Hai lực lượng này luân phiên trực đảo, với thời gian thay ca mỗi 5 ngày một lần.
Tổng hợp