Hòn đảo huyền tích cách Hà Nội 70km, là 'viên ngọc quý' nuôi dưỡng trên 26.000 cá thể cò và chim quý, khung cảnh chiều chiều lãng mạn tựa trời Âu
Nơi đây nổi lên như viên ngọc quý của du lịch sinh thái ở miền Bắc với không gian non xanh nước biếc, thiên nhiên thanh bình.
Đảo Cò thuộc thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Khu du lịch sinh thái đảo Cò cách Hà Nội khoảng 70km, cách TP Hải Dương 30km về phía nam.
Người dân trong vùng vẫn truyền tai nhau câu chuyện về sự hình thành kì lạ của đảo Cò. Trận đại hồng thủy đầu thế kỉ XVIII đã làm vỡ đê sông Luộc, nước tràn vào ngập trắng cả một vùng. Xung quanh gò đất nhô cao giữa cánh đồng trũng An Dương bỗng nổi lên những xoáy nước khổng lồ. Sau 3 trận lũ kinh hoàng ấy, ngôi đền linh thiêng trên đỉnh gò biến mất. Nước không bao giờ rút nữa tạo thành một hồ lớn, nay gọi là hồ An Dương. Nơi trước kia là ngôi đền nay hình thành đảo nhỏ có diện tích hơn 4.000m2, ngày ngày có hàng nghìn con cò, con vạc bay về trú ngụ làm tổ sinh sống và cái tên "đảo Cò" cũng được xuất hiện từ đó.
Đảo Cò có 2 đảo gồm đảo chính có tên khoa học là đảo 3A nằm ở phía tây hồ có diện tích trên 4.500m2 và đảo phía đông hay còn gọi là đảo 3B, có diện tích trên 7.100m2. Hiện nay, đảo Cò là nơi cư ngụ của trên 18.000 con cò và trên 8.000 con vạc. Trong đó cò có 9 loài gồm cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ruồi, cò hương, cò nghênh, cò ngang, cò nhạn, cò diệc và 3 loài vạc gồm vạc xám, vạc lưng xanh và vạc sao… có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar.
Ngoài ra, đảo Cò còn là nơi cư ngụ của nhiều loài khác như mòng két, le le, vịt trời, đặc biệt nơi đây còn có cò nhạn, bồ nông và cốc đen là 3 loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam. Do số lượng cò, vạc và các loài chim kéo về sinh sôi ngày càng đông đúc nên hiện nay đã bồi đắp thêm một hòn đảo thứ 3 với diện tích khoảng 5.500m2.
Ngoài các loài chim, cò trong lòng hồ An Dương còn có rất nhiều loại cây thuỷ sinh, các loại cá, tôm, một số loài sinh vật quý có tên trong sách đỏ Việt Nam như: cá chuối hoa, tổ đỉa, ba ba, rái cá, cá măng kìm... Sự đa dạng về động, thực vật nơi đây đã tạo ra một hệ sinh thái rất hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách tới tham quan.
Chiều hoàng hôn hoặc vào buổi sớm mai du khách có thể ngồi thuyền du ngoạn, dạo chơi trên hồ ngắm cảnh, ấn tượng nhất là cảm giác choáng ngợp trước một cảnh tượng thiên nhiên hy hữu, đó là lúc “giao ca” giữa cò và vạc trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Hàng vạn chú cò, vạc đậu san sát trên các ngọn tre, cành cây, trông xa như những cành hoa điểm đầy bông trắng, những cánh cò chao nghiêng cùng những tiếng chíu chít gọi bầy về tổ, cảm nhận không khí trong lành với nét đẹp của bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam.
Năm 2018, UBND tỉnh Hải Dương đã đầu tư 45,5 tỷ đồng để phát triển và bảo tồn đảo Cò, trong đó 23 tỷ do Trung ương cấp, dành cho phát triển hạ tầng du lịch. Sau gần 1 năm triển khai tôn tạo, chỉnh trang, đảo Cò đã được mở rộng hơn, có thêm không gian sống cho các loài cò, vạc, tạo thuận lợi cho sự di chuyển của du khách đến tham quan.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh và nhất là sự đa dạng sinh học, ngày 8/7/2014, khu sinh thái đảo Cò Chi Lăng Nam chính thức được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
>> Hòn đảo chỉ rộng 3km2 nhưng nổi tiếng 'giàu có' ở miền Trung, gần như nhà nào cũng có tôm hùm