Hợp nhất hai công ty đường sắt chủ lực Hà Nội và Sài Gòn, cơ hội nào cho chứng sĩ?
Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ hợp nhất CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) và CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn (SRT) thành một.
Thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, uỷ ban vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đến năm 2025.
Hợp nhất đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn
Theo tờ trình, giai đoạn đến 2025, VNR hợp nhất CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) và CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn (SRT) thành một, nhằm tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc VNR, trong đó:
- VNR giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của CTCP Xe lửa Dĩ An là 86,85% và CTCP Xe lửa Gia Lâm là 77,37%
- Giữ nguyên mô hình tổ chức và duy trì tỷ lệ phần vốn góp của VNR nắm giữ mức cổ phần chi phối trên 51% vốn điều lệ đối với 15 CTCP đường sắt và 5 CTCP thông tin tín hiệu đường sắt
- Giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của CTCP Đá Đồng Mỏ là 51%, CTCP Đá Mỹ Trang là 44,44% và CTCP Vận tải Thương mại Đường sắt là 18,45%.
VNR cũng sẽ giữ nguyên mô hình tổ chức của 12 chi nhánh khai thác đường sắt như hiện nay và thành lập mới Trung tâm Khoa học công nghệ và dịch vụ.
Đối với phương án sáp nhập hai CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, VNR dự kiến tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của CTCP vận tải đường sắt sau hợp nhất sẽ lớn hơn 80%.
Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị, kết thúc năm 2025, sau khi công ty vận tải đường sắt hợp nhất đi vào hoạt động, VNR giảm tỷ lệ vốn chi phối tại công ty này, nhằm tách bạch hoạt động điều hành giao thông và vận tải, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới tham gia thị trường vận tải đường sắt.
Theo dự thảo đề án cơ cấu lại VNR đến năm 2025, sau 2025, mô hình VNR sau khi sắp xếp lại gồm công ty mẹ – VNR là Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Các đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt; văn phòng và các ban của VNR; các chi nhánh khai thác đường sắt: Hà Nội, Lào Cai, Hà Lào, Hà Lạng, Hà Thái Hải, Hà Thanh, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Sài Gòn và chi nhánh ga Đồng Đăng; các chi nhánh đầu máy Hà Nội, Vinh, Sài Gòn; Trung tâm Khoa học công nghệ và dịch vụ.
Các công ty con gồm 15 CTCP đường sắt Hà Hải, Hà Thái, Hà Lạng, Yên Lào, Vĩnh Phú, Hà Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Bình Trị Thiên, Quảng Nam – Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Sài Gòn; 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội, Bắc Giang, Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn.
Cơ hội nào cho chứng sĩ?
Câu chuyện hợp nhất hai công ty đường sắt chủ lực Hà Nội và Sài Gòn đã từng được nhắc tới trước đó. Cặp đôi cổ phiếu HRT và SRT của Đường Sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gon giao dịch trên sàn chứng khoán với thanh khoản ổn định nhưng không lớn.
Năm 2021 khi câu chuyện hợp nhất từng được nhắc đến, cặp đôi cổ phiếu này đã có những biến động cùng chiều. Với biến động tăng mạnh cùng thời gian và gần như cùng biên độ. Bên cạnh đó, số lượng cổ phiếu HRT và SRT không nhiều, nên đã tạo nên những "cơn sóng" cổ phiếu đường sắt lúc đó.
Hiện tại khi đề án sáp nhập đang được nhắc tới, liệu một "cơn sóng" cổ phiếu đường sắt có lại xuất hiện, chứng sĩ có nhìn đến cơ hội này như 2 năm trước?