Thị trường mở cửa phiên giao dịch sáng 11/1/2022 hồi phục nhẹ. Tuy nhiên, áp lực bán tiếp tục dâng cao một lần nữa đẩy hàng loạt cổ phiếu lớn giảm giá.
Bên bán đang chiếm ưu thế trong rổ VN30, với 21/30 mã đang giao dịch trong sắc đỏ. Cổ phiếu HDB, VRE và POW đang điều chỉnh mạnh nhất trong rổ VN30, mức giảm hiện tại đang quanh mức 1-2%. Theo sau là BID, VIC và PDR.
Ở chiều tăng giá, STB, GAS và HPG vẫn giữ cho mình được sắc xanh tích cực.
Cổ phiếu có tác động tích cực nhất tới thị trường đang là BCM, VCB và HPG khi cùng nhau kéo VN-Index tăng gần 2 điểm.
Nhóm chứng khoán đang có nhiều sự phân hóa. Trong khi SSI, VND và VCI đang tăng nhẹ khoảng 0,5% thì nhiều mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn như TVS, BSI, CTS lại đang giao dịch dưới mức giá tham chiếu.
Cổ phiếu bất động sản - xây dựng tăng nóng thời gian qua lập tức lấy lại sắc xanh sau cú giảm sàn từ trần cuối phiên hôm qua. Tuy nhiên; FLC và ROS là hai ngoại lệ khi giảm sàn ngay đầu phiên.
Lúc 9h31, VIC giảm 1,2%, VIB giảm 2%, HDB giảm 1,5%, PDR giảm 1,2%, SAB giảm 0,9%...
Nhóm cổ phiếu cùng "họ" gồm FLC, ROS, AMD, HAI và KLF đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, ART giảm 6,5%, FIT giảm 2,8%, GAB giảm 0,2%.
Giao dịch ở nhóm bất động sản tiếp tục đi theo chiều hướng tiêu cực trong đó HAR giảm 5,7%, NBB giảm 5,5%, IDC giảm 4,9%, OGC giảm 4,8%, DRH giảm 4,2%...
Tại thời điểm này, VN-Index giảm 9,67 điểm (-0,64%) xuống 1.494,04 điểm; tổng khối lượng giao dịch đạt 154,4 triệu cổ phiếu, trị giá 4.300 tỷ đồng. HNX-Index giảm 2,65 điểm (-0,55%) xuống 480,24 điểm. UpCOM-Index tăng nhẹ 0,12 điểm (0,1%) lên 114,42 điểm.
Ở chiều phiên ngày 10/1, xuất hiện sự cố mất ổn định tạm thời của hệ thống Gateway - hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán.
Trong công văn Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), Bộ trưởng Tài chính yêu cầu khẩn trương báo cáo lãnh đạo Bộ tình hình, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên.
Bộ yêu cầu HOSE làm việc với các công ty công nghệ thông tin để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phương án dự phòng nhằm khắc phục triệt để tình trạng trên, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định trong phiên giao dịch kế tiếp.
Ngay sau đó, HOSE đã phát đi thông báo chính thức về hiện tượng mất ổn định tạm thời của hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán phiên giao dịch chiều ngày 10/1.
Thông báo của HOSE cho biết, vào lúc 14h4, hệ thống Gateway (UDP) của HOSE trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán thành viên có hiện tượng mất ổn định. Đây là một trong hai kênh kết nối để Sở chuyển thông tin thị trường về cho công ty chứng khoán.
Sau 14h4, các công ty chứng khoán vẫn nhận thông tin thị trường từ Sở thông qua kênh dữ liệu song song (PRS) bình thường.
Tại thời điểm 9h45' phiên 11/1, sàn HOSE tiếp tục gặp sự cố khi bảng điện tử của nhiều công ty chứng khoán thành viên lại rơi vào tình trạng "đơ".
Trước đó, thị trường chứng khoán biến động mạnh trong phiên 10/1, các chỉ số tăng mạnh trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch trong đó rất nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục giao dịch bùng nổ. Tuy nhiên, biến động mạnh xảy ra trong khoảng thời gian cuối phiên khi lực bán tăng vọt khiến nhiều mã bất động sản giảm từ mức giá trần xuống giá sàn. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư và khiến lực bán lan rộng đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác.
Thanh khoản thị trường ở mức rất cao, tổng giá trị khớp lệnh đạt 47.345 tỷ đồng - tăng 33% so với phiên trước trong đó giá trị khớp lệnh riêng trên HOSE tăng 35% lên mức 39.475 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 470 tỷ đồng ở sàn HOSE.
Chứng khoán Asean (AseanSC) dự báo, trong phiên giao dịch 11/1, VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.490 – 1.500 điểm.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định 1.490 - 1.500 điểm vẫn đang là vùng có nhiều tác dụng hỗ trợ cho VN-Index, nhịp giảm của chỉ số sẽ chậm lại tại vùng này và hồi phục trở lại để kiểm tra cung cầu.
Một cổ phiếu ngân hàng được dự báo tăng gần 50% sau loạt động thái mới của NHNN
Nhập cuộc đường đua cổ tức hàng nghìn tỷ đồng, cổ phiếu ngân hàng vững đà dẫn sóng thị trường