Hướng dẫn mới nhất về thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến cơ sở khám chữa bệnh phải xuất trình căn cước công dân hoặc thẻ có ảnh. Trường hợp chuyển tuyến phải có giấy chuyển theo mẫu mới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký quyết định công bố 4 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính y tế và bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc phạm vi chức năng quản lý của cơ quan này được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
Theo đó, 2 thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính y tế được sửa đổi, bổ sung liên quan đến thủ tục khám chữa bệnh BHYT, giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến và ký hợp đồng khám chữa bệnh.
Về thủ tục khám chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế sửa đổi mẫu số 5 Giấy hẹn khám lại và mẫu số 6 Giấy chuyển tuyến.
Cụ thể, đối với người tham gia BHYT:
- Người tham gia BHYT khi đến cơ sở khám chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân (theo quy định cũ trong Nghị định 146/2018 là chỉ có "thẻ BHYT có ảnh").
Trường hợp xuất trình thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022 của Chính phủ; đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT.
Như vậy, so với quy định cũ, trong hướng dẫn mới này bổ sung phần "giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022 của Chính phủ" nếu người dân đi khám chữa bệnh xuất trình thẻ BHYT chưa có ảnh.
- Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ quy định trước khi ra viện. Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khác thì được xác định là đúng tuyến.
- Trường hợp chuyển tuyến điều trị, người tham gia BHYT phải có Giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT theo mẫu mới (Nghị định 75/2023), hồ sơ chuyển viện của cơ sở khám chữa bệnh. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12 năm Dương lịch nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy đó đến hết đợt điều trị.
- Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám chữa bệnh (theo mẫu mới).
- Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở khám chữa bệnh BHYT có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời đến cơ sở khác theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến khám chữa bệnh phải xuất trình tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo mẫu quy định và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
Đối với cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan BHXH không được thêm thủ tục khám chữa bệnh BHYT ngoài các thủ tục quy định. Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan BHXH cần sao chụp thẻ BHYT, các giấy tờ liên quan của người bệnh để phục vụ cho công tác quản lý thì phải tự sao chụp, không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc chi trả cho khoản chi phí này.
>> Infographics: Khung giá dịch vụ khám bệnh tăng từ ngày 17/11/2023
Xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư có được BHYT thanh toán không?
Cải cách hành chính y tế: Không thể giải quyết 'một sớm một chiều'?