Hút cạn ao để bắt cá, cả khu lập tức bị phong tỏa: Hàng chục hang động được phát lộ, trở thành 'kỳ quan thứ 9' của thế giới
Sự xuất hiện của quần thể hang động này đã gây chấn động thế giới với nhiều bí ẩn mà khoa học chưa thể lý giải.
Nằm gọn mình trong lòng thành phố Cù Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, huyện Long Du hiện lên như một bức tranh thu nhỏ về lịch sử và văn hóa lâu đời. Nơi đây là "cái nôi" của nền văn minh nông nghiệp ở lưu vực sông Tiền Đường. Lịch sử văn minh con người ở tỉnh Chiết Giang cũng bắt nguồn từ đây.
Là vùng đất văn hóa lâu đời nhất ở Chiết Giang, Long Du còn lưu dấu nhiều vết tích văn hóa và những câu chuyện truyền thuyết bí ẩn, trong đó có câu chuyện về "cái ao không đáy" ở giữa huyện.
Theo truyền thông Trung Quốc, vào năm 1992, có 4 người dân làng ở khu vực Long Du đã quyết định khám phá cái ao này. Không chỉ để kiểm chứng huyền thoại, họ cũng muốn nhân cơ hội này để thu hoạch một mẻ cá lớn. Do đó, họ dùng máy bơm với ý định hút hết sạch nước trong ao.
Những người dân địa phương thay phiên nhau hút nước trong 17 ngày liên tục. Cuối cùng, họ tình cờ phát hiện ra những hang động bí ẩn dưới đáy ao. Đó chính là hang động Long Du ngày nay.
Sự xuất hiện của quần thể hang động này đã gây chấn động thế giới. Cơ quan chức năng nhanh chóng phong tỏa khu vực để tránh làm ảnh hưởng tới nguyên trạng. Một số lượng lớn các chuyên gia và học giả đã đến tận nơi để tìm hiểu.
Lúc ban đầu, quần thể này được cho là một hang động đơn lẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu bổ sung đã cho thấy hang động này trên thực tế là một mạng lưới 36 căn hầm đáng kinh ngạc ngầm dưới đất.
Trải qua các cuộc thảo luận, nhiều học giả cho rằng hang động Long Du được xây dựng khoảng 2.000 năm trước.
Sau này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy cụm hang chứa vết tích lịch sử từ triều đại của Hán Tuyên Đế (năm 91-48 trước Công nguyên), chứng minh nơi đây được con người tạo ra hơn 2.000 năm trước.
Điểm nổi bật của quần thể hang động này là diện tích rộng lớn. Mỗi hang động sở hữu mặt sàn trung bình hơn 1.000m2, với chiều cao lên đến hơn 30m. Tổng diện tích của toàn bộ quần thể lên đến hơn 30.000m2.
Điều khiến các nhà khảo cổ học thêm tò mò là sự đồng nhất trong cách thức hoàn thiện bề mặt trần, tường và cột đá. Một loạt dải hoặc hàng đá song song với nhau với bề ngang khoảng 60cm chứa các dấu vết chạm trổ song song nghiêng một góc khoảng 60° so với đường trục của hàng đá.
Ngoài ra, quần thể hang động còn thu hút sự chú ý bởi độ bền vững đáng kinh ngạc. Sau hàng ngàn năm nằm dưới đáy ao, các hang động vẫn giữ nguyên kết cấu vững chắc, không hề có dấu hiệu sụt lở hay hư hại.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, nếu tính theo tốc độ đào thông thường của con người, cần đến 1.000 người làm việc liên tục ngày đêm trong suốt 6 năm để hoàn thành toàn bộ công trình.
Các học giả chính thống thường tin rằng, các ngành nghề trong cuộc sống của người cổ đại chỉ dừng ở mức thô sơ. Trên lý thuyết thì sự phát triển công nghệ của nhân loại đã đi từ nguyên thủy đến ngày càng tiên tiến.
Tuy nhiên, ở thời cổ đại, nếu không có sự trợ giúp của các thiết bị máy móc quy mô lớn như ngày nay, làm thế nào con người có thể hoàn thành hàng loạt công trình xây dựng khổng lồ?
Chính sự bí ẩn bao trùm quần thể hang động Long Du đã biến nơi đây thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Là một trong những công trình nhân tạo cổ đại vĩ đại dưới lòng đất, Long Du sở hữu vẻ đẹp kỳ vĩ và độc đáo, khơi gợi trí tò mò và khát khao khám phá của du khách.
Hang động Long Du có sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bí ẩn lịch sử và giá trị văn hóa. Chính vì vậy, nơi đây đã được ví như "kỳ quan thứ 9" của thế giới.
>> Bất ngờ phát hiện cụm di tích rộng 7km2 có hình thức tráng lệ với niên đại hơn 2.500 năm
Ngân hàng chưa mạnh tay phong tỏa, khóa tài khoản lừa tiền, vì sao?
Ông Putin và kinh tế Nga bất ngờ đón loạt tin vui, bất chấp mọi phong tỏa từ bên ngoài