Hụt thu "khủng" từ thị trường xuất khẩu, Trung An (TAR) báo lãi về đáy 3 năm

04-11-2022 09:49|Minh Anh

Chỉ tính riêng nhịp giảm gần nhất từ mức 28.500 đồng (phiên 26/9), cổ phiếu TAR đã mất tới 45% thị giá.

Lợi nhuận về đáy 12 tháng

CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã TAR - HNX) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu gần 500 tỷ đồng - giảm tới hơn 31% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 35% so với quý 2. Tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng cao hơn cùng kỳ và quý trước đó dẫn đến lợi nhuận gộp thu về chỉ ở mức 38,4 tỷ đồng; biên lãi gộp giảm về còn 7,7%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính, chi phí bán hàng  của công ty lần lượt giảm so với quý 3/2021 về mức 0,36 tỷ và 8,4 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 30% YoY lên 22,7 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên mức 5,7 tỷ đồng. 

Sau cùng, Trung An báo lãi trước thuế đạt hơn 2,1 tỷ trong khi cùng kỳ ghi nhận tới 39,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế còn hơn 2 tỷ - giảm tới 94,5% so với quý 3 năm ngoái và giảm 91,5% so với quý liền trước. Đáng nói, đây cũng là mức lãi thấp nhất công ty từng ghi nhận kể từ con số lãi 1 tỷ hồi quý 2/2019 (12 quý).

Theo quan sát, sau khi lập đỉnh lịch sử về cả doanh thu và lợi nhuận trong quý 4/2021 với lần lượt 1.165 tỷ và 43,7 tỷ đồng, tình hình kinh doanh của Trung An đã lao dốc mạnh với doanh thu giảm 57% và lợi nhuận giảm hơn 95% từ đỉnh.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp mảng nông nghiệp này đạt tổng doanh thu 2.222 tỷ đồng - tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021 song mới chỉ tương ứng hơn 63% kế hoạch doanh thu cả năm; lợi nhuận sau thuế thu về hơn 52 tỷ - giảm hơn 5 tỷ so với mức 57,4 tỷ đồng YoY.

Biên lãi ròng 9 tháng của TAR giảm từ mức 2,9% (năm 2021) về còn 2,3% (năm 2022).

Tồn kho tăng mạnh...

Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của Trung An tăng mạnh 44% so với đầu năm lên mức 2.037 tỷ đồng trong đó tiền mặt giảm hơn 70% về còn 22,7 tỷ; khoản phải thu tăng 245 tỷ lên mức 543 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng gần 43% lên mức 1.451 tỷ - chiếm tới 71% tổng tài sản.

Nợ phải trả của công ty đến cuối quý 3 tăng lên 1.570 tỷ đồng trong đó 99% là nợ ngắn hạn. Nợ vay tài chính của TAR ghi nhận mức gần 1.390 tỷ đồng - chiếm hơn 88% cơ cấu nợ của doanh nghiệp.

Tính đến cuối tháng 9, Trung An đã tất toán khoản nợ 120 tỷ đồng tại VPBank - Chi nhánh Cần Thơ song doanh nghiệp ghi nhận khoản vay mới 115 tỷ đồng tại Ngân hàng TNHH MTV Hongleong Việt Nam - Chi nhánh TP. HCM.

Hiện vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 1.181 tỷ đồng - tăng 72% so với thời điểm đầu năm - chủ yếu do công ty phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ và 200 tỷ thặng dư vốn cổ phần.

Hụt thu khủng từ xuất khẩu

Trong báo cáo cách đây không lâu, Chứng khoán Mirae Asset từng dự báo doanh thu năm 2022 của TAR có thể tăng 10% so năm trước lên 3.432 tỷ đồng nhờ sản lượng xuất khẩu tăng. Theo đó, mức lợi nhuận sau thuế có thể tăng tới 53% lên 141 tỷ đồng trong năm nay.

Trước đó từ tháng 8/2020, Trung An cũng đã xuất khẩu gạo mang thương hiệu Trung An vào thị trường châu Âu. Đại diện công ty từng chia sẻ, hiện toàn bộ gạo của Công ty bán vào châu Âu đều được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Trung An. Sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Trung An hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của công ty. Hiện TAR đã phát triển được hơn 30.000 ha vùng nguyên liệu liên kết.

Mặc dù vậy, thuyết minh doanh thu ghi nhận tại báo cáo tài chính quý 3 của TAR lại cho thấy sự lao dốc mạnh về doanh thu xuất khẩu với chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng - giảm tới 65% so với quý 3/2021 và chỉ chiếm 4% cơ cấu tổng doanh thu của công ty. Con số ghi nhận trong quý 3 thậm chí đã giảm tới 92,6% so với quý trước đó. 

Được biết năm 2021, Trung An ghi nhận 586 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu - chiếm gần 19% cơ cấu tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Sự sa sút mạnh về mảng xuất khẩu đã tạo ra cú sốc lợi nhuận đối với Trung An trong quý 3 này - nhất là khi biên lãi cao hơn ở mảng xuất khẩu. 

Điều này hoàn toàn có thể lý giải trong bối cảnh thương mại thế giới đang gặp khó khăn - nhất là sau khi xung đột giữa Nga - Ukraine bùng phát hồi đầu năm.

Mặc dù ngành xuất khẩu gạo hồi tháng 9 vừa qua bất ngờ nóng lên và được giới phân tích kỳ vọng có lợi cho doanh nghiệp gạo Việt sau khi các lệnh tiết cung từ Ấn Độ song việc hàng không thể xuất đi khiến mức tồn kho khủng của Trung An đang trở thành vấn đề đáng quan ngại.

Cổ phiếu bốc hơi gần nửa thị giá sau hơn 1 tháng

Trên thị trường chứng khoán, tính từ mức 42.500 đồng hồi đầu năm, cổ phiếu TAR đến kết phiên 3/11 đã mất tới 64% giá trị. Nếu chỉ tính riêng trong nhịp giảm gần nhất từ mức 28.500 đồng (phiên 26/9), cổ phiếu TAR đã giảm tới 45% thị giá và hiện đang giao dịch tại mức 15.500 đồng/cổ phiếu.

Xem thêm các bài viết liên quan đến #Kết quả kinh doanh quý 3/2022 #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh #lợi nhuận sau thuế

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hut-thu-khung-tu-thi-truong-xuat-khau-trung-an-tar-bao-lai-ve-day-3-nam-156627.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hụt thu "khủng" từ thị trường xuất khẩu, Trung An (TAR) báo lãi về đáy 3 năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH