‘Huy động’ 20.000m3 đá cùng 100.000m3 đất, Việt Nam xây dựng đại công trình bằng đá 600 năm tuổi cổ nhất Đông Nam Á, được công nhận Di sản Văn hóa Thế giới
Đây là hiện tượng có tính đột khởi về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng một đại công trình với nguyên liệu cơ bản là các tảng đá lớn.
Thành nhà Hồ nằm giữa vùng đồng bằng của lưu vực sông Mã và sông Bưởi, là một công trình thành đá độc đáo còn khá nguyên vẹn. Thành thuộc các thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến) và Đông Môn (xã Vĩnh Long) tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài tên gọi Thành nhà Hồ, công trình còn được biết đến với nhiều tên gọi như An Tôn, Tây Đô, Thành Phủ Thanh Hóa, Tây Kinh, Thạch Thành, Tây Giai…
Trong hồ sơ di sản thế giới, Thành nhà Hồ được mô tả là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỷ XV.
Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính của Thành nhà Hồ được dựng lên từ những phiến đá vôi xanh lớn, đục đẽo tinh xảo và xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính.
Theo sử liệu, năm 1397, trước nguy cơ giặc Minh từ phương Bắc, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) làm nơi xây dựng Kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài.
Với tư cách là Kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ, Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc.
Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam còn là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới. Thành nhà Hồ được kết cấu gồm 3 phần: La thành, Hào thành và Hoàng thành.
Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính. Các phiến đá dài trung bình 1,5m, có tấm dài tới 6m, trọng lượng ước nặng 24 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000m3 và gần 100.000m3 đất được đào đắp công phu.
Qua hơn 6 thế kỷ, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy, nhưng bốn bức tường thành của Thành nhà Hồ vẫn tương đối nguyên vẹn, nổi bật với bốn cổng chính: Nam, Bắc, Đông, Tây.
Bên cạnh phần di tích lộ thiên, các cuộc khai quật tổng thể tại Đàn tế Nam Giao và những khu vực khác đã phát hiện hàng nghìn di vật cùng các mảng kiến trúc đại diện cho sự giao thoa văn hóa từ thời Trần, Hồ và Lê sơ, bao gồm sân lát gạch, trụ chân tảng bằng đá, giếng Vua… Những lớp trầm tích văn hóa này phản ánh sự nối tiếp của các triều đại, với nhà Hồ là một mắt xích không thể thiếu.
Thành nhà Hồ gắn liền với giai đoạn đầy biến động trong lịch sử Việt Nam, khi vương triều Hồ thực hiện các cải cách và chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc. Công trình này vừa là trung tâm quyền lực, vừa là pháo đài quân sự, thể hiện tài tình sự kết hợp giữa kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên.
Với kỹ thuật xây dựng đặc biệt và vật liệu bền vững, nhất là những khối đá lớn, Thành nhà Hồ đã trải qua hơn 600 năm và vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên vẹn cả trên mặt đất lẫn dưới lòng đất.
Thành nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong số rất ít thành đá còn sót lại trên thế giới. Ngày 27/6/2011, tại Kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Paris, Pháp, Di tích Thành nhà Hồ chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.