Huy động công nhân khoan 5 lỗ sâu vào 'siêu đập' trăm năm tuổi trong hẻm núi, kích hoạt 20kg thuốc nổ, khai thông dòng chảy của một con sông
Vụ nổ khiến con đập vỡ tan trong chớp nhoáng và sau đó các máy xúc được huy động đến để xử lý.
Con đập chặn sông Tromsa ở Na Uy, đã tồn tại hơn 100 năm đã bị phá hủy bằng thuốc nổ vào năm 2022 để phục hồi dòng sông và mở đường cho cá di cư. Tromsa là một nhánh của sông Lagen, đổ vào hồ Mjosa – hồ nước ngọt lớn nhất của Na Uy.
Theo thông tin từ tờ The Guardian, con đập này được xây dựng từ năm 1916, cao 7 mét, nằm ở thị trấn Favang thuộc vùng Innlandet, phía đông Na Uy. Đập đã không còn được sử dụng trong hơn 50 năm qua. Việc phá bỏ con đập giúp tái sinh môi trường sống cho nhiều loài cá, bao gồm cá tuyết sông, cá đầu bò Alpine và cá tuế. Đặc biệt, các nhà vận động kỳ vọng rằng cá hồi sẽ là loài được hưởng lợi lớn nhất từ việc khơi thông lại dòng chảy này. Trước đây, cá hồi chỉ có thể sinh sản và phát triển trong phạm vi 950m ở hạ lưu. Sau khi đập bị phá bỏ, chúng sẽ có thể bơi ngược dòng tới 10km.
Việc phá dỡ con đập này đã được thực hiện bằng cách khoan 5 lỗ sâu và đặt 20kg thuốc nổ vào trong các lỗ. Sau khi nổ tung, đập bị nứt ở giữa và trên đỉnh, tiếp theo đó máy xúc được huy động để phá dỡ hoàn toàn. Sau khi đập được loại bỏ, nhóm nghiên cứu bắt đầu khôi phục lại dòng sông tại khu vực xây dựng cũ.
Đập Tromsa nằm trong một hẻm núi dốc, vì vậy thách thức tiếp theo là xây dựng một thác bậc thang tự nhiên để cá có thể bơi ngược dòng trong dòng chảy mạnh.
Không chỉ mang lại lợi ích cho các loài cá di cư, việc khơi thông dòng sông còn giúp vận chuyển trầm tích phong phú, rất quan trọng cho nông nghiệp, đồng thời giảm thiểu tác động của lũ lụt và hạn hán. Theo ước tính, hiện có ít nhất 1,2 triệu rào cản dòng chảy ở châu Âu, góp phần gây ra sự suy giảm mạnh số lượng cá nước ngọt di cư, với mức giảm hơn 90% từ năm 1970 đến 2016. Những dòng sông chảy tự do ở châu Âu có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích đáng kể.