Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á: Hàng loạt dự án đường cao tốc bị hủy, người dân làm việc từ xa 2 ngày/tuần, chuyện gì đã xảy ra?
Trong khi Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% mỗi năm trong 5 năm tới, Ngân hàng Trung ương đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay xuống còn 4,7%-5,5%.
Chính phủ Indonesia đang nhanh chóng cắt giảm chi tiêu, từ việc dừng các dự án xây dựng đến tiết kiệm vật dụng văn phòng và hạn chế sử dụng điều hòa không khí, theo lời kêu gọi của Tổng thống Prabowo Subianto nhằm giải phóng ngân sách cho các chính sách trọng điểm.
Chỉ thị “thắt lưng buộc bụng” của ông Prabowo nhằm mục đích tiết kiệm 18,8 tỷ USD từ ngân sách năm nay, từ đó có thể tài trợ cho các chương trình lớn, đặc biệt là “bữa trưa miễn phí”. Chương trình này dự kiến cung cấp suất ăn cho hơn 82 triệu học sinh và phụ nữ mang thai trên cả nước, với chi phí 28 tỷ USD mỗi năm.
![Hủy hàng loạt dự án đường cao tốc, yêu cầu người dân hạn chế dùng điều hòa: Chuyện gì đã xảy ra tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á? - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-tranthihuyentrang-2025_02_11-_screenshot_2025-02-11_095810_tjcj.png)
Theo Financial Times, lệnh cắt giảm chi tiêu của Tổng thống Prabowo không chỉ nhằm loại bỏ lãng phí mà việc cắt giảm quy mô lớn chỉ sau ba tháng ông nhậm chức cho thấy Indonesia đang gặp khó khăn tài chính, khiến ông phải tìm cách thực hiện các cam kết tranh cử của mình.
"Tôi liên tục yêu cầu tiết kiệm và nâng cao hiệu quả. Tôi muốn mọi người mạnh dạn cắt giảm những khoản chi không cần thiết", Tổng thống Prabowo nói trước Nội các hồi tháng 1. Ông cũng kêu gọi giảm một nửa các chuyến công tác chính thức, cho rằng điều này có thể giúp tiết kiệm 20 nghìn tỷ rupiah (1,2 tỷ USD).
"Với số tiền tiết kiệm này, chúng ta có thể sửa chữa hàng chục nghìn ngôi trường, vì trường nào cũng cần được nâng cấp", ông nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng ngân sách quốc gia nên được ưu tiên cho việc tạo việc làm, nâng cao năng suất và đảm bảo tự chủ về năng lượng và thực phẩm.
Cắt giảm mạnh ngân sách Bộ ngành
Ngân sách dành cho một số Bộ đã bị cắt giảm mạnh, trong đó Bộ Công chính bị cắt hơn 70%, khiến nhiều quan chức xác nhận rằng một loạt dự án cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt trước đó, như đường cao tốc và đập, sẽ bị hủy bỏ. Ngân sách Bộ Kinh tế cũng bị cắt giảm 52%, trong khi Bộ Đầu tư giảm khoảng 40%.
Các nhà kinh tế lo ngại rằng việc cắt giảm hỗ trợ nhà nước cho các ngành quan trọng như cơ sở hạ tầng - vốn được ưu tiên dưới thời cựu Tổng thống Joko Widodo - có thể làm chậm lại nền kinh tế và giảm đầu tư tư nhân.
Tình hình này càng đáng lo hơn khi Indonesia đang đối mặt với sức mua yếu, đồng rupiah xuống gần mức thấp nhất trong bốn năm và thương mại toàn cầu bất ổn. Trong khi Tổng thống Prabowo đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% mỗi năm trong 5 năm tới, Ngân hàng Trung ương đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay xuống còn 4,7%-5,5%.
![Hủy hàng loạt dự án đường cao tốc, yêu cầu người dân hạn chế dùng điều hòa: Chuyện gì đã xảy ra tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á? - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-tranthihuyentrang-2025_02_11-_screenshot_2025-02-11_095852_edba.png)
"Việc điều chỉnh ngân sách ở quy mô lớn như vậy chắc chắn sẽ gây xáo trộn và tranh cãi". Kevin O’Rourke, nhà phân tích tại công ty tư vấn Reformasi Information Services ở Jakarta, nhận định.
Thắt chặt chi tiêu trên mọi lĩnh vực
Bộ Tài chính Indonesia cũng yêu cầu các Cơ quan và Bộ ngành cắt giảm 90% chi tiêu cho vật dụng văn phòng và giảm một nửa ngân sách dành cho họp hành, hội thảo, lễ kỷ niệm và nghiên cứu.
Ngoài ra, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cũng đề xuất cho nhân viên làm việc từ xa hai ngày mỗi tuần và sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm hơn. Quan chức cũng được khuyến khích ưu tiên họp trực tuyến thay vì gặp mặt trực tiếp.
Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia đã hoãn kế hoạch mua máy bay không người lái và các thiết bị cứu hộ khác phục vụ công tác ứng phó tai nạn, thảm họa, theo hãng thông tấn nhà nước Antara.
Mặt khác, các kế hoạch chi tiêu khác của ông Prabowo cũng là tâm điểm chú ý. Tháng 10 năm ngoái, ông đã bổ nhiệm hơn 100 Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo cơ quan, theo đó tạo ra Chính phủ lớn nhất của Indonesia kể từ những năm 1960.
Tham khảo Financial Times
>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thành công gia nhập BRICS giúp liên minh nâng cao vị thế